Xung đột tại Nga – Ukraine như “cú đấm bồi” vào nền kinh tế Việt Nam năm 2022
TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế cho biết: “Việt Nam đang trên đà phục hồi kinh tế từ sau đại dịch COVID-19 nhưng chiến sự tại Ukraine như “cú đấm bồi” vào nền kinh tế trong năm 2022”.
Xung đột tại Nga – Ukraine xảy ra đã đẩy giá dầu tăng vọt, hợp đồng dầu Brent vượt mức 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014. Và xu hướng giá dầu chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Hiện nay, Nga không chỉ là quốc gia cung cấp dầu hỏa mà còn cung cấp khí đốt rất lớn và có thể được xem là hàng đầu thế giới. Nga đã cùng Chính phủ Đức xây dựng đường dẫn khí gọi là “Dòng chảy phương Bắc” (Nord Stream 2), hai bên đã hầu như hoàn thành dự án này và hiện tại vẫn chưa đưa vào hoạt động.
Đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc" số 2 có chiều dài 1,230km, cung cấp khí đốt trực tiếp từ Nga đến Đức và các nước châu Âu khác mà không trung chuyển qua Ukraine hay Ba Lan như trước. Đây là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu là Uniper và Wintershall.
|
Trước khi xảy ra chiến sự, Đức đã tuyên bố sẽ ngừng lại dự án “Dòng chảy phương Bắc” số 2, như thế Đức sẽ bị mất một nguồn cung cấp về khí đốt quan trọng. Điều này ảnh hưởng thị trường năng lượng, vì tất cả thị trường năng lượng đều có liên kết với nhau từ xăng dầu, khí đốt cho đến các nguồn năng lượng khác.
Khi một hoặc vài nguồn năng lượng bị cắt đứt sẽ đẩy giá dầu lên. Theo ông Hiếu, giá dầu đã tăng rất mạnh và sắp tới có thể tăng lên đến 150 USD/thùng.
Ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam
Tại Việt Nam, giá xăng dầu cũng đã tăng mạnh trong thời gian qua và sẽ tiếp tục tăng cao nếu tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine chưa hạ nhiệt.
Hầu như tất cả thành phần kinh tế, từ cá nhân, tổ chức kinh tế, đến cơ sở sản xuất kinh doanh đều dùng xăng, dầu. Trên phương diện quốc gia, những phân xưởng sản xuất kinh doanh lớn đa quốc gia cũng phần lớn đều sử dụng xăng, dầu, mặc dù bên cạnh đó còn các nguồn năng lượng như thủy điện, mặt trời, gió nhưng xăng dầu vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu để phát triển và vận hành bộ máy kinh tế của đất nước.
Khi giá dầu tăng, trước nhất sẽ ảnh hưởng đến người dân, vì thu nhập của người dân tại Việt Nam còn thấp so với trên thế giới, mặc dù là quốc gia có 100 triệu dân nhưng GDP còn thấp, đâu đó khoảng 350 tỷ USD.
Tiếp theo đó là ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế. Cụ thể, giá xăng dầu tăng sẽ làm tăng tỷ lệ lạm phát, vì dầu hỏa, xăng dầu chiếm tỷ trọng rất đang kể trong rổ hàng hóa. Không những tỷ trọng riêng, mà hầu như trong tất cả giá cả hàng hóa đều có thành phần chi phí xăng dầu.
“Mặc dù không thể chỉ dựa vào rổ hàng hóa có bao nhiêu xăng dầu để tính tỷ lệ lạm phát nhưng có thể nói giá xăng dầu đi vào tất cả ngõ ngách của nền kinh tế. Có thể nói khi giá xăng dầu tăng sẽ làm tăng giá hầu như tất cả mọi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác của nền kinh tế. Từ đó, đẩy lạm phát lên cao”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Năm 2021, số liệu từ Tổng Cục Thống kê cho thấy Việt Nam đã giữ lạm phát ở mức thấp, CPI ở mức 1.84%, trong khi giá tất cả các loại hàng hóa đều tăng. Việt Nam đã kiểm soát lạm phát trong năm 2021 và năm 2022, Chính phủ muốn giữ lạm phát ở mức dưới 4%. Nhưng với tình hình xăng dầu trên thế giới như hiện tại sẽ góp phần quan trọng trong việc gia tăng lạm phát trong năm 2022.
Chưa dừng lại ở đó, chuỗi cung ứng vẫn chưa hồi phục sau đại COVID-19. Năm trước, những cơ sở sản xuất kinh doanh chịu tác động bởi dịch bệnh, nhiều người lao động phải nghỉ việc, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm cho nền kinh tế.
Mặc dù nền kinh tế trong những tháng tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 cũng tương đối hồi phục nhưng vẫn còn ở trạng thái yếu kém. Và chính vì thế, nguồn cung ứng cũng không dồi dào, trong khi nhu cầu của người dân và cơ sở kinh tế sau đại dịch tăng nhiều tiếp tục đẩy giá cả hàng hóa lên.
Hiện nay, Việt Nam được kỳ vọng hồi phục từ nửa cuối năm 2022, còn trong nửa đầu năm nền kinh tế vẫn còn chịu tác động bởi dịch bệnh và thực tế hiện tại dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn vì con số ca nhiễm mỗi ngày vẫn tăng liên tục. Có thể nói Việt Nam vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh, chính vì thế sự hồi phục của nền kinh tế vẫn sẽ bị chậm lại.
Thêm vào đó, “quả đấm bồi” từ chiến sự giữa tại Nga - Ukraina sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn cho vấn đề tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
Cát Lam
FILI
|