Ấn Độ tranh thủ mua dầu rẻ của Nga, tiếp theo có thể là Trung Quốc
Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có vẻ muốn tranh thủ cơ hội giá dầu Nga giảm sâu để tăng nhập khẩu dầu từ nước này...
Đã có một “sự gia tăng quan trọng” trong khối lượng dầu Nga lên đường tới Ấn Độ trong tháng 3 này, sau khi Nga bắt đầu cuộc chiến tranh ở Ukraine. Sắp tới, New Delhi có thể sẽ mua thêm nhiều dầu giá rẻ từ Nga – giới quan sát nhận định với hãng tin CNBC.
Trung Quốc, vốn dĩ đã là nước nhập khẩu nhiều dầu nhất từ Nga, cũng được cho là sẽ tăng mua dầu từ nước này ở mức giá đang rẻ hơn rất nhiều so với bình thường.
Các nước nhập khẩu dầu lớn trên thế giới như Ấn Độ và Trung Quốc đang phải đương đầu với nhiều thách thức khi giá dầu không ngừng đi lên kể từ năm ngoái. Mấy tuần gần đây, giá dầu giằng co mạnh giữa tăng và giảm, nhưng vẫn đang cao hơn khoảng 80% so với cùng kỳ 2021.
“Chúng tôi tin rằng Trung Quốc, và Ấn Độ ở một mức độ ít hơn, sẽ nhảy vào mua dầu thô với mức giá giảm sâu của Nga”, trưởng bộ phận phân tích thị trường dầu lửa của Kpler, ông Matt Smith, nhận định.
Điều này sẽ đối nghịch hoàn toàn với những gì mà một số nước phương Tây và doanh nghiệp của những nước này đang thể hiện là “tẩy chay” dầu Nga. Nhằm đáp trả việc Nga tấn công Ukraine, Mỹ đã đưa ra lệnh cấm vận đối với dầu thô và khí đốt từ Nga. Anh cũng có kế hoạch ngừng nhập khẩu dầu khí Nga từ cuối năm nay. Liên minh châu Âu (EU) còn lưỡng lự trong vấn đề trừng phạt ngành năng lượng của Nga vì mức độ phụ thuộc lớn vào nguồn dầu thô và khí đốt từ nhà cung cấp quan trọng này.
ẤN ĐỘ TĂNG ĐỘT BIẾN NHẬP KHẨU DẦU TỪ NGA
Việc dầu Nga bị “xa lánh” đang tạo ra một khoảng trống trên thị trường dầu lửa toàn cầu, mà ở đó Nga bỗng dưng không thể bán được dầu.
“Dầu thô Urals của Nga đang được rao bán với mức giảm giá kỷ lục, nhưng cũng chẳng có mấy khách mua. Các nước nhập khẩu dầu ở châu Á vẫn chủ yếu gắn bó với nguồn cung truyền thống ở Trung Đông, Mỹ Latin và châu Phi”, một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào hôm 17/3 cho hay.
“Ở thời điểm giữa tháng 3, chúng tôi nhận thấy khả năng nguồn cung dầu từ Nga có thể bị gián đoạn 3 triệu thùng/ngày kể từ tháng 4. Con số này có thể tăng lên nếu các biện pháp trừng phạt hoặc chỉ trích của dư luận nhằm vào Nga gia tăng”, báo cáo viết.
Cách đây 2 tuần, một số công ty giao dịch hàng hoá cơ bản lớn của thế giới, như Glencore và Vitol đang chào bán dầu Urals của Nga với giá thấp hơn giá thị trường khoảng 25-30 USD/thùng – theo tiết lộ của bà Ellen Wald, Chủ tịch Transversal Consulting.
“Động cơ hiện nay của Chính phủ Ấn Độ là kinh tế, không phải chính trị. Ấn Độ luôn tìm kiếm mức giá hời trong chiến lược nhập khẩu dầu của họ".
