Dầu có tháng tăng mạnh nhất trong gần 1 năm
Giá dầu tiếp tục tăng vào ngày thứ Hai (31/01) khi tình trạng nguồn cung thiếu hụt cùng với căng thẳng chính trị ở Đông Âu và Trung Đông đã giúp giá dầu ghi nhận tháng tăng mạnh nhất trong gần 1 năm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent tiến 1.31% lên 91.21 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 1.53% lên 88.15 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent và dầu WTI đều đạt được mức cao nhất kể từ tháng 10/2014 vào ngày 28/01, lần lượt là 91.70 USD/thùng và 88.84 USD/thùng, và đánh dấu 6 tuần leo dốc liên tiếp. Các hợp đồng này đã vọt 17% trong tháng qua, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 02/2021.
“Ngày nay, trên hết là những lo ngại về tình trạng khan hiếm nguồn cung cùng với cuộc khủng hoảng Ukraine đang đẩy giá dầu tăng cao”, Chuyên gia phân tích hàng hóa Carsten Fritsch của Commerzbank nhận định.
Người đứng đầu NATO vào ngày 30/01 nói rằng châu Âu cần đa dạng hóa nguồn cung năng lượng vì Anh đã cảnh báo rằng “rất có thể” Nga đang tìm cách tấn công Ukraine.
OCP Ecuador, nhà điều hành đường ống dẫn đầu thô hạng nặng, đã tạm ngừng bơm dầu thô vào ngày 29/01 như một biện pháp phòng ngừa do đường ống bị vỡ ở Amazon, và bắt đầu làm sạch cũng như sửa chữa.
Thị trường cũng cảnh giác về tình hình ở Trung Đông sau khi Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cho biết đã đánh chặn được một tên lửa đạn đạo do phiến quân Houthi bắn vào khi quốc gia này đón tiếp Tổng thống Israel Isaac Herzog trong chuyến thăm đầu tiên.
Đối với giá dầu, tâm lý tích cực có khả năng chiếm ưu thế trong tuần này, các chuyên gia phân tích cho biết, với kỳ vọng OPEC+ sẽ giữ nguyên chính sách hiện có là tăng dần sản lượng.
Các nhà sản xuất chủ chốt thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+, đã nâng mục tiêu sản lượng mỗi tháng kể từ tháng 8/2021 thêm 400,000 thùng/ngày.
Tại cuộc họp ngày 02/02, OPEC+ có thể sẽ bám sát kế hoạch nâng mục tiêu sản lượng dầu tháng 3/2022, một số nguồn tin chia sẻ với Reuters.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|