Nhịp đập Thị trường 17/02: BĐS quay lại trong phiên chiều, VN-Index vượt 1,500 điểm
Cổ phiếu nhóm BĐS trên sàn HOSE đã tăng giá trở lại, cùng với ngân hàng và không ít nhóm ngành khác đã kéo VN-Index quay trở lại trên 1,500 điểm trong phiên chiều nay. Diễn biến chỉ số VN-Index trong phiên chiều rất thuận lợi, không hề có rung lắc như phiên sáng, chỉ số cứ gần như 1 đường đi lên, thậm chí còn bứt phá trong đợt ATC. Khối ngoại cũng mua ròng mạnh trên sàn HOSE chiều nay.
Nhiều cổ phiếu nhóm BĐS nhà ở lẫn khu công nghiệp trên sàn HOSE đã tăng giá trở lại, dù không mạnh mẽ như phiên trước đó, nhưng cũng đủ để hỗ trợ chỉ số, và mang lại niềm vui cho cổ đông. Ở nhóm này, ngoại trừ những mã tăng nóng suốt từ sáng, như NVT, VRC… thì hàng loạt tên tuổi đã tăng giá tích cực như BCM, DIG, DXG, HDG, HTN, KBC, KDH, NLG, NTL, NVL… và cả bộ ba nhà Vingroup là VIC, VHM và VRE.
Có đến 29 cổ phiếu trong nhóm VN30 tăng giá lúc đóng cửa, và mã giảm giá xui xẻo duy nhất là BVH (-0.9%). Khối ngoại cũng mua ròng khá mạnh ở nhóm này, trong đó mạnh nhất ở KDH, MSN và POW. Tuy nhiên, họ cũng bán ròng nhiều ở VIC, CTG và VNM, chỉ có điều là may mắn không khiến những cổ phiếu này giảm giá.
Nhóm ngân hàng vẫn giữ được sắc xanh trên diện rộng suốt phiên chiều, thậm chí mức tăng giá của nhiều mã còn mạnh hơn so với cuối phiên sáng. VPB đã tăng giá trở lại sau khi bất ngờ giảm lúc trưa. Tuy nhiên ngược lại 2 ngân hàng SHB và SSB bỗng giảm giá trên HOSE, và nếu nhìn cả 3 sàn thì vẫn có tổng cộng 5 mã giảm giá.
Trong top 10 nhóm ngành có tỷ trọng vốn hóa lớn trên HOSE, chỉ có mỗi nhóm chứng khoán và dầu khí nhà PVN là có diễn biến hơi tiêu cực. Ở nhóm chứng khoán, nhiều sắc đỏ tồn tại ở HCM, VND, VCI, FTS, CTS… Tuy nhiên cũng có 1 số mã tăng giá trở lại như SSI, AGR, BSI, TVS… Với nhóm cổ phiếu dầu khí, sắc đỏ vẫn đeo bám PGD, PGS, PVD, PVC… và 2 đại gia phân bón là DPM và DCM, bất chấp GAS tăng giá tới 3.7% vào cuối phiên chiều.
Tính tích cực trong phiên chiều cũng lan tỏa qua rất nhiều nhóm ngành nhỏ hơn như cảng biển và kho bãi, hàng không và dịch vụ hàng không, dệt may, ô tô sắm lốp, thực phẩm, sản xuất và phân phối điện, gỗ đá nội ngoại thất…
Nhóm cảng biển và khi bãi vẫn giữ được sức hấp dẫn từ sáng cho tới cuối giờ chiều, nhiều mã thậm chí còn tăng giá mạnh hơn ban sáng, như GMD, VSC, VGR, TCL… VGR tăng hơn 9%, HAH tăng sát trần 6.6% có thể coi là sáng nhất ở nhóm này. Tuy nhiên cũng có bất ngờ, như tại PDN hay TMS…
Không khí tích cực lan tỏa trên HOSE, nhưng dường như lại không lan qua HNX. Chỉ số HNX-Index tuy vẫn tăng suốt phiên chiều, nhưng mức tăng rất khiêm tốn, và không mạnh hơn vào cuối phiên như VN-Index. Thậm chí tương quan tăng - giảm giá cổ phiếu trên sàn này cũng nghiêng hẳn về nhóm giảm giá, tức 158 cổ phiếu so với 67 mã tăng giá. Nếu nhìn theo nhóm vốn hóa, có vẻ như Mid Cap và Small Cap sàn này không chạy nhanh hoặc có kết quả tốt như Large Cap. CEO tiếp tục trồi sụt giằng co quanh tham chiếu, và cuối cùng đóng cửa giảm nhẹ 300 đồng. Tuy nhiên có không ít mã khác lại hồi phục, ví dụ như NTP hay SHS (dù chưa kịp về tham chiếu), THD, VCS, VNR…
PET có thể coi là cổ phiếu sáng nhất nhóm thương mại hàng công nghệ, với dư mua trần được dựng lên từ sáng, và không suy suyển cho đến cuối phiên chiều. Chưa rõ PET tăng dựng đứng vì lý do gì, nhưng nhìn qua PSD thì mức tăng lại khiêm tốn, chỉ hơn 1%. Các cổ phiếu khác như MWG, FRT cũng tăng nhẹ dưới 2%, riêng DGW lại giảm hơn 1.6%.
