Nga thừa nhận nền kinh tế nước này đang trải qua cú sốc
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết nền kinh tế Nga "hiện đang trải qua một cú sốc và có những hậu quả tiêu cực, song những tác động này sẽ được giảm thiểu."
Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở Saint Petersburg của Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Ngày 10/3, Điện Kremlin thừa nhận rằng nền kinh tế Nga đang trải qua một cú sốc và Moskva đang thực hiện các biện pháp nhằm giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết nền kinh tế Nga "hiện đang trải qua một cú sốc và có những hậu quả tiêu cực, song những tác động này sẽ được giảm thiểu."
Theo ông Peskov, phương Tây đang phát động "một cuộc chiến tranh kinh tế chưa từng có" nhằm vào Nga.
Ông cho rằng tình hình hiện nay hỗn loạn, nhưng Nga đang thực hiện các biện pháp để làm dịu và ổn định tình hình.
Cùng ngày, hãng thông tấn Interfax dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết các doanh nghiệp Nga đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo tài chính cho các hợp đồng bán dầu thô và các sản phẩm liên quan đến dầu vào tháng Tư tới, song khẳng định có thể giải quyết được vấn đề này.
Ngày 8/3 vừa qua, Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, trong khi một số công ty dầu mỏ phương Tây, như Shell, tuyên bố sẽ ngừng mua dầu của Nga.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây chưa tác động đến sản lượng khai thác của Nga, khi số liệu mới nhất mà Nhật báo Kommersant dẫn nguồn Bộ Năng lượng Nga đăng tải cho thấy sản lượng dầu vẫn tiếp tục tăng 55.000 thùng/ngày lên 11,1 triệu thùng/ngày.
Sản lượng của tập đoàn Rosneft, doanh nghiệp sản xuất dầu lớn nhất của Nga, vẫn ở mức 3,4 triệu thùng/ngày. Mặc dù sản lượng dầu vẫn có xu hướng tăng, song một số nhà sản xuất của Nga gặp khó khăn trong việc bán hàng.
Các chuyên gia phân tích tại công ty Rystad Energy có trụ sở ở Oslo (Na Uy) nhận định Nga có thể sẽ buộc phải ngưng sản xuất dầu thô nếu các lệnh trừng phạt được mở rộng, như biện pháp được thực hiện hồi tháng 4/2020, khi nhu cầu thế giới giảm mạnh do đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, theo dữ liệu mới nhất, hoạt động vận chuyển khí đốt của Nga sang Đức qua Dòng chảy phương Bắc 1 và Ba Lan, cũng như sang Slovakia qua Ukraine vẫn duy trì ổn định.
Cụ thể, lượng khí đốt đi qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 vẫn ở mức 73.028.461 kWh/h.
Trong khi đó, theo dữ liệu tại điểm đo lường Mallnow ở biên giới Đức-Ba Lan, lượng khi đốt đi qua đường ống Yamal-Europe đạt 7.280.550 kWh/h.
Đường ống nối giữa Ba Lan và Đức này chiếm khoảng 15% lượng khí đốt xuất khẩu hằng năm của Nga sang châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tương tự, lượng khí đốt vận chuyển qua Ukraine vào Slovakia ở mức 882.087MWh/h, hầu như không thay đổi so với ngày 9/3.
Liên quan các biện pháp trừng phạt Nga, ngày 10/3, Anh tuyên bố áp đặt lệnh phong tỏa tài sản và cấm đi lại đối với 7 doanh nhân Nga, theo đó bổ sung các nhân vật Roman Abramovich, Igor Sechin, Oleg Deripaska và Dmitri Lebedev vào danh sách trừng phạt của London.
Ông Abramovich là chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea, ông Deripaska có cổ phần tại En + Group, ông Sechin là Giám đốc điều hành của Rosneft và ông Lebedev là Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng Rossiya./.
Đặng Ánh
Vietnam+
|