Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các hành vi vi phạm
Trong giai đoạn tới đây, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tập trung vào câu chuyện phát triển bền vững và tăng cường tính minh bạch.
* Ngẫm chuyện thị trường chứng khoán Việt Nam 'đi xa, vươn cao'
* F0 đến với chứng khoán: Thiên tài đầu tư hay kẻ khù khờ may mắn?
* Thị trường chứng khoán sẽ "chuyển mình" sang phát triển chiều sâu, bền vững hơn trong năm 2022
Đại dịch COVID-19 tiếp tục phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu, trong khi thế giới lo lắng về hành động của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trước khả năng lạm phát, giá lương thực thực phẩm cao kỷ lục, thì tại Việt Nam, hầu hết các dự báo về kinh tế, về thị trường chứng khoán năm 2022 lại rất tích cực. Đây được xem là một trong những động lực góp sức cho tăng trưởng kinh tế năm nay, đồng thời kỳ vọng sức cầu nội địa phục hồi với những gói hỗ trợ tài khóa của Chính phủ, có thể sẽ giúp GDP Việt Nam đạt mức dự báo 6-6,5% và thị trường chứng khoán sẽ chinh phục các đỉnh cao mới.
Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng thu hút giới trẻ - nhà đầu tư F0
|
Tăng trưởng ấn tượng
Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), năm 2021 là năm nền kinh tế của Việt Nam cũng như thế giới chịu ảnh hưởng rất nặng nề của dịch bệnh và những tác động này chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, thì đây lại là năm thành công nhất từ trước đến nay, với rất nhiều dấu mốc lịch sử đã đạt được với số điểm sáng như sau:
Thứ nhất, về mặt điểm số, thị trường đã chính thức thiết lập đỉnh lịch sử vượt trên 1.500 điểm, đây là mức cao nhất sau hơn 20 năm hoạt động và quy mô vốn hóa của thị trường cũng cao nhất, đạt được trên 120% GDP của năm 2020.
Thứ hai, thanh khoản của thị trường đã tăng rất mạnh, nếu trước đây chúng ta kỳ vọng có những phiên giao dịch có giá trị thanh khoản trên 1 tỷ USD, thì năm 2021 đã ghi nhận những phiên giao dịch trên 2 tỷ USD.
Thứ ba, số lượng nhà đầu tư mở tài khoản mới trên thị trường tăng kỷ lục, riêng trong năm 2021,chúng ta đã có trên 1,3 triệu tài khoản được mở mới, con số này bằng cả giai đoạn từ năm 2015-2020 cộng lại và cho đến thời điểm hiện tại, trên toàn thị trường đã có trên 4 triệu tài khoản nhà đầu tư đã được mở.
Bà Tạ Thanh Bình
|
“Như vậy, chúng ta đã đạt được những mục tiêu, kỳ vọng trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020. Một điểm nhấn quan trọng nữa là trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán vẫn tăng mạnh, thể hiện vai trò đây là một kênh dẫn vốn cho trung và dài hạn rất quan trọng của nền kinh tế. Thống kê cho thấy, huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu ra công chúng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đấu giá cổ phần hóa đã tăng gấp 2,2 lần so với năm 2020. Đặc biệt, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết ở các công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán cũng vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tốt trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh”, bà Bình nói.
Cũng theo bà Tạ Thanh Bình, năm 2021 có sự gia tăng của các nhà đầu tư mới, hay còn gọi là các nhà đầu tư F0 tham gia thị trường rất mạnh mẽ. Nhưng qua quan sát, các nhà đầu tư này vẫn còn thiếu sự trang bị đầy đủ các kiến thức về thị trường, nhất là các quy định pháp luật liên quan đến thị trường chứng khoán. Do vậy, họ cần phải có sự chuẩn bị để được bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia thị trường chứng khoán. Ngoài ra, đối với những nhà đầu tư mới, vấn đề tâm lý cũng sẽ bị chi phối rất nhiều, vì thế, cơ quan quản lý cũng khuyến nghị các nhà đầu tư này nên thận trọng, để tránh thua lỗ đáng tiếc do sự hưng phấn quá đà, hoặc sự hoảng loạn quá mức trước các diễn biến bất thường.
