Người tiêu dùng Mỹ lo ngại về lạm phát
Đại dịch kéo dài khiến hàng triệu người Mỹ cảm thấy cuộc sống của họ bị ngưng trệ. Nhiều người trong số đó còn cảm thấy tăng trưởng tài chính của họ cũng bị chững lại.
Từ những ngày đầu của đại dịch Covid-19, người Mỹ đã bắt đầu tích trữ tiền bạc. Họ lo lắng về sức khỏe, công việc và viễn cảnh về một cuộc suy thoái nghiêm trọng chưa từng có. Khi đại dịch kéo dài, một số người đã giữ tài khoản của họ trong trạng thái phòng vệ và tích lũy mức tiết kiệm kỷ lục. Trong khi đó, một số người khác lại bắt đầu chi tiêu.
Những người chi tiêu trong giai đoạn đại dịch đã thúc đẩy giá nhà và xe hơi tăng vọt. Hiện nay, vấn đề về chuỗi cung ứng và các vấn đề khác đang khiến giá cả nhiều mặt hàng và dịch vụ hàng ngày tăng lên. Dữ liệu được công bố gần đây cho thấy mức lạm phát đã tăng 7% trong tháng 12/2021 do giá thuê nhà, hàng tạp hóa, gas và nhiều thứ khác đều tăng. Các nhà cố vấn tài chính và chuyên gia kinh tế cho rằng một số người tiêu dùng cảm thấy lo ngại.
Một số người trong số này vẫn không can đảm chi tiêu tiền tiết kiệm trước sự xuất hiện của các biến thể virus Corona mới. Những người khác cảm thấy thất vọng khi nhận ra tiền lương của họ không theo kịp với tốc độ lạm phát. Những người đã tạm dừng chi tiêu trong một thời gian cho biết họ đang phải chi trả cao hơn cho tất cả các loại mặt hàng, từ ô tô, nhà cửa cho đến tài sản cho thuê và thiết bị xây dựng.
“Giá cả đã tăng quá nhiều. Thật nản lòng khi bạn đang cố gắng lập kế hoạch”, Tiến sĩ Ann Kier-Schroeder cho biết.
Bà Ann Kier-Schroeder (72 tuổi) và chồng, tiến sĩ Friedhelm Schroeder (74 tuổi), hơn hai tháng qua phải sống trong căn nhà di động sau khi bán đi ngôi nhà của họ tại College Station, bang Texas với giá khoảng 1.5 triệu USD.
Những vị giáo sư về hưu này từng dự định xây một ngôi nhà mới trên mảnh đất rộng 1.5 mẫu Anh mà họ đã mua cho cô con gái trưởng thành và gia đình của cô ấy ở Montgomery, Texas. Họ dự kiến chi phí xây dựng khoảng 800,000 USD nhưng nhận thấy rằng chi phí vật liệu xây dựng đã bị đẩy lên hơn 1 triệu USD.
Cặp vợ chồng già này đang phân vân về việc có nên chờ đợi hay không hay là việc chờ đợi cuối cùng lại chứng kiến giá thậm chí cao hơn nữa. Giáo sư Kier-Schroeder nói: “Mọi thứ đều rơi vào tình trạng lấp lửng”.
Trong khi đó, nhiều người Mỹ đã trở nên khá giả hơn chỉ trong một thời gian ngắn với số dư quỹ hưu trí tư nhân tăng lên, tiền tiết kiệm chạm mức kỷ lục và cơ hội việc làm dồi dào. Thế nhưng điều đó cũng không giúp tất cả họ cảm thấy an tâm hơn.
Theo một cuộc khảo sát năm 2021 do Công ty Nghiên cứu Hearts & Wallets thực hiện, nhiều người Mỹ cho rằng Covid-19 đã thay đổi thái độ của họ về tiền bạc. Trong nhóm đó, 66% người được khảo sát cho rằng họ mong ước mình đang làm công việc có tiết kiệm tốt hơn; 34% cho rằng Covid-19 không thay đổi quan điểm của họ về tiền bạc.
Một cuộc khảo sát được thực hiện hồi tháng 4/2021 do Công ty dịch vụ tài chính tiêu dùng Bankrate thực hiện với 2,442 người trưởng thành cho thấy 39% người Mỹ đã bỏ qua cột mốc quan trọng về tài chính như mua nhà hoặc xe do đại dịch. Con số đó có thể cao hơn vì tình trạng thị trường thắt chặt và giá cả đã tăng khoảng 37% so với cùng kỳ năm 2020, theo Bộ Lao động Mỹ.
Nhìn chung, người Mỹ đang tích trữ gần 1,600 tỷ USD tiền tiết kiệm dư thừa từ đại dịch. Có một số bằng chứng, bao gồm cả dữ liệu thẻ tín dụng từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cho thấy gần đây họ đã bắt đầu chi tiêu nhiều hơn một chút.
George Loewenstein, Giáo sư kinh tế và tâm lý học tại Đại học Carnegie Mellon, cho rằng mọi người có xu hướng nghĩ rằng tiền bạc là rào cản chính để họ có được một ngôi nhà hoặc một chiếc xe hơi hoàn hảo.
Ông nói: “Bây giờ họ có thể có nhiều tiền hơn, nhưng các vấn đề về nguồn cung và lạm phát đang lấy đi những thứ mà họ nghĩ rằng cuối cùng đã nằm trong tầm tay của họ. Điều đó chỉ khiến một số người phát điên."
Bà Lauren Lindsay, một nhà hoạch định tài chính tại Houston, khuyến khích khách hàng xem xét đến các lựa chọn thay thế khi các chuyến nghỉ dưỡng xa bị hủy hoặc chiếc xe mới mà họ mong muốn sở hữu không được giao đến tay vì vận chuyển chậm trễ. Bà Lauren Lindsay thắc mắc liệu họ sẽ cân nhắc lựa chọn một chiếc xe khác hay có ý định tiếp tục sử dụng chiếc xe hiện có của họ. Hoặc bà có thể đề nghị một kỳ nghỉ ngắn hơn cho đến khi một kỳ nghỉ hoành tráng có thể thực hiện được.
Hãy để mọi người trò chuyện với nhau và suy nghĩ về các phương thức lựa chọn thay thế giúp hữu ích cho họ. Bà nói: “Mọi người chỉ muốn trút giận và được lắng nghe”.
Khi lạm phát làm giảm sức mạnh của tiền lương, mức tăng lương 3% không giúp ích gì nhiều cho người lao động.
Cố vấn tài chính Mark Struthers tại Minneapolis cho rằng: “Mức lạm phát 2% là khá tốt nhưng bây giờ thì không được như thế nữa”. Ông khuyên khích khách hàng yêu cầu tăng lương hoặc tiền bồi thường để bù đắp chi phí phát sinh khi làm việc tại nhà, bao gồm cả hóa đơn sưởi ấm cao hơn.
Vị cố vấn tài chính này nói rằng: “Người lao động cũng nên tối đa hóa các khoản lợi ích như tiền tiết kiệm về sức khỏe, tài khoản chăm sóc người phụ thuộc, các khóa đào tạo được trả lương và bất kỳ khoản bồi thường nào cho các chi phí liên quan đến làm việc tại nhà”.
Các nhà cố vấn cho rằng, dù thị trường chứng khoán diễn biến hết sức khả quan với chỉ số S&P 500 tăng hơn 25% trong năm 2021 cũng khiến mọi người không khỏi lo lắng. Đối với một số người, họ không biết chắc thị trường có thể tăng cao hơn bao nhiêu và tiền mặt, trái phiếu đang trở lại gần như không có gì, có nghĩa là những người gửi tiết kiệm đang cảm thấy bị bỏ lại phía sau.
Nhà hoạch định tài chính Jay Lee tại New Jersey cho rằng khách hàng đang vô cùng bối rối vì không biết đầu tư vào đâu. Ông nhận thấy số dư tiền mặt tăng 20% trong danh mục đầu tư của một số khách hàng mới.
Nhiều cố vấn tài chính khuyến cáo nên có khoảng 10% hoặc ít hơn tiền mặt trong một danh mục đầu tư.
Ông Lee khuyên khách hàng rằng việc giữ tiền mặt sẽ rất rủi ro khi USD có giá trị thực tế thấp hơn vì lạm phát tăng.
Ông khuyên mọi người nên kiểm kê những gì có trong tất cả các tài khoản của họ và mở một tài khoản khẩn cấp cho các khoản chi tiêu trong khoảng 6 tháng. Kế đến, mọi người nên giải quyết các mục tiêu ngắn hạn như trả tiền niềng răng cho con cái hoặc xóa nợ thẻ tín dụng lãi suất cao. Phần còn lại nên được đầu tư vào danh mục đầu tư đa dạng, dài hạn và có phí thấp.
Ông Lee nói: “Bạn sẽ tiếp tục cảm thấy bực tức nếu như bạn cố gắng xác định thời điểm ra/vào thị trường”.
Khai Tâm (Theo Wall Street Journal)
FILI
|