Năm “vô tiền khoáng hậu” của tỷ phú Elon Musk
Tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk từ lâu được biết tới là một doanh nhân khác người. Ông không sở hữu nhà mà chỉ ở thuê, lái xe điện do công ty của mình chế tạo, sống hết mình vì giấc mơ đưa con người lên sao Hỏa định cư…
Tỷ phú Elon Musk - Ảnh: Reuters
|
Năm qua, Elon Musk gần như thống trị truyền thông Mỹ và thậm chí toàn cầu khi gần như mỗi ngày đều có thông tin liên quan tới ông. Từ những dòng Tweet (dòng đăng tải trên Twitter) cho tới những lần bán ra hàng chục tỷ USD cổ phiếu Tesla, mỗi động thái của Musk đều gây những biến động lớn trên thị trường chứng khoán lẫn tiền điện tử.
Năm 2021, tạp chí Time bình chọn Musk là “nhân vật của năm” – danh hiệu mà nhiều chính trị gia nổi tiếng như Richard Nixon, Ronald Reagan, Bill Clinton hay Nelson Mandela hay các tỷ phú như Bill Gates từng được nhận. Năm 2020, danh hiệu này thuộc về ông Joe Biden và bà Kamala Harris - Tổng thống và Phó Tổng thống đắc cử khi đó.
“Đây là người đàn ông khát khao cứu lấy hành tinh của chúng ta và mang lại cho chúng ta một hành tinh mới để sinh sống. Đây là một chú hề, một thiên tài, một người lập dị trên Internet, một người nhìn xa trông rộng, một nhà công nghiệp… Ông ấy là sự kết hợp của Thomas Edison, P.T. Barnum, Andrew Carnegie và bác sĩ Manhattan trong tiểu thuyết đồ họa Watchmen – vị thần da xanh đã phát minh ra ô tô điện và đang muốn đưa con người lên sao Hỏa”, tạp chí Time mô tả trong bài viết công bố “Nhân vật của năm 2021”.
Tổng biên tập Edward Felsenthal của Time nhận xét ít ai có sức ảnh hưởng với sự sống trên Trái Đất, thậm chí là ngoài Trái Đất hơn Elon Musk. Theo ông, năm 2021, Musk không chỉ là người giàu nhất thế giới mà có thể còn là ví dụ đậm nét nhất về sự chuyển dịch trong xã hội của chúng ta.
SỨC ẢNH HƯỞNG TRÊN TRÁI ĐẤT VÀ NGOÀI TRÁI ĐẤT
Hiện tại, hãng xe điện Tesla do ông làm Tổng giám đốc và là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 2/3 thị trường xe điện và cũng là hãng xe có vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới với khoảng 1.000 tỷ USD, vượt qua nhiều “đại gia” ô tô như Toyota, Volkswagen…
Trong khi đó, startup vũ trụ SpaceX do ông sáng lập hiện đi trước Boeing và nhiều công ty tầm cỡ khác trong cuộc đua nhằm nắm giữ tương lai trên vũ trụ của nước Mỹ. Ông cũng tham gia vào lĩnh vực robot, năng lượng mặt trời, tiền điện tử, cấy ghép máy tính vào não bộ để ngăn chặn sự đe dọa của trí tuệ nhân tạo hay xây dựng đường hầm dưới lòng đất để vận chuyển người và hàng hóa với tốc độ siêu nhanh.
“Musk là người theo chủ nghĩa nhân loại, không phải theo nghĩa là một người tử tế, bởi vì ông ấy không phải như vậy. Musk muốn được hưởng sự vinh quang vĩnh cửu vì đã làm những việc lớn lao. Ông ấy là tài sản của loài người bởi vì ông ấy định nghĩa một hành động vĩ đại là điều gì đó vĩ đại đối với nhân loại.
Ông ấy thèm khát vinh quang. Tiền bạc với Musk chỉ là phương tiện chứ không phải cứu cánh. Ngày nay có ai đánh giá Thomas Edison dựa trên việc những phát minh của ông ấy đã mang lại lợi nhuận không?”, Robert Zubrin, người sáng lập tổ chức Mars Society, nhận xét về tỷ phú giàu nhất thế giới.
Theo mô tả của tờ Time, 2021 là một năm “vô tiền khoáng hậu” đối với tỷ phú Elon Musk - cá nhân đầu tiên trong lịch sử có tài sản hơn 300 tỷ USD. Biến động tài sản của tỷ phú 50 tuổi trở thành một trong những đề tài được đề cập nhiều nhất trên truyền thông năm qua.
Elon Musk có sức ảnh hưởng cả trên và ngoài Trái Đất - Ảnh: Reuters
|
Theo Bloomberg Billionaires Index, năm 2021 tài sản của Musk tăng thêm gần 120 tỷ USD. Vào cuối tháng 10/2021, giá cổ phiếu Tesla tăng vọt giúp tỷ phú này trở thành người đầu tiên sở hữu tài sản 300 tỷ USD. Đà tăng này tiếp tục kéo dài tới đầu tháng 11 khi Tesla trở thành công ty có vốn hóa nghìn tỷ USD, đưa tài sản của Musk không ngừng tăng lên. Ngày 4/11, tài sản của Musk lập kỷ lục tới 340 tỷ USD.
