Thứ Hai, 24/01/2022 15:10

Đằng sau cú rơi đột ngột của Bitcoin

Thay vì coi Bitcoin như "vàng kỹ thuật số", các nhà đầu tư xem tiền mã hóa là tài sản rủi ro. Điều đó khiến giá Bitcoin sụt mạnh theo đà giảm của thị trường chứng khoán.

Theo dữ liệu của CoinMarketCap hôm 24/1 (theo giờ Việt Nam), Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - được giao dịch ở mức 35.000 USD/đồng, giảm nhẹ 0,46% so với 24 giờ trước đó. Đồng tiền vẫn chưa thể trở lại đà tăng sau nhiều ngày sụt giảm mạnh.

Hôm 21/1, giá Bitcoin đã lao dốc một mạch từ ngưỡng cao trong ngày 43.300 USD/đồng xuống hơn 38.000 USD/đồng. Trong những ngày qua, giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin lần lượt mất mốc 800 tỷ USD, 700 tỷ USD rồi bị thu hẹp còn 664 tỷ USD.

Chỉ trong nháy mắt, hơn 1.000 tỷ USD đã bốc hơi khỏi giá trị vốn hóa thị trường của tiền mã hóa. Tổng giá trị vốn hóa thị trường của tiền mã hóa hiện ở mức 1.630 tỷ USD. Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới - chứng kiến mức giảm 25,3% trong 7 ngày qua.

Giá Bitcoin giảm mạnh ảnh 1

Giá Bitcoin chưa thể trở lại đà tăng sau nhiều ngày sụt giảm mạnh. Ảnh: CoinMarketCap.

Áp lực bán tháo

Nói với chúng tôi, chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở London) cho rằng thị trường tiền mã hóa đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi áp lực bán tháo trên thị trường chứng khoán.

“Phố Wall đã không còn tranh luận về việc nên chuyển từ cổ phiếu công nghệ sang cổ phiếu chu kỳ (những cổ phiếu biến động theo xu hướng của nền kinh tế nói chung). Thay vào đó, thị trường ồ ạt bán tháo tất cả”, chuyên gia Moya bình luận.

Theo ông, các nhà đầu tư Phố Wall có hai nỗi lo lắng lớn. “Thứ nhất, áp lực lạm phát dường như không sớm biến mất và có thể Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ trở nên quá mạnh tay trong việc thắt chặt các chính sách tiền tệ”, ông Moya nhận định.

Một nỗi lo ngại khác là kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận dường như đã quá cao và kích hoạt đà bán tháo. “Rủi ro địa chính trị cũng đang ‘đổ thêm dầu’ vào áp lực bán”, ông Moya nhận định.

Giá Bitcoin giảm mạnh ảnh 2

Giá Bitcoin giảm mạnh khi các nhà đầu tư loại bỏ những tài sản rủi ro như cổ phiếu công nghệ và tiền mã hóa ra khỏi danh mục. Ảnh: Reuters.

“Giá Bitcoin lao dốc khi các nhà đầu tư vội vàng loại bỏ những tài sản rủi ro ra khỏi danh mục đầu tư sau khi cổ phiếu trượt giá mạnh”, vị chuyên gia tại Oanda giải thích. Như vậy, thay vì coi Bitcoin là "vàng kỹ thuật số", các nhà giao dịch xem đồng tiền này như một loại tài sản rủi ro.

"Các thị trường tiền mã hóa đã gặp cú sốc lớn trong tháng này", ông Jonathan Padilla - đồng sáng lập của Snickerdoodle Labs - nhận định. Ngay cả những nhà ủng hộ tên tuổi của Bitcoin cũng bắt đầu lo ngại.

Tỷ phú Mike Novogratz - nhà đầu tư tiền mã hóa nổi tiếng - thừa nhận trên Twitter: "Đây sẽ là thời điểm mọi người nhận ra rằng, công việc của một nhà đầu tư không dễ dàng".

Nhưng theo ông, khi giá sụt giảm mạnh, các nhà đầu tư sẽ bắt đầu tìm cơ hội để "mua đáy". "Họ hiểu rằng tiền mã hóa không biến mất. Vì thế, họ phải mua vào trước khi giá tăng trở lại", ông Novogratz nói thêm.