Giải pháp cho năm mới
Trước sức nóng của thị trường, cũng có câu hỏi đặt ra là, mức lãi suất cho việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang rất cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường khẳng định, chúng ta không thể phủ nhận việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong thời gian vừa qua cũng là một trong những kênh hỗ trợ doanh nghiệp, huy động vốn trong bối cảnh gặp khó khăn hơn khi huy động vốn bằng việc phát hành cổ phiếu ra công chúng. Bản chất của việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có độ rủi ro cao hơn, nhưng bù lại, lãi suất sẽ cao hơn so với mức thông thường để thu hút nhà đầu tư.
“Trong thời gian vừa qua, chúng tôi cũng nhận thấy có hiện tượng nhà đầu tư quá quan tâm đến vấn đề lãi suất, nhưng bỏ qua những rủi ro tiềm ẩn mà đặc thù của phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chứa đựng. Do vậy, cơ quan quản lý Nhà nước đã nhiều lần có thông điệp cảnh báo nhà đầu tư hết sức thận trọng khi tham gia vào việc mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Chúng ta phải thấy rằng, bên cạnh lãi suất như vậy thì rủi ro đi kèm cũng sẽ rất cao, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp phát hành những trái phiếu không có tài sản đảm bảo, hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh không tốt để có khả năng hoàn trả khoản nợ cho nhà đầu tư”, bà Bình chia sẻ.
Trong năm 2022, điểm nhấn chính sách mà cơ quan quản lý sẽ đưa ra đó là, Bộ Tài chính sẽ dự thảo Nghị định để sửa đổi bổ sung Nghị định 153, để siết chặt hơn các tiêu chuẩn với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nâng độ minh bạch của thị trường. Đặc biệt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang phối hợp với sở chứng khoán Hà Nội và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán xây dựng thị trường thứ cấp dành cho các trái phiếu phát hành riêng lẻ, nhằm tạo ra sân chơi, hỗ trợ cho nhà đầu tư cả về tính thanh khoản lẫn sự minh bạch của thị trường.
“Về giải pháp thúc đẩy thị trường, phát triển minh bạch, tăng niềm tin và thu hút nhà đầu tư mới, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của cơ quan quản lý là sẽ xây dựng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán 10 năm đến năm 2030. Trong chiến lược này, điểm nhấn trọng tâm của cơ quan quản lý sẽ là sự phát triển bền vững của thị trường. Như vậy, chúng ta đã trải qua một giai đoạn 10 năm tập trung phát triển về quy mô và các cấu phần của thị trường, thì đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã có một thị trường gần như đầy đủ các cấu phần với quy mô tăng trưởng ấn tượng. Sắp tới đây, chúng ta sẽ tập trung vào câu chuyện phát triển bền vững, tăng cường tính minh bạch và đó là lý do tại sao chúng ta nhìn thấy động thái của cơ quan quản lý trong thời gian gần đây, cũng như trong thời gian tới đó là sẽ siết chặt quản lý, kỷ luật kỷ cương của thị trường, tăng cường kiểm tra giám sát các hành vi vi phạm.
Đồng thời, chúng ta sẽ hoàn thiện và đưa gói thầu về công nghệ thông tin trên thị trường chứng khoán đi vào hoạt động, khi đó sẽ hỗ trợ cho chúng ta thực hiện rất nhiều các giải pháp kỹ thuật cho thị trường, đặc biệt là các giải pháp để giao dịch thanh toán, góp phần nâng cao chất lượng và hỗ trợ cho tiến trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam”, bà Bình chia sẻ.
Diễm Ngọc
Diễn Đàn Doanh Nghiệp
|