Chuyên gia Samir N. Kapadia, Vogel Group.
|
Ông Smith cho biết trong năm 2021, các lô dầu Nga vận chuyển tới Ấn Độ là khá ít ỏi, tổng cộng chỉ khoảng 12 triệu thùng được giao hàng. Cũng theo ông Smith, từ tháng 12 đến hết tháng 2, Kpler không nhận thấy có bất kỳ thùng dầu Nga nào được giao tới Ấn Độ.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 trở đi, 5 lô dầu Nga tổng cộng khoảng 6 triệu thùng đã lên đường tới Ấn Độ, dự kiến cập cảng vào đầu tháng 4. “Số dầu này bằng khoảng một nửa tổng lượng nhập khẩu dầu Nga của Ấn Độ trong cả năm ngoái, một sự gia tăng đột biến”, ông Smith phát biểu.
“Dầu Nga vẫn đang tìm được khách mua. Các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ đã đưa ra nhiều lời chào mua đối với dầu Urals của Nga, vì mức giảm giá của dầu Urals so với dầu Brent tiếp tục tăng lên”, một báo cáo vào tuần trước của ANZ Research cho hay.
Nga xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày – theo dữ liệu của IEA. Nước này là quốc gia sản xuất dầu thô lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Saudi Arabia. Ngoài ra, Nga còn là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Saudi Arabia.
Theo các nhà phân tích, Ấn Độ có thể sẽ mua thêm dầu rẻ từ Nga, với mức giá thấp hơn khoảng 20% so với giá dầu tiêu chuẩn. Với mức giá dầu thế giới hiện tại, mức chiết khấu như vậy tương đương hơn 20 USD trên mỗi thùng dầu Nga.
Nga chỉ chiếm khoảng 2-5% tổng nhập khẩu dầu thô hàng năm của Ấn Độ - theo ông Samir N. Kapadia, trưởng bộ phận giao dịch thuộc công ty tư vấn quan hệ chính phủ Vogel Group. Các nguồn nhập khẩu dầu chủ đạo của nước này là Iraq, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nigeria. Tuy nhiên, tất cả các nhà cung cấp này đều đang “hét” giá dầu cao hơn nhiều so với dầu Nga ở thời điểm hiện tại, ông Kapadia nhấn mạnh.
“Động cơ hiện nay của Chính phủ Ấn Độ là kinh tế, không phải chính trị. Ấn Độ luôn tìm kiếm mức giá hời trong chiến lược nhập khẩu dầu của họ. Thật khó để không mua dầu thô với mức giá chiết khấu 20% khi mà bạn phải nhập khẩu 80-85% số dầu mà bạn tiêu thụ, nhất là trong bối cảnh đại dịch và tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm”, ông Kapadia nhận định.
Ngoài lợi ích của mức giá rẻ, Ấn Độ cũng tính đến mối quan hệ hữu nghị với Nga khi mua dầu từ nước này.
“Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba trên thế giới hiện nay, và họ đang cân nhắc các lựa chọn để bắt tay với một người bạn lâu năm”, ông Kapadia nhấn mạnh. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu về Liên hiệp quốc về lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Nga có một lịch sử lâu dài. Nga đã hỗ trợ Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cung cấp các trang thiết bị quân sự. Khoảng 60% nhu cầu trang thiết bị quân sự của Ấn Độ được đáp ứng bởi Nga, theo ông Kapadia. Vào cuối thập niên 1950, Ấn Độ cũng dựa vào các thoả thuận hoán đổi tiền tệ Rupee-Rúp với Nga để có nguồn ngoại tệ phục vụ cho hoạt động nhập khẩu trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
Nga còn ủng hộ Ấn Độ trong những vấn đề quan trọng như tranh chấp lãnh thổ ở Kashmir với Trung Quốc và Pakistan.
“Sức ép từ Mỹ đòi các quốc gia cắt giảm việc mua dầu từ Nga đã bị New Delhi phớt lờ”, ông Kapadia nói. “Câu hỏi thực sự ở đây là Mỹ và châu Âu sẽ phản ứng như thế nào với Ấn Độ nếu Ấn Độ chìa tay ra với dầu Nga”.
