Thứ Bảy, 22/01/2022 14:00

Thị trường tiền ảo tuần qua: Bitcoin và Ethereum giảm sâu 

Bitcoin và Ethereum đồng loạt sụt mạnh trong ngày thứ Bảy (22/01) khi những nỗi lo về đà tăng của lợi suất trái phiếu châm ngòi cho làn sóng rút vốn khỏi các tài sản mang tính đầu cơ cao.

Bitcoin về 36,000 USD, Ethereum và Solana sụt hơn 20%

Đồng Bitcoin đã sụt 15% xuống 36,000 USD vào ngày 22/01, theo CoinMarketCap. Ethereum – đồng tiền kỹ thuật số lớn thứ 2 về vốn hóa thị trường – sụt xuống 2,500 USD. Tính trong tuần qua, Bitcoin giảm hơn 15% và Ethereum lao dốc hơn 22%.

Các đồng tiền khác trong top 10 tiền ảo cũng lao dốc mạnh, trong đó Solana sụt hơn 25%, Terra lao dốc gần 21% và Polkadot mất gần 30%.

Thị trường tiền ảo hòa chung vào đà giảm trên Phố Wall. Các cổ phiếu lớn cũng mất giá, khi chỉ số Nasdaq Composite giảm tới 7.6%, còn S&P 500 giảm 5.7% trong tuần.

Đà tăng của lãi suất đã thôi thúc nhà đầu tư giảm bớt các vị thế ở các tài sản rủi ro. Trước đó trong tuần này, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 1.9%. Fed cũng tiết lộ kế hoạch nâng lãi suất 3 lần và thu hẹp bảng cân đối kế toán.

Một lập luận thường được những nhà đầu cơ Bitcoin sử dụng là Bitcoin được xem như kênh phòng ngừa lạm phát giữa lúc Chính phủ các nước tung ra gói kích thích. Tuy nhiên, các chuyên viên phân tích cho rằng rủi ro ở đây chính là việc Fed trở nên diều hâu hơn có thể kìm hãm lạm phát và tác động tiêu cực tới Bitcoin.

"Tôi có phần hơi thất vọng khi thấy giá Bitcoin không có phản ứng tích cực hơn sau khi lãi suất trái phiếu giảm xuống", Edward Moya, nhà phân tích thị trường tại công ty Oanda nhận định.

Dự đoán của nhiều chuyên gia trong thời gian tới là giá Bitcoin sẽ tiếp tục giảm do những quy định về đầu tư bị thắt chặt tại nhiều nước, cùng với việc siết lãi suất để kiềm chế lạm phát.

NHTW Nga đề xuất cấm tất cả đồng tiền kỹ thuật số

Sau Trung Quốc, tới lượt Ngân hàng Trung ương Nga đề xuất cấm sử dụng và khai thác tiền kỹ thuật số trên lãnh thổ nước này vào ngày 20/1. Lý do được đưa ra là loại tiền này đe dọa đến sự ổn định tài chính, phúc lợi của người dân và chủ quyền chính sách tiền tệ của đất nước.

Giới chức Nga đã nhiều lần tranh cãi về việc cấm tiền mã hóa. Một số quan chức chỉ trích rằng Bitcoin có thể được sử dụng để rửa tiền hoặc tài trợ cho khủng bố.

"Đồng tiền pháp định của Nga liên tục giảm giá trong vài thập kỷ qua. Điều này khiến Bitcoin trở thành một khoản đầu tư hấp dẫn đối với người Nga trong những năm gần đây", ông Moya tại Oanda bình luận.

"Nga nằm trong nhóm ba quốc gia đứng đầu về khai thác Bitcoin. Vì thế, đề xuất được đưa ra đối với tiền mã hóa đã đẩy giá Bitcoin giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 40,000 USD", vị chuyên gia nhận định.

