Sau Tết, nông sản xuất sang Trung Quốc tiếp tục ùn ứ, tắc nghẽn
Do số lượng xe thông quan chưa nhiều, trong khi lượng xe chở hàng hóa xuất khẩu lên cửa khẩu của Lạng Sơn tăng cao, do đó, tính đến sáng ngày 7/2, số lượng xe chở hàng hóa xuất khẩu tồn tại các cửa khẩu đã tăng lên hơn 1.220 xe...
Nông sản "quay đầu" bán giá rẻ như cho tại thị trường nội địa dịp cuối năm
|
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn, tại thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ 31/1/2022), tổng lượng xe chở hàng chờ xuất khẩu tồn tại 3 cửa khẩu (Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma) là 474 xe. Sau nghỉ tết, hoạt động thông quan hàng hóa tại 2 cửa khẩu (Hữu Nghị, Tân Thanh) đã hoạt động trở lại.
Theo đó, tính từ ngày 3/2 – 6/2, tổng lượng xe thông quan qua 2 cửa khẩu này là 313 xe. Tuy nhiên, do số lượng xe thông quan chưa nhiều, trong khi lượng xe chở hàng hóa xuất khẩu lên cửa khẩu của Lạng Sơn tăng cao, do đó, tính đến sáng ngày 7/2, số lượng xe chở hàng hóa xuất khẩu tồn tại các cửa khẩu đã tăng lên hơn 1.220 xe (tại Hữu Nghị tồn 634 xe; Tân Thanh 587 xe).
Trong cuộc họp ngày 8/2 bàn về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, giao thương, bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, hiện năng lực thông quan hàng hóa qua 3 cửa khẩu của tỉnh (Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma) rất thấp, mỗi ngày chỉ thông quan được khoảng 120 xe, do vậy, các ngành liên quan, các lực lượng tại cửa khẩu tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu. Đồng thời tiếp tục triển khai chặt chẽ công tác kiểm soát dịch Covid-19 tại khu vực cửa khẩu.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cũng yêu cầu, Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn tiếp tục chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức hội đàm, trao đổi với phía Trung Quốc để thống nhất phương thức giao nhận hàng hóa giữa 2 bên một cách sớm nhất, đồng thời thống nhất khôi phục hoạt động thông quan một số cửa khẩu khác; nghiên cứu thiết lập vùng đệm phòng, chống dịch Covid -19 nhằm giữ vững vùng xanh an toàn cho khu vực cửa khẩu.
Theo thông tin từ phía Bộ Công thương, hiện chỉ có 9 loại hoa quả của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Các mặt hàng nông sản khác muốn xuất khẩu thì đều qua tiểu ngạch. Đáng chú ý, kể cả thịt heo cũng chưa được xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Việc đàm phán về kiểm dịch cũng chậm nên 100% sản phẩm trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải kiểm dịch, trong khi đó, con số này với trái cây Thái Lan là 30%. Đây là khó khăn rất lớn cho nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hiện nay, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid -19, Trung Quốc đã liên tục tăng cường các biện pháp ứng phó như: xét nghiệm diện rộng, phong tỏa vùng dịch và hạn chế đi lại, mặc dù các biện pháp này gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế của các địa phương và các quốc gia láng giềng như Việt Nam.
Khởi Anh
VnEconomy
|