Tuy nhiên, tới trung tuần tháng 11, giá cổ phiếu Tesla bắt đầu lao dốc và thậm chí có thời điểm mất gần 15% giá trị. Đó là khi ông Musk mở cuộc thăm dò ý kiến trên Twitter về việc có nên bán 10% cổ phiếu Tesla hay không. Việc này khiến tài sản của Musk “bay hơi” 50 tỷ USD chỉ trong 2 phiên – mức giảm hai ngày mạnh nhất mà Bloomberg Billionaires Index từng ghi nhận. Vào những ngày cuối năm 2021, tài sản của ông duy trì trên mức 270 tỷ USD.
Không chỉ về biến động tài sản, năm 2021 cũng chứng kiến những cột mốc đáng nhớ của Tesla, SpaceX cũng như những lần làm chao đảo thị trường tài chính của tỷ phú 50 tuổi.
NGƯỜI ĐẦU TIÊN CÓ TÀI SẢN HƠN 300 TỶ USD
Trong những tháng đầu năm 2021, sự “lăng xê” của Musk khiến cho cổ phiếu Meme - cổ phiếu vốn hoá nhỏ được hậu thuẫn bởi làn sóng nhà đầu tư cá nhân và có biến động chóng mặt – liên tục thể hiện sự vượt trội so với các Bluechip.
“Elon Musk đang thống trị Phố Wall. Cách thức thế giới tài chính hoạt động hiện tại là: Những thứ có giá trị không dựa trên dòng tiền của chúng nữa mà dựa trên sự liên quan mật thiết với Elon Musk”, phóng viên Matt Levine của hãng tin Bloomberg viết hồi tháng 2, sau khi dòng Tweet “Gamestonk!!” của tỷ phú này thổi bùng cơn sốt cổ phiếu meme.
Hồi tháng 4, SpaceX giành được hợp đồng độc quyền với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) để đưa người Mỹ trở lại mặt Trăng lần đầu tiên kể từ năm 1972. Vào tháng 5, ông dẫn chương trình Saturday Night Live, gây ra cơn chấn động lớn trên thị trường tiền điện tử.
Sang tháng 10, tỷ phú này thông báo về hợp đồng bán 100.000 xe Tesla với hãng cho thuê xe hàng đầu tại Mỹ Hertz. Một tháng sau đó, Musk đổi avatar trên Twitter sang hình một tên lửa sau khi tên lửa Falcon 9 của SpaceX được phóng vào vũ trụ trong dự án thử nghiệm phòng thủ hành tinh quy mô lớn đầu tiên trên thế giới của NASA.
Gần đây, các đợt bán cổ phiếu Tesla trên quy mô lớn đã khiến Musk đã làm chao đảo thị trường, đưa trở thành một trong những cá nhân nộp thuế nhiều nhất trong lịch sử Mỹ. Theo tờ Time, số thuế thu nhập của ông năm 2021 đủ để Bộ thương mại Mỹ dùng trong cả một năm.
Suốt năm qua, Musk cũng là một trong những nhân tố lớn nhất gây biến động mạnh trên thị trường tiền điện tử. Ông đứng sau nhiều đợt tăng giá chóng mặt của đồng Dogecoin, Shiba Inu. Nhiều người thậm chí còn cho rằng ông cố tình “lái” giá các đồng tiền ảo. Hồi tháng 10, dòng tweet với tấm ảnh về chú cún cưng của Musk đã khiến giá trị đồng Shiba Inu – có logo là chú chó Shiba – tăng tới gần 370% trong một tuần.
Tuy nhiên, cũng có lần ông làm mất đà tăng trưởng nóng của đồng Bitcoin. Vào tháng 5, dòng Tweet nói rằng sẽ tạm dừng cho phép khách hàng của Tesla mua xe bằng Bitcoin, vì lo ngại việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để khai thác đồng tiền số này, đã khiến “thổi bay” hơn 12% giá trị tiền ảo này, có thời điểm lùi về dưới ngưỡng 50.000 USD. Tuy nhiên, tới tháng 6, tỷ phú này lại “quay xe” và nói rằng Tesla vẫn có thể chấp nhận lại Bitcoin, khiến giá trị tiền ảo này tăng tới gần 17%.
Do những tranh cãi xung quanh việc sử dụng mạng xã hội của Musk, danh hiệu “nhân vật của năm” dành cho ông nhận về không ít bình luận trái chiều. Thậm chí, có nhà phê bình còn gọi đây là "lựa chọn tồi tệ nhất từ trước đến nay" của Time. Dù vậy, không thể phủ nhận sức ảnh hưởng lớn của tỷ phú giàu nhất lịch sử, đặc biệt là khi ông sở hữu tài khoản Twitter hiện có hơn 66 triệu người theo dõi và con số này đang không ngừng tăng lên.
Nguyễn Tuyến
VnEconomy
|