Những công ty phương Tây thầm lặng quản lý tiền của giới tài phiệt Nga
Các công ty quản lý tiền cho giới tài phiệt Nga ở Mỹ và phương Tây đang nằm trong tầm ngắm của các nhà lập pháp.
Chủ sở hữu câu lạc bộ Chelsea, ông Roman Abramovich. Ảnh: Getty Images
|
Đằng sau cánh cửa kim loại nằm tại một tòa nhà không mấy đặc biệt ở ngoại ô New York (Mỹ), một nhóm nhỏ đang quản lý hàng tỷ USD thuộc sở hữu của một nhà tài phiệt Nga.
Theo tờ New York Times (NYT), trong nhiều năm qua, các nhà tỷ phú Nga đã thông qua công ty cố vấn tài chính Concord ở Tarrytow (New York) để bí mật đầu tư vào các quỹ đầu cơ lớn và các công ty cổ phần tư nhân tại Mỹ.
Với mạng lưới công ty bình phong dày đặc, rất khó để có thể biết Concord đang quản lý tiền cho ai. Một số người thạo tin tiết lộ phần lớn số tiền này thuộc về nhà tỷ phú Roman Abramovich - chủ sở hữu của CLB Chelsea nằm trong danh sách trừng phạt nhằm vào giới tài phiệt Nga của Anh.
Concord là một phần của nhóm cố vấn từ Mỹ và châu Âu, bao gồm một số công ty luật lớn nhất thế giới, giúp quản lý tài sản của giới siêu giàu Nga ở các nước phương Tây.
Giữa các lệnh trừng phạt, Concord đã thu hút sự chú ý của các nhà điều tra quốc hội Mỹ. Ngày 9/3, một nhà lập pháp đã viết thư cho chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu đóng băng các quỹ của ông Abramovich tại công ty này. Đại diện bang Tennessee ông Steve Cohen cho biết “gần đây đã nhận được thông tin từ các nguồn đáng tin cậy trong ngành tài chính” nói rằng Concord đang quản lý hàng tỷ USD cho ông Abramovich.
Được thành lập từ năm 1999 với khoảng 20 nhân viên, Concord chuyên đầu tư vào các quỹ đầu cơ và quỹ bất động sản do các công ty cổ phần tư nhân điều hành. Các chủ ngân hàng Phố Wall và các nhà quản lý quỹ đầu cơ từng hợp tác với Concord và người sáng lập của công ty Michael Matlin tiết lộ Concord đang quản lý từ 4 tỷ đến 8 tỷ USD.
Trong những năm qua, Concord đã phân phối tiền của khách hàng vào các tổ chức tài chính tầm cỡ như công ty quản lý tiền tệ toàn cầu BlackRock, công ty cổ phần tư nhân Carlyle Group, quỹ do John Paulson điều hành và Brevan Howard, một quỹ đầu cơ trị giá hàng tỷ USD ở châu Âu.
Tại Anh, các nhà lập pháp tố cáo lên Quốc hội rằng các luật sư và công ty luật đang tiếp tục làm việc với các nhà tài phiệt mặc dù về mặt pháp lý, không có gì sai trái khi làm việc cho các công ty, cá nhân hoặc chính phủ đang bị trừng phạt miễn là tuân thủ quy định pháp luật.
Baker McKenzie, một trong những công ty luật lớn nhất thế giới, tuyên bố trên website doanh nghiệp rằng họ vẫn đại diện cho “một số công ty lớn của Nga”, bao gồm Tập đoàn Năng lượng Gazprom và ngân hàng VTB. Công ty cho biết họ đang "xem xét và điều chỉnh các hoạt động liên quan đến các khách hàng Nga" để tuân thủ các lệnh trừng phạt.
Tại Washington, Erich Ferrari - một luật sư hàng đầu về các lệnh trừng phạt - thay mặt nhà tỷ phú Oleg Deripaska tiến hành khởi kiện Bộ Tài chính Mỹ. Nhà tỷ phú này cho biết các lệnh trừng phạt năm 2018 đã khiến ông thiệt hại hàng tỷ USD.
Robert Stryk, một nhà vận động hành lang, cho biết gần đây ông đã được liên hệ đại diện cho một số công ty và nhà tài phiệt Nga nằm trong danh sách trừng phạt. Trước đây, ông từng đại diện cho chính quyền của Tổng thống Venuezela Nicolás Maduro Venezuela và cựu Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo Joseph Kabila.
Bảo Hà
Báo Tin tức
|