Giá dầu đảo chiều
Giá dầu giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu sau khi tăng mạnh vào đầu phiên do lo ngại việc trừng phạt Nga, một nước xuất khẩu dầu thô lớn, có thể làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu.
Hợp đồng dầu Brent tháng 4 rớt 1.15 USD, tương đương 1.2%, đóng phiên tại 97.93 USD/thùng, sau khi lên tới 101.99 USD. Hợp đồng tháng 5 được giao dịch sôi động hơn cũng giảm 1.3 USD, tương đương 1.4%, còn 94.12 USD.
Tương tự, hợp đồng dầu thô WTI tại Mỹ mất 1.22 USD, tương đương 1.3%, và kết thúc phiên giao dịch ở mức 91.59 USD/thùng, sau khi tạo đỉnh trong phiên tại 95.64 USD.
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, hợp đồng dầu Brent tăng khoảng 4.7%, trong khi hợp đồng WTI chỉ tăng khoảng 0.6%.
Trong ngày Thứ Năm, việc Nga xâm lược Ukraine đã đẩy giá dầu lên hơn 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014, hợp đồng dầu Brent từng chạm mức 105 USD, sau đó giảm giá lại vào cuối ngày giao dịch.
Hành động xâm lược trên chính là cuộc tấn công lớn nhất vào một nước châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai, khiến cho hàng chục ngàn người phải từ bỏ quê nhà của họ. Vào thứ Sáu, tên lửa của Nga đã oanh tạc thủ đô Kyiv, các gia đình co rúm trong nơi trú ẩn còn chính quyền thì nói người dân chuẩn bị Molotov cocktail (chai cháy) để bảo vệ thủ đô của Ukraine.
Trong ngày thứ Năm, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phản hồi lại hành động xâm lược bằng một loạt các biện pháp trừng phạt gây trở ngại cho việc kinh doanh bằng các đồng tiền lớn của Nga cùng với trừng phạt dành cho các ngân hàng và doanh nghiệp của nước này.
Anh, Nhật, Canada, Australia, và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã công bố biện pháp trừng phạt, trong đó Đức đã dừng cấm phép cho đường ống dầu trị giá 11 tỷ USD của Nga.
Tuy nhiên, một quan chức Mỹ nói rằng sự trừng phạt sẽ không đặc biệt nhắm vào dòng chảy năng lượng của Nga, nước sản xuất dầu thô lớn thứ hai thế giới và là đối tác cung cấp khí thiên nhiên lớn của châu Âu.
“Mỗi ngày, trong số 4.6 triệu thùng dầu thô của Nga, có tới 2.3 triệu thùng là xuất sang phương Tây”, ông Wood Mackenzie chia sẻ trong một báo cáo. “Sắp tới việc giao dịch dầu với Nga sẽ chững lại. Dự đoán là cân bằng cung cầu sẽ gặp nhiều trở ngại cho đến khi điều khoản thanh toán được xác định”.
Ông Biden cho hay Mỹ đang làm việc với các quốc gia khác để cùng nhau giải phóng thêm nguồn dự trữ dầu thô chiến lược.
“Rõ ràng là cuộc thảo luận về Nguồn dự trữ dầu chiến lược (SPR) vẫn chưa ngã ngũ và chưa mấy khả quan, nhưng dù sao đó cũng là một thông tin có tính hỗ trợ vào cuối tuần”, Phil Flynnn, Chuyên viên phân tích cao cấp của Price Futures Group ở Chicago, nhận định.
Dữ liệu thị trường và các nhà đầu tư cho thấy trong năm nay Trung Quốc đã ráo riết mua dầu để dự trữ dù giá tăng mạnh, bất chấp lời kêu gọi hợp tác giải phóng nguồn dự trữ từ Washington để xoa dịu thị trường.
Theo nguồn tin mà Reuters nhận được, những đối tác mua dầu lớn của Nga đang chật vật tìm sự bảo đảm từ các ngân hàng phương Tây cũng như tìm thuyền vận chuyển.
Thỏa thuận của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cho tới giờ vẫn không có gì thay đổi, liên minh này nhiều khả năng vẫn sẽ cam kết nâng sản lượng thêm 400,000 thùng/ngày trong tháng 4 dù giá dầu cao ngất tại 100 USD/thùng, nguồn tin mà Reuters nhận được từ OPEC+ cho hay.
Liên minh này, gồm OPEC và các nước xuất khẩu dầu khác trong đó có Nga, sẽ họp vào thứ Tư để ra quyết định.
Hôm thứ Sáu, theo số liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ đã tăng thêm 2 lên con số 522 trong tuần qua, dấu hiệu cho thấy trong tương lai Mỹ sẽ tăng nguồn cung.
Tính tới ngày 22/2 của tuần, các nhà quản lý tài chính đã giảm vị thế mua quyền chọn và hợp đồng dầu thô Mỹ, giảm 21,204 còn 274,132 hợp đồng, Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) cho hay trong ngày thứ Sáu.
Tuệ Nhiên (Theo CNBC)
FILI
|