Thứ Hai, 14/02/2022 16:46

Đằng sau vụ 'kiện chéo' giữa Quốc Cường Gia Lai và Sunny Island

Từng là đối tác trong nhiều năm, nhưng vướng mắc tại dự án Phước Kiển đã khiến cả Sunny Island và Quốc Cường Gia Lai muốn kéo nhau ra tòa.

* Bà Như Loan: 'Nhiều lần muốn trả lại tiền cho Sunny Island'

Công an TP.HCM cho biết đang phối hợp với VKSND cùng các cấp xác minh đơn thư của Công ty CP Đầu tư Sunny Island, tố cáo Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) có hành vi gian dối chiếm đoạt số tiền 2.882 tỷ đồng.

Đây là số tiền mà Sunny Island ứng trước cho phía Quốc Cường Gia Lai liên quan hợp đồng hứa mua, hứa bán giữa 2 bên tại dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển, huyện Nhà Bè (TP.HCM).

Công ty này tố cáo Quốc Cường Gia Lai đã có nhiều gian dối khi cung cấp thông tin để chuyển nhượng dự án cho Sunny nhằm chiếm đoạt tiền.

Đáng chú ý, cuối năm 2020, chính Quốc Cường Gia Lai cũng đã nộp đơn khởi kiện Sunny Island ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) để yêu cầu công ty này hoàn trả toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ đền bù liên quan dự án Phước Kiển.

Tranh chấp tại dự án Phước Kiển

Thực tế, trước khi vướng vào vụ "kiện chéo" kể trên, Quốc Cường Gia Lai và Sunny Island từng là đối tác quan trọng của nhau. Trong đó, chính khoản tiền mà Sunny ứng trước trong giao dịch thỏa thuận chuyển nhượng dự án Phước Kiển đã giúp Quốc Cường Gia Lai tất toán được hàng nghìn tỷ đồng nợ vay ngân hàng đến hạn giai đoạn 2016-2017.

Cụ thể, trước năm 2016, Quốc Cường Gia Lai từng thế chấp toàn bộ dự án khu dân cư Phước Kiển và một số tài sản khác để vay tiền ngân hàng làm vốn đầu tư cho dự án.

Đến năm 2016, khi các khoản vay ngân hàng này đến hạn trả, tình hình tài chính của Quốc Cường Gia Lai rơi vào khó khăn. Tại thời điểm 31/12/2016, lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền của công ty chỉ vào khoảng 110 tỷ đồng, nhưng nợ vay tài chính ngắn hạn đã lên tới gần 1.700 tỷ đồng.

Để có nguồn tiền trả nợ, tháng 10/2016, công ty này đã ký biên bản thỏa thuận với Sunny Island về việc sẽ chuyển nhượng 100% dự án Phước Kiển cho đối tác.

Quốc Cường Gia Lai bị đối tác tố cáo ảnh 1

Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc HĐQT Quốc Cường Gia Lai. Ảnh: V.Đ.

Theo kế hoạch, việc chuyển nhượng dự kiến hoàn tất trong năm 2017, Sunny khi đó tạm ứng cho Quốc Cường Gia Lai 50 triệu USD như một khoản đặt cọc, số tiền này sẽ được cấn trừ vào giá trị chuyển nhượng dự án trong tương lai.

Đến năm 2017, Sunny tiếp tục thanh toán thêm tiền liên quan giao dịch trên, nâng tổng số tiền 2 bên giao dịch lên hơn 2.882 tỷ đồng.

Trên báo cáo tài chính, Quốc Cường Gia Lai không ghi nhận số tiền này vào báo cáo kết quả kinh doanh như một khoản doanh thu mà lại ghi nhận như một khoản nợ. Nguyên nhân vì tháng 4/2017, hai bên đã thanh lý biên bản thỏa thuận ghi nhớ về việc chuyển nhượng dự án do dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng. Tuy vậy, 2 bên vẫn đang trong quá trình đàm phán để chuyển nhượng.

Quốc Cường Gia Lai sau đó đã dùng số tiền này để tất toán nợ vay với các ngân hàng và phát triển dự án mới. Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai, cho biết hợp đồng ký kết với Sunny có điều khoản nếu đến tháng 10/2017, công ty không giải tỏa xong dự án Phước Kiển thì đối tác sẽ lấy hết khu đất hoặc doanh nghiệp phải đền 100 triệu USD.

Tuy nhiên, dự án sau đó gặp nhiều vướng mắc liên quan thủ tục đầu tư và chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên đến nay vẫn chưa thể triển khai hoặc chuyển nhượng cho Sunny.

Về phía Quốc Cường Gia Lai, ngoài việc khởi kiện đối tác Sunny Island ra VIAC, công ty này nhiều năm gần đây vẫn hạch toán số tiền đã đầu tư tại dự án Phước Kiển vào danh mục hàng tồn kho với giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy dự án hiện vẫn nằm dưới sự kiểm soát của công ty bất động sản này.

