Chế tài quá nhẹ, vi phạm gia tăng
Mỗi năm có đến vài trăm vụ vi phạm về công bố thông tin, làm giá cổ phiếu nhưng rất hiếm khi bị điều tra xử lý hình sự.
Vài vụ việc cho đến nay có thể đếm trên đầu ngón tay, như tháng 3.2019, bà Phạm Thị Hinh, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (KSA), và cũng là Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Chứng khoán VSM, đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP.Hà Nội khởi tố và tạm giữ hình sự. Theo kết luận điều tra vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu (CP) của KSA, các bị can đã sử dụng 69 tài khoản để liên tục mua, bán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo trên thị trường với mã CP KSA, gây thiệt hại cho nhà đầu tư (NĐT) số tiền hơn 8 tỉ đồng.
|
Mỗi năm có đến vài trăm vụ vi phạm về công bố thông tin, làm giá cổ phiếu nhưng rất hiếm khi bị điều tra xử lý hình sự. Đào Ngọc Thạch
|
Hay năm 2018, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đưa ra xét xử vụ án hình sự thao túng giá chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Mỏ và khoáng sản Miền Trung (MTM). Ðây là vụ án thu hút sự quan tâm lớn của NĐT vì sau gần 10 năm, hành vi lũng đoạn thị trường chứng khoán mới bị xử lý hình sự. Các đối tượng đã thực hiện các hành vi gian dối lừa đảo, thao túng CP MTM, gây thiệt hại hơn 56 tỉ đồng…
Theo một chuyên gia tài chính, những vụ thao túng giá chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính khiến NĐT bị xói mòn niềm tin. Trong khi đó, ở các thị trường khác, hành vi giao dịch nội gián, thao túng giá CP đều bị xử phạt rất nặng. Ví dụ tại Hồng Kông, các hành vi bị cấm trên thị trường chứng khoán bao gồm: giao dịch nội bộ, gian lận giá, tiết lộ thông tin sai lệch hay gây hiểu lầm sẽ bị phạt 10 triệu đô la Hồng Kông (hơn 1 triệu USD), phạt tù đến 10 năm. Ở Hàn Quốc, việc bán CP hay thao túng giá trị trường thông qua sử dụng thông tin không được tiết lộ trên thị trường là một vi phạm nghiêm trọng. Cá nhân hay tổ chức vi phạm thu lợi từ hành vi này sẽ bị kết án từ 6 tháng đến 9 năm hoặc nhiều hơn. Còn theo quy định của Ủy ban Giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC), người bị kết tội là giao dịch nội gián có thể bị phạt tối đa 5 triệu USD hoặc lên đến 20 năm tù…
Hiện Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã thông báo hủy giao dịch bán 74,8 triệu CP FLC mà ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, bán “chui” ngày 10.1. Đồng thời, Bộ Tài chính đã quyết định phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Quyết kể từ ngày 11.1 cho đến khi có quyết định mới. Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, khẳng định với hành vi không công bố giao dịch, chắc chắn ông Quyết sẽ bị xử phạt ở mức rất cao.
Ông Nguyễn Công Minh, Phó vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán nhà nước), cho biết thị trường vừa qua xuất hiện một số CP có dấu hiệu tăng giá bất thường, các cơ quan chức năng đang thực hiện giám sát chặt chẽ và thanh, kiểm tra để làm rõ, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm.
Các cơ quan liên quan đều hô to quyết tâm, nhưng số vụ vi phạm bị xử lý hình sự không nhiều mà chủ yếu chỉ dừng lại việc xử lý hành chính. Nguyên nhân chính là khâu thanh, kiểm tra thời gian qua còn buông lỏng. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), cho rằng Chính phủ cần thanh tra tình trạng doanh thu, lợi nhuận giả, vốn điều lệ khống, tình trạng thổi giá chứng khoán thu lợi bất chính. Lâu nay, các cuộc thanh tra doanh nghiệp chủ yếu ở nội dung chấp hành về nghĩa vụ thuế, tham nhũng. Đây là khoảng trống trong việc thi hành pháp luật chứng khoán mà bản thân Ủy ban Chứng khoán nhà nước chưa chủ động đề xuất tiến hành.
VAFI cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính tập hợp lực lượng tinh nhuệ từ các đơn vị thuộc bộ như Thanh tra tài chính, Cục Tài chính doanh nghiệp, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Vụ Tài chính ngân hàng, Vụ Pháp chế để tiến hành thanh tra các nội dung như trên.
Tiêu Phong
Thanh niên
|