Cổ đông HAG có lẽ tiếp tục đánh cược vào câu chuyện hủy hay không hủy niêm yết của HAG, khi lượng khớp hôm nay cũng đạt hơn 13 triệu cp, gần bằng hôm qua, và thị giá thì liên tục đổi màu cho đến thời điểm khoảng 14h25.
Phiên sáng: VN-Index lùi dần về tham chiếu bất chấp đa số cổ phiếu vốn hóa tỷ đô vẫn tăng
Trên sàn HOSE vào cuối phiên sáng nay có đến 28 cổ phiếu vốn hóa tỷ đô tăng giá, so với 17 giảm giá, trong đó có rất nhiều mã ngân hàng, nhưng VN-Index lại bất ngờ quay đầu lùi dần về tham chiếu, sau khi đạt đỉnh vào khoảng gần 11h. Chỉ số chỉ còn tăng chưa đến 2 điểm vào lúc này, và có thể là do chịu áp lực từ những cổ phiếu hàng đầu khác như VIC, NVL, VHM, MWG, GAS, VRE…
Diễn biến của chỉ số HNX-Index còn tệ hơn 2 chỉ số 2 sàn còn lại. Đạt mức tăng cao nhất vào khoảng thời gian HOSE mở cửa, nhưng từ đó cho đến lúc trưa, HNX-Index dao động theo hướng giảm dần, và đã chọc thủng tham chiếu vài phút trước lúc nghỉ trưa. Trên sàn này, NTP vẫn là Large Cap giảm giá đáng kể 1 cách ổn định suốt cả phiên. Ngoài ra, còn một số Large Cap khác khởi đầu khá tốt, nhưng sau đó diễn biến xấu đi, bao gồm CEO, SHS, PVS, NVB…
Nhóm ngân hàng đang có đến 25 trên 27 cổ phiếu tăng giá tính cả 3 sàn. Và nếu tính riêng trên HOSE, thì có 16 trên 17 mã tăng giá, tuy vậy mức tăng bình quân dưới 1%, chỉ có 2 mã tăng hơn 1% là VIB và EIB. Cổ phiếu duy nhất trên HOSE bất ngờ giảm giá là VPB. Nhìn chung nhóm ngân hàng vẫn duy trì đà tích cực, nhưng so với khoảng giữa phiên, đà tăng giá cũng có vẻ yếu đi.
Nhóm BĐS nhà ở lẫn khu CN đang quay ngày càng nhiều qua với sắc đỏ, diễn biến này bắt đầu nổi từ khoảng giữa phiên sáng đến nay. Bộ ba cổ phiếu nhà Vin đều đã giảm giá, ngoài ra còn các tên tuổi lớn khác như NVL, BCM, KBC, KDH, NLG, DXG, HDG… Trên sàn HNX, mã CEO từng tăng hơn 6% lúc đầu phiên, thì sau đó dao động trồi sụt liên tục, và hiện đã giảm hơn 1%. Tuy nhiên 1 số cổ phiếu nhỏ nhưng tăng nóng ngay từ đầu phiên, ví dụ như CCI, NVT, VRC… thì hiện vẫn giữ được đà tăng giá mạnh.
Nhóm xây dựng mấy phiên gần đây có yếu tố tăng mạnh trở lại nhờ câu chuyện ĐT công, tuy nhiên sáng nay cũng bị phân hóa. Dù sao vẫn tốt hơn nhóm BĐS nhà ở. Tính đến lúc này, 1 số cổ phiếu nhóm này tăng đáng chú ý bao gồm CC1, LLM, CII, SJG…, tuy nhiên cũng có 1 số mã thuộc hàng nóng trước đây đã quay đầu giảm trong những phút cuối phiên sáng nay, như FCN, L14, DPG, LCG, HUT, HBC…
Nhóm chứng khoán có khởi đầu không tốt, nhưng tưởng như đã kịp phục hồi vào lúc giữa phiên sáng, tiếc là đến giờ nhiều mã lại trở lại với sắc đỏ, trong đó có cả SSI, HCM, VCI, VND, SHS, FTS… và nhiều mã thị phần lớn khác.
