Lý do Elon Musk bỏ học Stanford chỉ sau 2 ngày
CEO của Tesla và SpaceX từng theo học bằng Tiến sĩ vật lý tại Stanford khi mới 24 tuổi, nhưng quyết định bỏ học chỉ sau 2 ngày.
Tỷ phú Elon Musk đã trở nên nổi tiếng nhờ những lựa chọn nghề nghiệp và cuộc sống khác thường của mình. Một trong số các lựa chọn táo bạo và sớm nhất của Musk diễn ra vào năm 1995, khi ông đột ngột bỏ sự nghiệp học hành.
Sau khi lấy được 2 bằng cử nhân, trong đó có một bằng của Đại học Pennsylvania, Musk theo học bằng Tiến sĩ vật lý tại Stanford ở tuổi 24. Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau, ông thay đổi quyết định và bỏ học.
Tỷ phú Elon Musk ở tuổi 17. Ảnh: KnowIedia.
|
Trong cuốn sách viết về Elon Musk, tác giả Ashlee Vance cho biết ở thời điểm đó Musk bắt đầu tìm hiểu về tiềm năng của Internet. Dù muốn theo đuổi ngành vật lý, đam mê của ông từ khi còn nhỏ, Musk nhận thấy Internet có sức hút lớn hơn nhiều.
"Musk thuyết phục em trai Kimbal cùng chuyển đến Thung lũng Silicon, để cả hai có thể cùng chinh phục Web", tác giả Ashlee Vance viết trong sách.
Musk tin rằng Internet có tiềm năng tác động đến thế giới hơn là các nghiên cứu của ông trong lĩnh vực vật lý. Để tận dụng sự bùng nổ của Internet, Musk đã thành lập công ty đầu tiên của mình, Zip2 và bán nó với giá hơn 300 triệu USD chỉ 4 năm sau đó.
Khi kể về tuổi thơ của Elon Musk, mẹ ông là bà Maye Musk cho rằng CEO Tesla đã luôn hiểu chuyện nhanh hơn những đứa trẻ khác. Ông cũng có khả năng tập trung rất tốt.
"Đôi lúc, nó dường như không nghe thấy ai", bà Maye Musk chia sẻ trong cuốn sách của Ashlee Vance.
Trong một bài đăng trên Twitter, bà Maye Musk cho biết vào năm 17 tuổi, CEO Tesla tham gia một kỳ thi năng khiếu lập trình cấp đại học, và các giám khảo đã bắt ông phải thi lại vì họ chưa bao giờ thấy ai đạt điểm số cao như vậy.
Musk đã tiếp tục cách mạng hóa ngành công nghiệp xe điện với Tesla và làm nên lịch sử với SpaceX. Công ty khởi nghiệp nghiên cứu về cấy chip vào não người mang tên Neuralink của ông tuyên bố sẽ mang lại khả năng siêu phàm cho người bình thường và chữa lành mọi thứ từ bệnh tâm thần đến bại liệt.
Elon Musk không phải là nhân tài duy nhất chọn bỏ ngang việc học. Nhiều tỷ phú công nghệ khác cũng từng bỏ học, như Bill Gates, Mark Zuckerberg và Michael Dell. Tuy nhiên, Musk đặc biệt hơn bởi ông đang làm nghiên cứu tiến sĩ.
Theo Fortune, các trường đại học và cao đẳng thường có xu hướng tuân theo một hệ thống giáo dục cứng nhắc, chủ yếu giảng dạy những gì đã được thực hiện, thay vì khám phá những chân trời mới. Có thể đây là lý do tại sao nhiều nhà khởi nghiệp như Elon Musk không thích sự gò bó của hệ thống giáo dục chính quy. Họ dám tự đổi mới và cuối cùng trở thành tỷ phú bằng những đột phá như vậy.
Trong rất nhiều nghiên cứu về các doanh nhân thành công trong thời đại công nghệ và tiền số và sự gia tăng liên tục của học phí đại học, luôn có một câu hỏi được đặt ra: liệu rủi ro từ bỏ bằng cấp có phải là một quyết định đúng đắn đối với những người bình thường, hay chỉ những thiên tài như Elon Musk mới thành công sau khi bỏ học?
Việt Anh
ZING
|