Doanh nghiệp, người buôn hàng Trung Quốc lo lắng vì khó nhập hàng về
Việc Trung Quốc phong tỏa các thành phố lớn vì mục tiêu Zero Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp, người nhập hàng hóa về Việt Nam.
Trung Quốc liên tục phong tỏa các thành phố vì mục tiêu Zero Covid-19 khiến anh Trần Hưng - chủ một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu hàng điện gia dụng từ Trung Quốc càng thêm sốt ruột vì khoảng 20 tỷ đồng tiền hàng vẫn chưa thể về.
"Hàng hóa của tôi chủ yếu nhập khẩu qua đường chính ngạch, vẫn hoạt động qua 2 cảng Ningbo và Guangdong nhưng đi rất chậm. Hơn nữa, lịch bốc tàu cũng thường bị trì hoãn 7-10 ngày do thiếu hụt lao động tại cảng", anh than.
Thực tế, hiện nay khi Trung Quốc vẫn trung thành với chiến lược chống dịch “Zero Covid-19” tiến hành phong tỏa mang tính cục bộ, xét nghiệm diện rộng và đóng cửa ở quy mô thành phố đã làm gián đoạn mạng lưới vận tải hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.
Hàng loạt doanh nghiệp Việt đang rơi vào nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất. Nhiều dân buôn hàng online cũng không có hàng để giao cho khách khoảng 1-2 tháng nay.
Giá cước vận chuyển đường bộ, hàng hải và hàng không từ Trung Quốc tăng vọt vì cách chống dịch của nước này. Ảnh: The Guardian.
|
Tiểu thương, doanh nghiệp điêu đứng
Ngoài ra, anh Trần Hưng cho biết hiện nay tàu chở hàng từ Trung Quốc về Việt Nam cũng rất khan hiếm. "Bình thường một tuần sẽ có 2-3 chuyến nhưng hiện nay chỉ có đúng 1 chuyến về cảng Hải Phòng. Chưa kể, giá vận chuyển tăng gấp 3 lần", chủ doanh nghiệp này than.
Không chỉ chậm trễ ở khâu vận chuyển mà khâu sản xuất tại Trung Quốc cũng gặp khó khăn. Trước đây đặt hàng một lô máy móc mất khoảng 20-25 ngày để sản xuất nhưng nay phải 45 ngày mới có thể giao hàng. Điều này dẫn đến vốn hóa đặt hàng của doanh nghiệp tăng gấp đôi.
Tương tự, chị H., chủ một thương hiệu thời trang chuyên nhập vải từ Trung Quốc về để đặt may quần áo cũng cho biết từ sau Tết Nguyên đán việc nhập hàng về rất khó khăn.
"Trước đây chỉ cần 5 ngày là có thể đưa hàng từ Trung Quốc về Việt Nam, bây giờ thì rất thất thường, có khi 15-20 ngày thậm chí hơn 1 tháng hàng vẫn chưa về. Nhiều đơn đặt hàng mới của khách phải thương lượng thời gian giao hàng chậm hơn", chị nói.
Hiện, mỗi tuần chỉ có một chuyến tàu từ Trung Quốc về cảng Hải Phòng. Ảnh: Việt Linh.
|
Nhiều doanh nghiệp, tiểu thương đều đang gặp phải tình trạng hàng đã đặt xong nhưng không thể vận chuyển về Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng thời trang trước nay chủ yếu đi theo đường tiểu ngạch.
Một doanh nghiệp logistics chuyên tìm đặt và vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam cho biết từ 24/2 đến nay, khi thành phố Phòng Thành Cảng bị yêu cầu đóng các cửa ngõ ra vào, toàn bộ hàng hóa không thể phát, nhận tại kho Đông Hưng.
"Hàng hóa đang trên đường di chuyển bắt buộc phải dừng lại và quay đầu. Do đó, các chuyến hàng không thể về Việt Nam đúng hẹn như đã cam kết với khách hàng", đại diện doanh nghiệp cho biết.
Doanh nghiệp sản xuất lo lắng
Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 2 tháng đầu năm ước đạt 18,3 tỷ USD. Đồng thời cũng là thị trường nhập siêu lớn nhất của nước ta với 10,5 tỷ USD, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, dệt may là một trong những ngành sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu từ nước bạn, do đó việc phong tỏa nhiều thành phố sẽ khiến quy trình sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3 - cho biết các doanh nghiệp dệt may tại TP.HCM cũng đang lo lắng theo dõi sát tình hình tại Trung Quốc.
"Hiện, chiến dịch Zero Covid-19 này vẫn chưa ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp trong nước vì số lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu đã được nhập từ trước đó vẫn đủ duy trì sản xuất", ông nói.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may cũng đang lo lắng vì nguồn hàng có thể hết trong 5-7 ngày thậm chí nửa tháng tới. "Chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi và liên lạc với khách hàng, nhà cung cấp về các giải pháp đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu trong thời gian tới", ông chia sẻ.
Khoảng 40-50% nguồn nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam đều nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Hà.
|
Báo cáo mới đây của Chứng khoán BIDV (BSC) cũng đánh giá việc Trung Quốc thực hiện phong tỏa các thành phố lớn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành xuất nhập khẩu của nước ta.
Đặc biệt đối với ngành thủy sản tại Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm đột ngột, đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu cá tra và tôm từ Việt Nam.
Trước tình hình này, bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu mở rộng thị trường; tìm kiếm thị trường đa dạng thị trường nhập khẩu các nguyên vật liệu cho các ngành sản xuất. Đồng thời giao các thương vụ Việt Nam tại các nước tìm kiếm nguồn hàng thay thế.
"Đặc biệt nghiên cứu, khuyến cáo các doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất trong nước. Cùng với đó, thảo luận với phía bạn tìm ra giải pháp như mở luồng xanh, duy trì giao nhận hàng hóa bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch", ông nói.
Theo các nhà kinh tế Chang Shu và David Qu của Bloomberg Economics, việc phong tỏa Thâm Quyến sẽ tác động đến sản lượng trong các ngành như công nghệ và máy móc, từ đó làm gián đoạn nguồn cung của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà Stephanie Loomis - Phó chủ tịch Bộ phận Mua sắm Quốc tế của công ty giao nhận vận tải CargoTrans, Inc. - cho rằng các lệnh phong tỏa của Trung Quốc có thể tạo nên tác động với kinh tế toàn cầu tương tự tình trạng tắc nghẽn mà con tàu container mắc kẹt ở kênh đào Suez gây ra hồi năm ngoái.
Thanh Thương
ZING
|