Kosovo thông báo hạn chế đào tiền ảo

Chính phủ Kosovo vừa ra lệnh cấm hoạt động khai thác tiền ảo để xoa dịu tình trạng khủng hoảng năng lượng. Động thái này đã châm ngòi cho làn sóng bán tháo các thiết bị đào tiền ảo.

Từ Facebook đến Telegram, các nhóm tiền mã hóa của Kosovo tràn ngập các bài đăng bán tháo thiết bị khai thác Bitcoin với mức giá thấp.

“Họ đang bán tháo các thiết bị của mình hoặc cố chuyển sang các nước lân cận”, CryptoKapo, nhà đầu tư kiêm quản trị viên của một số cộng đồng tiền mã hóa lớn nhất khu vực nói với Guardian.

Các thợ đào nhắm tới tới Kosovo bởi quốc gia này có giá điện rẻ nhất châu Âu, một phần do hơn 90% sản lượng điện trong nước đến từ việc đốt cháy trữ lượng than non và chính phủ trợ cấp.

Số lượng người khai thác tiền mã hóa ở Kosovo được cho là đã tăng vọt trong những năm gần đây. Các nhóm như Albanian Crypto Amateurs trên Facebook và Crypto Eagles trên Telegram đã bùng nổ với hàng nghìn thành viên mới, mặc dù vẫn chưa rõ có bao nhiêu người đang khai thác hay ở quy mô nào.

Tính toán mới nhất của Đại học Cambridge cho thấy hoạt động khai thác Bitcoin toàn cầu tiêu thụ 125,96 terawatt giờ điện mỗi năm, vượt qua Na Uy (122,2 TWh), Argentina (121 TWh), Hà Lan (108,8 TWh) và các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (113,20 TWh).

Trong khi đó, những ngày cuối cùng của năm 2021 tại Kosovo liên tục xảy ra mất điện trên khắp đất nước. Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, nước này đã phải nhập khẩu khoảng 40% năng lượng từ thị trường quốc tế.

“Đã đến lúc hiểu và giải quyết những tác động lớn về năng lượng và môi trường mà nó đang gây ra đối với cộng đồng và hành tinh của chúng ta”, Chủ tịch ủy ban Frank Pallone và Diana DeGette, người đứng đầu hội đồng giám sát cho biết.

Kể từ khi các nhà chức trách Kosovo đưa ra quyết định, cảnh sát và nhân viên hải quan đã bắt đầu tiến hành các cuộc đột kích thường xuyên, thu giữ hàng trăm máy đào Bitcoin.

“Có rất nhiều người đã đầu tư vào thiết bị khai thác tiền mã hóa và khoản tiền họ bỏ ra không nhỏ. Mọi người thậm chí đã đi vay để đầu tư và tác động bây giờ là rất tồi tệ đối với cuộc sống của họ”, cryptoKapo nói.

Vũ Hạo

FILI

Các tin tức khác

>   Thị trường tiền ảo bị bán tháo, Bitcoin về 36,000 USD, Ethereum rớt 20% (22/01/2022)

>   Cuối cùng, Fed cũng bàn chuyện phát hành tiền kỹ thuật số (22/01/2022)

>   Những yếu tố khiến giá Bitcoin mất mốc 40.000 USD (21/01/2022)

>   Bitcoin rớt ngưỡng 40,000 USD (21/01/2022)

>   Bitcoin được dự đoán chạm mốc 400.000 USD nhờ 'siêu chu kỳ' (20/01/2022)

>   Thêm một quốc gia cấm đào Bitcoin do khủng hoảng năng lượng (18/01/2022)

>   Walmart âm thầm gia nhập thế giới metaverse (18/01/2022)

>   Campuchia và Bakong (18/01/2022)

>   Trung Quốc cấm tiền điện tử nhưng lại theo đuổi NFT (17/01/2022)

>   Thị trường tiền ảo tuần qua: Dogecoin tăng hơn 20% nhờ dòng tweet của Elon Musk (15/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật