Doanh số đất ảo chạm mốc 500 triệu USD
Hầu hết thương vụ bất động sản ảo lớn thuộc về nhóm 4 metaverse đứng đầu thị trường.
Theo MetaMetric Solution, doanh số bất động sản trong các vũ trụ ảo (metaverse) chạm mốc 500 triệu USD trong năm 2021. Nhiều chuyên gia và công ty phân tích dự đoán con số này sẽ tăng gấp đôi vào cuối năm 2022.
MetaMetric Solution, công ty chuyên phân tích và đo lường tại Mỹ, cho biết trong năm 2021, 4 vũ trụ ảo: Sandbox, Decentraland, Cryptovoxels và Somnium ghi nhận khoản doanh thu 501 triệu USD nhờ bán đất.
Tuy nhiên, chỉ trong tháng 1/2022, doanh số của các dự án metaverse này đã chạm mốc 85 triệu USD. MetaMetric dự đoán doanh số 2022 của đất ảo đạt mức 1 tỷ USD.
Khung cảnh bên trong Decentraland. Ảnh: Wired.
|
Doanh số ngành bất động sản ảo tăng gấp 9 lần trong tháng 11/2021, theo CNBC. Sự tăng trưởng đột ngột này nhờ vào sự kiện Facebook đổi tên thành Meta và công bố chiến lược phát triển metaverse trong 10 năm tới. Mặc dù đã giảm độ nóng, doanh số tháng 1 vẫn gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Theo dự đoán từ BrandEssence, thị trường đất ảo trên metaverse vẫn giữ tốc độ tăng trưởng kép ở mức 31% hàng năm trong giai đoạn 2022-2028. “Tồn đọng nhiều rủi ro khi đầu tư vào đất ảo, nhưng phần thưởng sẽ rất hậu hĩnh nếu lựa chọn đúng”, Janine Yorio, CEO của Repulic Realm, tổ chức chuyên cố vấn và đầu tư đất ảo nhận định.
Những ông lớn thống trị cuộc đua
Repulic Realm đã chi 4,3 triệu USD để thâu tóm một số mảnh đất trên nền tảng Sandbox. Công ty này đã phân chia và xây dựng các mảnh đất này thành 100 hòn đảo với nhà cửa, thuyền, sau đó bán lại chúng. Đảo mắc nhất đang được bán với mức giá 107.000 USD.
Nhiều nhà đầu tư đang đặt dấu chấm hỏi về cách định giá loại đất ảo này. Giá trị thật sự mà các tài sản số này mang lại và tương lai của chúng là vấn đề gây tranh cãi. Dù vậy, vũ trụ ảo vẫn là xu hướng chủ đạo. Các dự án metaverse mới liên tục ra mắt hàng tuần.
Vị trí các mảnh đất trong Sandbox và chủ sở hữu của chúng. Ảnh: Sandbox.
|
Phần lớn doanh thu vẫn tập trung vào “bộ tứ” metaverse là Sandbox, Decentraland, Cryptovoxels và Somnium. 4 dự án này có tất cả 268.645 mảnh đất. Chúng được định giá tùy theo diện tích và lượng tài nguyên có trên mỗi miếng đất.
Sandbox là dự án có nhiều đất nhất với 166.464 mảnh. Mức giá trung bình của một mảnh đất với diện tích 96 m2 là 12.700 USD. Decentraland, dự án metaverse với vốn hóa lớn nhất thị trường tiền số, theo CoinMarketCap, có 90.600 mảnh. Giá trung bình của một khu đất 16 m2 tại đây chạm mốc 14.440 USD.
Các yếu tố quyết định giá cả
CEO Repulic Realm, Janine Yorio nhận định giá bất động sản trong metaverse biến động tùy vào các công trình gắn với mảnh đất đó. “Bạn có thể di chuyển khắp nơi nên vị trí không quan trọng”, bà Yorio cho biết.
Theo CNBC, vị trí của một mảnh đất lại là nhân tố chủ chốt. Công ty Tokens.com đã lập kỉ lục thế giới khi họ quyết định mua khu đất trị giá 2,4 triệu USD nằm ở quận thời trang của vũ trụ ảo Decentraland. Công ty này dự tính sẽ biến khu vực này thành nơi tổ chức sự kiện và bán hàng.
CEO Tokens.com, Andrew Kiguel cho rằng đất ảo sẽ đưa thương mại điện tử lên tầm cao mới. “Chúng tôi đã tư vấn một số công ty nhằm hỗ trợ họ xây dựng phòng họp, làm việc trên metaverse”, ông Kiguel chia sẻ.
Vị CEO cho biết thêm công ty ông đã mua 12 mảnh đất ven sông trong Somnium. Ban lãnh đạo Tokens.com tin rằng chúng sẽ tăng giá vì vị trí đẹp và số lượng có hạn.
Một mảnh đất ven sông trong Somnium. Ảnh: Youtube Somnium.
|
Cơn sốt đất ảo trong thời gian qua khiến cho không ít quan điểm trái chiều, nghi vấn được đặt ra về giá trị thật sự của metaverse.
“Vũ trụ ảo đơn thuần là một mô hình lừa đảo theo dạng kim tự tháp”, Edward Castronova, giáo sư ngành truyền thông tại Đại học Indiana nhận định.
Giữa dòng phản đối từ các nhà đầu tư lão làng, ông Kiguel vẫn lạc quan về metaverse. “Giới trẻ hiện nay có thể nhanh chóng tìm hiểu và đầu tư bất kì loại tài sản nào. Họ không đặt ra nhiều tiêu chuẩn như thế hệ đi trước. Cơn bão token không thể thay thế (NFT) hay công nghệ blockchain là một ví dụ”, ông Kiguel chia sẻ.
Quốc Tú
Zing.vn
|