Về phần mình, Ấn Độ đã thể hiện một thái độ bất chấp. “Các quốc gia có khả năng tự cung tự cấp dầu hoặc những nước nhập khẩu dầu từ Nga đều không thể ủng hộ việc hạn chế giao dịch”, một quan chức chính phủ Ấn Độ phát biểu cách đây 2 tuần.
“Nếu các nước phương Tây khiến Ấn Độ đặt câu hỏi liệu việc hỗ trợ Nga có thể củng cố ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc trong khu vực hay không, thì mọi chuyện có thể thay đổi”, ông Kapadia nói thêm.
TRUNG QUỐC CÓ THỂ CŨNG GOM DẦU NGA
Giới phân tích cho rằng Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cũng sẽ mua dầu giá rẻ từ Nga.
Trung Quốc hiện đã là nước nhập khẩu dầu Nga lớn nhất. Năm 2021, Trung Quốc mua bình quân 1,6 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày – theo dữ liệu của IEA.
“Nếu Trung Quốc có thể mua dầu Nga với giá rẻ, chẳng hạn rẻ hơn 30 USD/thùng so với giá dầu tiêu chuẩn, thì tôi thực sự không thấy có lý do gì có thể ngăn họ mua nhiều dầu Nga”.
Bà Ellen Wald, Chủ tịch Transversal Consulting
|
“Trung Quốc vẫn đang nhập dầu Nga, nhưng có thể mua thêm nếu có thể thanh toán bằng Nhân dân tệ và giá dầu Nga giảm sâu. Về cơ bản, Nga đang chịu áp lực vì gặp khó khăn trong việc bán dầu”, bà Wald nói với CNBC.
“Trung Quốc thực sự muốn dầu rẻ hơn nhiều. Ngay cả giá dầu 90 USD/thùng cũng là quá đắt đối với Trung Quốc”, bà Wald nói thêm. “Nếu Trung Quốc có thể mua dầu Nga với giá rẻ, chẳng hạn rẻ hơn 30 USD/thùng so với giá dầu tiêu chuẩn, thì tôi thực sự không thấy có lý do gì có thể ngăn họ mua nhiều dầu Nga”.
Một số quốc gia đã áp lệnh trừng phạt lên dầu Iran, bắt đầu là lệnh cấm của Mỹ và EU vào năm 2011, do chương trình hạt nhân của Tehran. Nhưng điều đó không hề ngăn Trung Quốc mua dầu Iran thông qua “tất cả những kênh bí mật” – bà Wald nói.
“Bởi thế, tôi không tin là họ thực sự lo lắng về những vấn đề như bảo hiểm”, vị chuyên gia nói, đề cập tới việc các công ty bảo hiểm tăng phí đối với các chuyến hàng trong khu vực sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, dẫn tới rủi ro tăng mạnh đối với các con tàu và cảng biển.
“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có thêm dầu Nga dịch chuyển về phía Trung Quốc, và dầu từ những nhà cung cấp khác như Kuwait, UAE, và thậm chí Saudi Arabia dịch chuyển đi nơi khác. Nhưng việc Trung Quốc có thể mua dầu với giá mềm có thể ảnh hưởng đến giá dầu toàn cầu”, bà Wald nhận định.
Nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Nga đã tăng mạnh trong năm nay, nhưng giới phân tích không cho rằng đó là do chiến tranh.
“Dòng dầu từ Nga sang Trung Quốc năm nay có mạnh hơn năm ngoái, nhưng chủ yếu là do Trung Quốc cần nhập nhiều dầu ESPO từ các cảng phía Đông của Nga, chứ không liên quan đến dầu Nga bị dịch chuyển khỏi thị trường châu Âu”, chuyên gia Smith của Kpler phát biểu. ESPO là dầu Nga xuất khẩu sang các thị trường châu Á-Thái Bình Dương và được ưa chuộng bởi các nhà máy lọc dầu độc lập ở Trung Quốc.
“Chúng tôi chưa nhận thấy sự thay đổi trong những dòng chảy này, nhưng cho rằng thay đổi sẽ sớm xuất hiện”, ông Smith nói thêm.
An Huy
VnEconomy
|