Không phải là nhóm vốn hóa lớn, nhưng sáng nay cảng biển và kho bãi lại là nhóm ngành có nhiều mã tăng ấn tượng, ví dụ như HAH, VGR, VSC, GMD, DXP, SGP, TCL… Thậm chí không ít cổ phiếu đã tăng âm thầm 10-20% trong 1 tháng qua như SGP, HAH, VSC hay GMD.
11h: Lạc quan tăng lên, VN-Index lại được ngân hàng hỗ trợ
VN-Index đã tăng trở lại sau vài phút đầu lưỡng lự, nhưng mức tăng đến giữa phiên sáng cũng chỉ chừng hơn 4 điểm. Chỉ số nhóm VN30 tăng mạnh hơn VN-Index, nhưng mức tăng cũng khiêm tốn. Một số nhóm lớn trên HOSE như ngân hàng, sắt thép, dầu khí, bán lẻ… đã khởi sắc trở lại, nhưng BĐS lại quay qua phân hóa và có dấu hiệu lùi bước.
Chỉ số HNX-Index vẫn tăng, nhưng mức tăng yếu hơn nhiều so với 2 sàn còn lại, và thậm chí có những thời điểm muốn đổi màu. Trên nhóm Large Cap sàn này, NTP đã giảm sâu thêm, lên đến hơn 2%, và một số mã khác giảm giá như BAB NVB hay SHS. Tuy nhiên sức hút của sàn HNX vẫn là nhóm Mid và nhất là Small Cap, trong đó có nhiều mã vẫn tăng 9-10% như CAN, OCH, VE2, GDW, VNC, SGD…
Trên HOSE lúc này, nhóm ngân hàng chỉ có 1 mã giảm giá là MSB, nhưng có đến 15 mã tăng giá, dù mức tăng bình quân vẫn còn khá thấp, chưa đến 1%. Dù sao đi nữa đây vẫn là tin tốt cho nhóm này, lẫn sàn HOSE. Tính cả 3 sàn, nhóm này đang có 4 mã giảm giá, so với 19 tăng giá.
Nhóm BĐS nhà ở dù vẫn có khá nhiều mã tăng giá đáng kể, duy trì trong phần lớn thời gian giao dịch nửa đầu phiên sáng nay như CCI, NVT, VRC, NBB, SID, VHD… tuy nhiên nhiều tên tuổi khác đang có vẻ đuối so với đầu phiên, trong đó có nhiều mã vốn hóa lớn như NVL, DXG, HDG, AGG, NLG, KDH… Các mã tăng nóng gần đây như CEO, DIG, NBB… thì hiện cũng đã giảm giá nhẹ so với đầu phiên, nhưng còn giữ được sắc xanh.
GAS quay qua giảm nhẹ vào lúc này, tuy nhiên nhiều tên tuổi khác trong nhóm cổ phiếu nhà PVN hồi phục trở lại (dù giảm nhẹ đầu phiên sáng), trong đó có PVD, OIL, PVB, PVS, PVT… POW có lẽ là mã đáng chú ý nhất nhóm này khi đang tăng hơn 3%, kèm theo 2 yếu tố phụ tích cực là khối lượng khớp đã vượt cả ngày hôm qua và khối ngoại mua ròng khá nhiều. 2 cổ phiếu phân bón có vốn dầu khí cũng tăng giá nhẹ nhưng ổn định trong nửa đầu phiên sáng nay, bất chấp giá dầu là yếu tố đầu vào. Ngược lại, một số cổ phiếu khác như PGS, PVC, PVG vẫn tiếp tục duy trì sắc đỏ.
Nhóm sản xuất điện đang có rất nhiều mã tăng giá, kể cả điện khí, điện than, năng lượng tái tạo hay thủy điện, bao gồm POW, GE2, GEG, PPC, VSH, QTP… Cổ phiếu giảm bất ngờ nhất nhóm này là PGV, từ khi lên HOSE đến nay giảm nhiều hơn tăng.
