Một số hiểu lầm đáng tiếc về phân tích kỹ thuật (Kỳ 1)
Phân tích kỹ thuật từ lâu đã bị hiểu lầm là công cụ chỉ dành riêng cho những nhà đầu tư lướt sóng. Những định kiến kiểu như vậy gây hại rất nhiều cho các nhà đầu tư mới.
Ngắn hạn hay dài hạn là do nhà đầu tư lựa chọn
Quan điểm đầu tư của mỗi người khác nhau nên cũng sẽ khiến cho họ mua và nắm giữ cổ phiếu trong những khoảng thời gian có độ dài chênh lệch. Vấn đề này còn bị ảnh hưởng rất lớn bởi độ tuổi.
Bản thân người viết khi còn là U30 thì rất thích lướt sóng do có nhiều thời gian và quan trọng là tinh thần mạo hiểm còn rất cao. Các công cụ được lựa chọn sử dụng thường là Stochastic Oscillator, MACD... Tỷ suất sinh lời yêu cầu thường đặt ở mức trên 50%/năm.
Tuy nhiên, khi đã chuyển sang U40 thì độ lớn của tài khoản tăng lên và kèm theo đó là sự thận trọng cũng lớn hơn. Lúc này thì kiến thức có thể nhiều nhưng tinh thần mạo hiểm đã giảm sút. Các công cụ phân tích dài hạn như SMA 100 ngày, SMA 200 ngày, Cycle Line... cũng được ưu tiên sử dụng hơn. Ở độ tuổi U40 trở lên thì người ta thường dễ dàng chấp nhận tỷ suất sinh lời chỉ quanh mức 20%/năm. Thậm chí, những nhà đầu tư dạng này còn dành một phần tiền khá lớn để mua các cổ phiếu cổ tức cao để hướng đến cổ tức chứ không hẳn là lãi vốn.
Như vậy, phân tích kỹ thuật không hẳn chỉ dành cho nhóm chuyên lướt sóng mà ngay cả những nhà đầu tư giá trị cũng có thể tham khảo để có thể nắm được tình trạng xu hướng hiện tại của cổ phiếu.
Ví dụ: một nhà đầu tư đang phân vân giữa cổ phiếu CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM) và CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) tại thời điểm tháng 05/2021. Đây đều là những cổ phiếu lớn trong ngành và có kết quả kinh doanh tốt. Tuy nhiên, khi xét đến xu hướng hiện hành thì rõ ràng là MSN tốt hơn khi giá đang nằm trên nhóm MA dài hạn. Trong khi đó, VNM lại khá xấu khi vừa mới xuất hiện điểm giao cắt tử thần (death cross) và giá phá vỡ ngưỡng hỗ trợ mạnh Fibonacci Retracement 38.2% trong tháng trước.
Đồ thị cổ phiếu VNM giai đoạn 2021-2022. Nguồn: VietstockUpdater
Không để ý đến thị trường có xu hướng hay không
Một sai lầm rất kinh điển là nhà đầu tư thường hay bỏ qua yếu tố xu hướng mạnh hay yếu khi sử dụng nhóm chỉ báo trend-following nói chung và trung bình động (MA - Moving Average) nói riêng. Sai lầm này dễ dẫn đến những thua lỗ đáng tiếc trong quá trình đầu tư.
Trung bình động là một chỉ báo thể hiện giá trị trung bình của giá chứng khoán trong một khoảng thời gian xác định. Khi giá chứng khoán thay đổi thì giá trị trung bình cũng thay đổi theo.
Thực tế đã chứng minh là khi xu hướng yếu và đi ngang (sideway) thì nhóm chỉ báo trên không hoạt động hiệu quả và thường cho ra những tín hiệu sai lệch. Điều này đặc biệt đúng khi các trader sử dụng nhóm trung bình động (MA) ngắn hạn.
Ví dụ dưới đây của cổ phiếu Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (HOSE: EIB) là điển hình cho sai lầm trên. Từ cuối tháng 06/2021, đường ADX đã rơi xuống dưới mức 25 chứng tỏ xu hướng của EIB đã yếu đi rất nhiều. Kể từ đó, giá xuất hiện 5 lần cho tín hiệu mua với đường SMA 20 ngày nhưng chỉ có 1 lần cho tín hiệu chính xác và mang lại lợi nhuận. Tỷ lệ thành công chỉ đạt 20% và đây là mức rất thấp.
Nguồn: VietstockUpdater
Bộ phận Phân tích Kỹ thuật, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|