Bài cập nhật
Chủ tịch Johnathan Hạnh Nguyễn: "Đừng mong SASCO sẽ bùng nổ trong năm 2022"
"Chúng ta đã gượng lại, nhưng sau 1 cơn bạo bệnh thì không thể chạy ngay được mà cần có thời gian để hồi phục. Do đó, không thể đặt quá nhiều kỳ vọng và cũng đừng trông mong vào một bước đột phá trong năm 2022. Chúng tôi sẽ đi từng bước để hồi phục".
Đây là nhận định của Chủ tịch Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 của CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO, UPCoM: SAS) diễn ra vào sáng ngày 31/03.
ĐHĐCĐ thường niên 2022 của SASCO được tổ chức vào sáng ngày 31/03. Ảnh: TK
|
Thảo luận
Tới nay, Việt Nam đã mở cửa các chuyến bay nội địa và chuyến bay quốc tế và tỷ lệ phủ vắc-xin cũng rất cao. Vậy ban lãnh đạo đánh giá như thế nào về đà hồi phục của ngành hàng không hậu đại dịch? Liệu rằng ngành hàng không có trở lại nhanh chóng hay không?
Tổng Giám đốc Đoàn Mai Hương: Chúng tôi có hai nguồn khách quốc tế chi tiêu rất cao là Trung Quốc và Nga. Hiện nay, khách hàng từ Nga, Ukraine và Trung Quốc vẫn chưa phục hồi. Việc Chính phủ mở cửa các chuyến bay quốc tế sẽ có tác động muộn, sau thời gian công bố khoảng 1-2 tháng.
Trong quý 1/2022, một số Việt kiều được về nước, một số nhà đầu tư và nhà kinh doanh quốc tế quay lại Việt Nam, nhưng chưa phải là bùng nổ.
Chúng tôi kỳ vọng sự bùng nổ sẽ bắt đầu từ tháng 5-6/2022. Theo kịch bản của Công ty, từ tháng 4/2022, khách quốc tế sẽ dần dần quay trở lại và năm 2022, ước tính tổng khách quốc tế sẽ bằng khoảng 30-40% so với năm 2019.
Với Việt Nam, ngành hàng không sẽ phục hồi nhanh chóng và sẽ có những bước bùng nổ tiếp theo về du lịch và đi lại. Xét cho cùng, Việt Nam vẫn là điểm đến đẹp và an toàn, nên chúng tôi tự tin đánh giá sự phục hồi của ngành hàng không là khả quan và rất nhanh.
Chủ tịch Johnathan Hạnh Nguyễn: Quy định về mở cửa bắt đầu áp dụng từ 15/03 cho nên quý đầu năm chưa có tác động nhiều. Theo tôi, 3 quý còn lại của năm 2022 vẫn sẽ không bùng phát lắm. Sự hồi phục của lượng khách quốc tế còn tùy thuộc vào quy định của các nước. Chính phủ Việt Nam muốn mở cửa nhưng các nước kia cho đi hay không lại là chuyện khác. Chẳng hạn, Trung Quốc vẫn theo Zero Covid, nhiều quốc gia đi tới vẫn phải xét nghiệm, cách ly.
Trong thời gian vừa qua, ban điều hành SASCO đã điều chỉnh gian hàng để hấp dẫn khách hàng nội địa do vẫn chưa có khách quốc tế. Chúng ta đã gượng lại, nhưng sau 1 cơn bạo bệnh thì không thể chạy ngay được mà cần có thời gian để hồi phục.
Do đó, không thể đặt quá nhiều kỳ vọng và cũng đừng trông mong vào một bước đột phá trong năm 2022. Chúng tôi sẽ đi từng bước để hồi phục.
Nếu trường hợp chiến tranh được khống chế và dịch bệnh trở lại bình thường thì năm 2023 sẽ tươi sáng hơn. Hoạt động kinh doanh năm 2023 sẽ được 80% hoặc hơn so với năm 2019. Năm 2023-2024 sẽ giai đoạn đỉnh điểm, SASCO sẽ trở lại bình thường, những khoản lãi sẽ thật sự đáng kỳ vọng.
Lạm phát tăng mạnh và bào mòn túi tiền của người dân. Điều này ảnh hưởng ra sao tới việc làm ăn của SASCO?
Tổng Giám đốc Đoàn Thị Mai Hương: Lạm phát trên thế giới đang tăng mạnh, đáng chú ý nhất là mức tăng vọt của giá dầu trong thời gian gần đây. Điều này đẩy giá thành lên cao, trong đó vé máy bay, chi phí vận tải, logistics. Do đó, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp và cá nhân cũng tăng mạnh và tác động tới chi tiêu.
Tuy nhiên, trong giai đoạn quý 1/2022, do rơi vào thời điểm Nhà nước đang kích thích tiêu dùng và cũng mới mở cửa, công ty vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều. Mức chi tiêu của hành khách vẫn khá tốt.
Dự báo sắp tới, hành khách và người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ duy trì dịch vụ và giá cả ở mức vừa phải chứ không tăng cao. Do đó, lợi nhuận của Công ty trong năm nay sẽ không có đột phá nhiều. Điều này không chỉ do ảnh hưởng từ bất ổn chính trị và dịch bệnh, mà còn xuất phát từ tác động từ việc tăng giá. Nếu tăng giá, khả năng sức mua sẽ giảm.
Trong kế hoạch kinh doanh, chúng tôi có đề cập tới chuyện tái cấu trúc các ngành hàng và dịch vụ, sẽ phân biệt và làm khác biệt hóa một số dịch vụ cao cấp. Điều này là do tại sân bay, luôn luôn sẽ có những phân khúc khách hàng sẵn sàng chi tiêu và cũng sẽ có một số khác hàng chi tiêu thông minh và không muốn chi tiêu tại sân bay trong quá trình đi lại. Chúng tôi sẽ sắp xếp lại các hàng hóa và dịch vụ để nhắm tới từng phân khúc khách hàng. Do đó, sự thắt chặt chi tiêu của hành khách sẽ không tác động nhiều tới Công ty.
Kết quả kinh doanh quý 1/2022 như thế nào?
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Hùng Cường: Các quy định mở cửa chuyến bay quốc tế chỉ mới áp dụng từ 15/03, do đó từ tháng 4, chi tiêu của hành khách quốc tế mới bắt đầu hồi phục. Trong quý 1/2022, các chuyến bay quốc tế hiện nay bình quân 15 chuyến/ngày, nhiều nhất chỉ là 25 chuyến. Do đó, doanh thu từ quốc tế chưa thay đổi nhiều so với trước đây. Trong khi đó, các chuyến bay quốc nội bình quân ở mức 500 chuyến, có những ngày lên 600 chuyến bay.
Trong quý 1/2022, SASCO ước tính doanh thu đạt 125 tỷ đồng và lợi nhuận 1.3 tỷ đồng. Kết quả ảm đạm là do trong năm 2022, một số chi phí như chi phí hợp tác, chi phí mặt bằng đều tăng so với năm trước. Đồng thời, quý 1/2022, các khoản chi cổ tức từ các đơn vị mà công ty có đầu tư vẫn chưa về. Do đó, kết quả chỉ ở mức hòa vốn.
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 82 tỷ đồng
Theo SASCO, kế hoạch năm 2022 xây dựng dựa trên triển vọng hồi phục khi Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh với tỷ lệ phủ vắc-xin cao. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã dỡ bỏ các hạn chế về tần suất khai thác chuyến bay quốc tế.
Tổng Giám đốc Đoàn Thị Mai Hương chia sẻ: “Gần đây, chiến dịch quân sự ở châu Âu ảnh hưởng đáng kể tới hai nguồn khách hàng lớn của Công ty là Nga và Ukraine. Đồng thời, Trung Quốc cũng chưa mở cửa thị trường đến hết năm 2022. Do đó, kế hoạch của Công ty được lập với giả định khách hàng Trung Quốc sẽ chưa quay lại thị trường Việt Nam trong năm nay”.
Hãng cung cấp dịch vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất kỳ vọng trong năm 2022, hoạt động kinh doanh tại nhà ga quốc nội và thị trường ngoài sân bay dự kiến bằng 87% so với năm 2019 (trước khi dịch bệnh xảy ra). Trong khi đó, hoạt động kinh doanh tại nhà ga quốc tế được kỳ vọng ở mức 36% so với năm 2019.
Tại Đại hội lần này, Ban lãnh đạo SASCO trình cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế hơn 82 tỷ đồng, tăng gần 27 lần so với năm 2021. Tuy nhiên, phần lớn mức tăng phản ánh việc so sánh với mức nền thấp của năm trước đó (chỉ 3 tỷ đồng), khi đại dịch Covid-19 ập tới và ghìm chân cả ngành hàng không.
Ban lãnh đạo SASCO cũng trình thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT của bà Trần Thị Minh Nguyệt (bên đại diện cho ACV), đồng thời bầu bổ sung ông Lê Anh Tuấn cho nhiệm kỳ 2019-2024. Được biết, ông Lê Anh Tuấn sẽ là bên đại diện vốn của ACV tại SASCO.
Trong năm nay, SASCO cũng sẽ tập trung đầu tư hai dự án trọng điểm trong năm 2022 là “Khu dân cư thương mại dịch vụ SASCO An Bình” ở tỉnh Bình Dương và “Khu du lịch nghỉ dưỡng Suối Hoa” ở thành phố Đà Lạt.
Đại hội kết thúc, tất cả tờ trình đều được thông qua.
Vũ Hạo
FILI
|