Không còn hoàn nhập dự phòng, SIP báo lãi ròng 2021 giảm 19%
Do kết quả kinh doanh liên tiếp đi lùi trong 3 quý cuối năm nên lãi ròng 2021 của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP) ghi nhận giảm gần 19% so với năm 2020.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 4 và lũy kế 2021 của SIP. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2021 của SIP
|
Trong năm 2021, doanh thu thuần của SIP ghi nhận hơn 5,577 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020. Doanh thu bán điện, nước vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu của SIP với gần 4,480 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng trưởng 12%, đạt 774 tỷ đồng nhờ giá vốn tăng chậm hơn doanh thu.
Cơ cấu doanh thu của SIP trong năm 2020
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2021 của SIP
|
Một điểm sáng khác của SIP là lãi từ công ty liên doanh, liên kết tăng 46%, đạt gần 82 tỷ đồng.
Dù vậy, doanh thu tài chính của Công ty lại ghi nhận mức giảm mạnh với 44% do giảm lãi tiền gửi và cho vay nhận được, còn hơn 364 tỷ đồng.
Chi phí cũng là điểm đáng chú ý khác của SIP khi chi phí tài chính và chi phí quản lý lần lượt gấp 5.5 lần và 9.5 lần năm trước. Nguyên nhân khiến cả hai khoản mục này tăng mạnh là do Công ty không còn hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh, tổn thất đầu tư và các khoản dự phòng liên quan đến chi phí quản lý.
Kết quả, SIP báo lãi ròng hơn 833 tỷ đồng trong năm 2021, giảm 19% so với năm 2020. Dù vậy, với việc đặt mục tiêu lãi ròng chỉ 520 tỷ đồng, Công ty vẫn vượt mục tiêu đề ra hơn 60%.
Tổng tài sản của SIP tại thời điểm 31/12/2021 tăng nhẹ 7% so với đầu năm, lên gần 17,802 tỷ đồng. Tiền và tiền gửi ngắn hạn giảm 5%, về 3,716 tỷ đồng nhưng tiền gửi dài hạn lại tăng 11%, lên hơn 278 tỷ đồng.
Nợ vay của SIP không thay đổi đáng kể so với đầu năm, duy trì ở mức gần 457 tỷ đồng. Mặt khác, giá trị khoản mục người mua trả tiền trước giảm mạnh 43%, còn hơn 282 tỷ đồng.
Thuyết minh người mua trả tiền trước của SIP
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2021 của SIP
|
Hà Lễ
FILI
|