Tâm lý lạc quan xuất hiện trên cổ phiếu HAG trong nửa đầu phiên sáng nay, giúp cổ phiếu tăng giá nhẹ, nhưng đến giữa phiên lại có vẻ chùng xuống. Sự “lừng khừng” trong khâu quyết định “hủy hay không hủy niêm yết” đang khiến cổ phiếu này giằng co, và hiện HAG đang lùi về tham chiếu.
Trên sàn phái sinh, giá hợp đồng sắp đáo hạn là VN30F2202 vẫn sát điểm số chỉ số cơ sở, nhưng đa phần thời gian là cao hơn một chút. Ngược lại, 3 hợp đồng tương lai kia dù có thị giá tăng, nhưng lại thấp hơn điểm số của chỉ số cơ sở.
Mở cửa: VN-Index tăng nhẹ 3 điểm, cổ phiếu BĐS nhà ở tiếp tục tăng giá
Với mức giảm, dù rất nhẹ vào chiều qua, nhưng với diễn biến chứng khoán Mỹ đêm qua thì VN-Index mở cửa sáng nay tăng nhẹ 3 điểm không có gì bất ngờ. Nhóm BĐS nhà ở vẫn tăng giá khá bắt mắt, trong khi ngân hàng, dầu khí và nhiều nhóm lớn khác trên HOSE vẫn còn đang bận khởi động, cân bằng.
Lưu ý hôm nay cũng là phiên thứ Năm của tuần thứ Ba, và trên sàn phái sinh HNX cũng sẽ lại có 1 mã chuẩn bị đáo hạn, và như thường lệ, diễn biến giá cổ phiếu trong nhóm VN30 sẽ bị soi kỹ hơn so với ngày thường. Hiện tại tương quan tăng – giảm giá trên nhóm này đang nghiêng về hướng tích cực, với 17 mã tăng giá so với chỉ 8 giảm giá.
Diễn biến sàn Mỹ đêm qua là yếu tố tích cực nhưng diễn biến Nga – Ukraine có lẽ vẫn là vật cản ngăn chứng khoán thế giới, và cả VN-Index tiến lên. Sáng nay nhiều chỉ số lớn trên các sàn châu Á (trừ Trung Quốc) đang giảm nhẹ.
Chỉ số HNX-Index sớm tăng nhẹ nhờ Large Cap. Trong số này, CEO tiếp tục tăng phiên thứ 4 liên tiếp với mức tăng khá tích cực, hơn 5%, tuy nhiên đa số Large Cap khác chỉ tăng dưới 1%.
Trên sàn UPCoM, sau vài phút giảm điểm khi mở cửa, chỉ số chính sàn này đã tăng trở lại, với sự hỗ trợ từ nhiều Large Cap, trong đó đáng kể có MCH, BSR, VEA, TVN…
Nhóm BĐS nhà ở tiếp tục nổi bật với nhiều mã tăng khá, trong đó vẫn có những mã tăng tím trần chiều qua, tuy nhiên mức tăng giá đầu phiên sáng nay đã có phần dịu lại, có lẽ người chơi đang nghe ngóng thêm tình hình. Dù sao đi nữa, mức tăng gần như là “bầy đàn” chiều qua ở nhóm này cũng không thể được lý giải ở góc độ đầu tư giá trị.
Giá cả tương lai của 2 loại dầu Brent và WTI đang có diễn biến trái chiều, tất nhiên vẫn liên quan đến xung đột Nga – Ukraine, nhưng có lẽ sẽ khiến NĐT khó dự đoán về xu hướng, và do đó cũng khó dự đoán về giá cổ phiếu dầu khí trên sàn Việt vào lúc này. Sáng nay, nhiều tên tuổi của nhóm cổ phiếu nhà PVN vẫn giảm giá nhẹ khi mở cửa, bao gồm PVC, PVD, PGD, PGS, PVG… bất chấp GAS, BSR tăng giá. PVS trước thời điểm ATO còn tăng giá, nhưng sau ATO lại giảm nhẹ.
Cổ đông HAG chắc có lẽ sẽ còn phải lo lắng, khi UBCKNN đã lên tiếng về khả năng duy trì niêm yết cổ phiếu này, đại ý rằng quyền quyết thuộc về HOSE, nhưng cần thêm thời gian cân nhắc. Sáng sớm nay HAG mở cửa giảm nhẹ 50 đồng, nhưng sau đó đã lập tức tăng trở lại, cao hơn tham chiếu 150 đồng/cp.
Hoàng Nam
FILI
|