Ai đứng sau Sunny Island?

Về phía Sunny Island, dù có thông tin ký kết thỏa thuận với Quốc Cường Gia Lai từ tháng 10/2016, đến tháng 2/2017, công ty này mới chính thức được thành lập với vốn điều lệ 250 tỷ đồng.

Khi đó, công ty có ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản và đặt trụ sở chính tại số 8 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1 (TP.HCM), là tòa nhà văn phòng cho thuê VTP Office Service Center của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Công ty có 3 cổ đông sáng lập là ông Chang Ly (người Việt gốc Hoa) góp 40% và 2 cổ đông Văn Kim Phụng, Nguyễn Ngọc Hiền, mỗi người góp 30%. Trong đó, ông Chang Ly là người đại diện theo pháp luật kiêm tổng giám đốc.

Quốc Cường Gia Lai bị đối tác tố cáo ảnh 2

Dự án Khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè (TP.HCM) rộng hơn 90 ha là nguyên nhân chính khiến Quốc Cường Gia Lai và đối tác Sunny Island kiện nhau. Ảnh: Lê Quân.

Đến tháng 5/2017, công ty tiến hành tăng vốn lên 1.900 tỷ đồng. Nhưng sau đó không lâu (tháng 2/2018), cả 3 cổ đông sáng lập đều thoái toàn bộ vốn.

Vai trò người đại diện theo pháp luật, chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty cũng được chuyển cho ông Nguyễn Ngọc Thuỷ, Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (công ty thành viên của Tập đoàn Him Lam). Hai thành viên HĐQT còn lại bao gồm ông Phạm Duy Lâm và Hồ Quốc Minh.

Sau khi chuyển giao vai trò lãnh đạo này, Sunny tiến hành tăng vốn lên 2.935 tỷ đồng với 100% vốn tư nhân, không có vốn nước ngoài.

Trong thời gian sau đó, vị trí lãnh đạo công ty tiếp tục ghi nhận thay đổi khi ông Hồ Quốc Minh lên làm chủ tịch kiêm tổng giám đốc và 2 thành viên HĐQT là ông Văn Đình Thăng cùng bà Lê Thị Diên.

Đến tháng 7/2020, ban lãnh đạo công ty này tiếp tục thay đổi với việc ông Nguyễn Công Thái trở thành người đại diện pháp luật kiêm tổng giám đốc. Hai thành viên HĐQT cũng được chuyển giao cho ông Huỳnh Thiên Phúc và Quách Tuấn Hải.

Thời điểm đó, ông Thái đang phụ trách sàn giao dịch bất động sản Sunny World của Công ty CP Đầu tư và phát triển Sunny World (doanh nghiệp có liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).

Đến tháng 10 cùng năm, Sunny Island tiếp tục thay đổi người đại diện pháp luật kiêm tổng giám đốc sang ông Nguyễn Hữu Trận.

Theo cập nhật mới nhất, vị trí chủ tịch HĐQT Sunny Island hiện vẫn do ông Nguyễn Công Thái đảm nhận và hai thành viên HĐQT là ông Quách Tuấn Hải, Huỳnh Thiên Phúc. Tuy nhiên, trụ sở chính công ty đã chuyển về số 66A Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM.

Trên thị trường, ngoài giao dịch liên quan việc nhận chuyển nhượng dự án Phước Kiển từ Quốc Cường Gia Lai thì nhiều năm trở lại đây Công ty Sunny Island chưa có hoạt động kinh doanh nào. Hiện tại, số lượng nhân sự của doanh nghiệp cũng chỉ bao gồm 8 người.

Quang Thắng

ZING

Các tin tức khác

>   Biến bãi đất hoang thành dự án 'ma' chiếm đoạt hàng chục tỷ của khách hàng (14/02/2022)

>   Chủ dự án Tân Việt Phát 2 khiến loạt cựu quan chức tỉnh Bình Thuận 'xộ khám' là ai? (14/02/2022)

>   Đề xuất đầu tư công 17.800 tỷ đồng làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (14/02/2022)

>   Bất thường dự án 'biến' sân golf thành khu đô thị ở Bình Thuận (14/02/2022)

>   Bà Như Loan: 'Nhiều lần muốn trả lại tiền cho Sunny Island' (13/02/2022)

>   Công ty Quốc Cường Gia Lai bị tố chiếm đoạt 2.882 tỷ (11/02/2022)

>   Ngân sách dự kiến dành 92.600 tỷ đồng từ chương trình phục hồi đầu tư 8 tuyến cao tốc (11/02/2022)

>   Cựu chủ tịch tỉnh Bình Thuận bị bắt vì liên quan sai phạm đất đai (10/02/2022)

>   Đề xuất xây dựng đề án để xử lý dự án treo (09/02/2022)

>   FLC muốn triển khai gần 25 dự án bất động sản mới trong 2022 (03/02/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật