Bỏ trần, giá vé máy bay sẽ tăng?
Tiếp tục gặp khó do chi phí xăng dầu tăng cao, một số hãng hàng không đề xuất nâng trần hoặc bỏ luôn trần giá vé máy bay.
Gần 2 tuần sau khi Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch quốc tế, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong lẫn ngoài nước có nhiều tín hiệu tích cực. Dù vậy, các hãng hàng không cho biết vẫn gặp khó sau tác động của dịch Covid-19 kéo dài và gần đây là giá xăng dầu tăng sốc.
Tăng tần suất, mở rộng bay quốc tế
Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam về tình hình khai thác vận tải hàng không nội địa và quốc tế cho thấy tín hiệu tích cực. Trong tuần đầu tiên từ ngày 15-3, Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch quốc tế, Singapore là thị trường có các hãng hàng không khai thác đường bay tới Việt Nam với tần suất lớn nhất: 45 chuyến khứ hồi/tuần và đạt 36% so với cùng kỳ năm 2019. Số khách vận chuyển giữa Việt Nam và Nhật Bản cao nhất trong số các quốc gia hiện đang khai thác với 10.300 khách. Dự kiến, từ tháng 4-2022 sẽ có thêm các đường bay từ Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đến Đà Nẵng. Tình hình du lịch nhộn nhịp trở lại cũng giúp các hãng hàng không trong nước tăng lượng khách quốc tế vào quý I/2022 khi đạt 141.600 lượt, tăng 441% so với cùng kỳ. Các hãng tiếp tục lên kế hoạch mở rộng mạng bay, tần suất đường bay trong nước và quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách. Giá vé máy bay cũng đang tăng lên, nhất là những ngày cao điểm dịp lễ 30-4 và 1-5 sắp tới. Đường bay giữa Hà Nội, TP HCM tới những điểm du lịch nổi tiếng như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Nam... giá vé tăng mạnh so với ngày thường.
Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đang gia tăng khi Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch trong nước và quốc tế Ảnh: LAM GIANG
|
Dù vậy, nhiều hãng hàng không cho biết vẫn gặp nhiều khó khăn khi chi phí xăng dầu tăng sốc. Báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính mới đây, Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines cho biết giá xăng dầu tăng nhanh, giá nhiên liệu bay Jet A1 cũng tăng từ mức trung bình gần 73 USD/thùng năm 2021 lên mức khoảng hơn 100 USD/thùng. Tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục đẩy giá dầu thô tăng mạnh, dự báo có thể vượt mức kỷ lục 147 USD/thùng của năm 2008. Vietnam Airlines lo ngại giá nhiên liệu bay Jet A1 có thể tăng lên mức hơn 160 USD/thùng và kịch bản xấu có thể tăng cao hơn. "Việc giá nhiên liệu bay trung bình đầu tháng 3-2022 đạt trên 130 USD/thùng đang khiến chi phí nhiêu liệu tăng mạnh. Nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức này cho cả năm nay, chi phí ước tính tăng thêm 5.700 tỉ đồng, làm trầm trọng hơn mức lỗ dự kiến của hãng" - đại diện Vietnam Airlines dẫn chứng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) hàng không phục hồi trong bối cảnh hiện tại, Vietnam Airlines kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính nghiên cứu miễn giảm 100% thuế bảo vệ môi trường cho các hãng hàng không trong năm nay. Nếu áp dụng chính sách này, riêng Vietnam Airlines sẽ tiết giảm thêm khoảng 600 tỉ đồng.
Muốn sửa quy định về giá trần vé máy bay
Một trong những giải pháp khả thi nhằm hỗ trợ các hãng được Vietnam Airlines kiến nghị là sửa quy định về giá trần vé máy bay. Theo hãng này, mức giá trần khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không đã áp dụng từ năm 2015 (đường bay dài nhất từ 1.280 km trở lên có giá 3,75 triệu đồng/vé; thấp nhất là đường bay dưới 850 km có mức giá 2,2 triệu đồng/vé) không còn phù hợp với tình hình đường bay nội địa. "Việc điều chỉnh khung giá dịch vụ hành khách không có nghĩa các hãng sẽ tăng giá vé bất hợp lý mà tạo điều kiện thuận lợi cho hãng triển khai chính sách giá vé linh hoạt để vừa bù đắp chi phí tăng thêm do giá dầu tăng, vừa cải thiện chất lượng dịch vụ tương xứng giá vé cho đối tượng có khả năng chi tiêu cao…" - ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, nêu rõ đồng thời kiến nghị việc điều chỉnh giá trần áp dụng từ ngày 1-4 và cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án cho phép các hãng hàng không được phụ thu nhiên liệu cho những chặng bay nội địa.
Ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám đốc Hãng Hàng không Vietravel Airlines, đề xuất nên bỏ giá trần đối với các đường bay có 3 hãng khai thác trở lên. Điều này giúp tạo sự cạnh tranh để các hãng cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng; từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ ngành hàng không và du lịch. "Chúng tôi cung cấp suất ăn nhẹ trên máy bay và sắp tới là các dịch vụ giải trí trên không với chi phí đầu tư cao. Việc áp giá trần sẽ khiến hãng khó đầu tư tiện ích mới tốt hơn cho khách hàng. Trong giai đoạn du lịch cao điểm, các đường bay sẽ được khai thác lệch đầu. Việc khống chế giá trần khiến hãng khó cân đối hiệu quả khai thác 2 chiều của đường bay. Chưa kể xăng dầu tăng giá, chi phí nhiên liệu tăng nhưng giá vé không đổi cũng khiến các hãng rất khó chủ động trong hoạt động kinh doanh" - ông Vũ Đức Biên nói.
Trao đổi với chúng tôi ngày 27-3, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nhận định nên điều chỉnh giá trần cho phù hợp với diễn biến của thị trường xăng dầu. "Riêng với đề xuất bỏ trần vé máy bay, nếu nhìn ở góc độ cạnh tranh thì hãng nào đưa ra dịch vụ tốt nhất với giá tốt nhất, hãng đó sẽ thu hút được khách hàng. Do đó, có thể ủng hộ xem xét bãi bỏ giá trần ở thời điểm thích hợp khi có đủ yếu tố của cạnh tranh lành mạnh" - TS Lê Đăng Doanh nêu quan điểm.
Không dễ thoải mái tăng giá vé
Nhìn ở góc độ khác, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng vẫn cần giá trần, trong bối cảnh thị trường hàng không chưa có sự cạnh tranh thật sự mà vẫn còn những DN giữ vị trí thống lĩnh.
Về lo ngại bỏ giá trần vé máy bay sẽ khiến các hãng đồng loạt tăng giá, lãnh đạo các hãng hàng không cho rằng hiện thị trường rất cạnh tranh, khách hàng so sánh và lựa chọn dịch vụ phù hợp với giá tiền nên các hãng sẽ không thể thoải mái tăng giá vé. Cơ quan quản lý cũng có những quy định riêng để kiểm tra và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
|
Thái Phương
Người Lao Động
|