Biến động theo thị trường chứng khoán

Các thông tin tiêu cực liên tục giáng đòn mạnh vào tiền mã hóa. Những cơ quan quản lý từ Nga, Anh, Singapore đến Tây Ban Nha đều đã công bố những biện pháp can thiệp có thể cản trở các doanh nghiệp tiền mã hóa. Kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của FED cũng dẫn đến những đợt tăng lãi suất trong năm nay.

Chỉ số Bloomberg Galaxy DeFi - theo dõi các đồng tiền kỹ thuật số liên quan đến tài chính phi tập trung - đã sụt giảm 14% trong tuần qua.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị một chiến lược lớn đối với các tài sản kỹ thuật số. Washington đã giao cho những cơ quan liên bang nhiệm vụ đánh giá rủi ro và cơ hội mà tiền mã hóa đem lại. Theo nguồn tin của Bloomberg, các thông tin trên đè nặng lên giá của tiền mã hóa.

Khi tất cả tài sản rủi ro đều bị bán tháo, Bitcoin sẽ chứng kiến xu hướng tương tự. Nếu Nasdaq 100 hoặc bất cứ tài sản nào tương tự bắt đầu phục hồi, tiền mã hóa cũng có thể bật tăng trở lại theo.

Ông Art Hogan, chiến lược gia tại National Securities

Theo dữ liệu của Coinglass, chỉ trong vỏn vẹn 24 giờ từ tối 20 đến 21/1, khoảng 290.000 nhà giao dịch đã đóng các vị thế của mình.

"Các nhà đầu tư sẽ cảm thấy lo sợ và bất an. Nếu thị trường chứng khoán chứng kiến một đợt bán tháo lớn hơn, FED có thể lên tiếng để xoa dịu thị trường. Khi đó, Bitcoin và những đồng tiền mã hóa khác có khả năng tăng giá trở lại", ông Antoni Trenchev tại Nexo bình luận.

"Ở thời điểm hiện tại, Bitcoin đang ở vùng nguy hiểm sau khi sụt giảm xuống dưới ngưỡng 40.000 USD/đồng. Biến động giá của Bitcoin không thể đảo chiều nhanh chóng. Tôi không loại trừ khả năng giá Bitcoin rơi xuống ngưỡng 30.000 USD/đồng bởi những thay đổi từ phía FED", ông cảnh báo.

"Tuy nhiên, 30.000 USD/đồng sẽ là mức đáy, ít nhất là trong trung hạn", ông Trenchev nói thêm.

"Khi tất cả tài sản rủi ro đều bị bán tháo, Bitcoin sẽ chứng kiến xu hướng tương tự. Nếu Nasdaq 100 hoặc bất cứ tài sản nào tương tự bắt đầu phục hồi, tiền mã hóa cũng có thể bật tăng trở lại theo", ông Art Hogan - chiến lược gia tại National Securities - nhận định.

Thảo Phương

ZING

Các tin tức khác

>   Bạc mặt vì ... “vàng số” bitcoin (24/01/2022)

>   Những điều cần biết trước khi đầu tư tiền điện tử để khỏi bị sốc (24/01/2022)

>   Liên tục 'bắt đáy' Bitcoin, El Salvador đang lỗ nặng (22/01/2022)

>   Thị trường tiền ảo tuần qua: Bitcoin và Ethereum giảm sâu  (22/01/2022)

>   Thị trường tiền ảo bị bán tháo, Bitcoin về 36,000 USD, Ethereum rớt 20% (22/01/2022)

>   Cuối cùng, Fed cũng bàn chuyện phát hành tiền kỹ thuật số (22/01/2022)

>   Những yếu tố khiến giá Bitcoin mất mốc 40.000 USD (21/01/2022)

>   Bitcoin rớt ngưỡng 40,000 USD (21/01/2022)

>   Bitcoin được dự đoán chạm mốc 400.000 USD nhờ 'siêu chu kỳ' (20/01/2022)

>   Thêm một quốc gia cấm đào Bitcoin do khủng hoảng năng lượng (18/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật