Vay gói hỗ trợ kinh tế đổ vào bất động sản, chứng khoán 'rất nguy hiểm'
Các đại biểu Quốc hội đề nghị gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế với trị giá gần 350.000 tỉ đồng của Chính phủ phải có cam kết đầu ra cụ thể; đồng thời, phân bổ nguồn lực cần tập trung, hiệu quả.
Cần cam kết cụ thể về kết quả đạt được
Hôm nay 7.1, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận trực tuyến về các chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
|
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại hội trường Quốc hội. Gia Hân
|
Là đại biểu đầu tiên phát biểu, bà Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, đề nghị các chính sách cần được cụ thể hóa, ràng buộc trách nhiệm nhiều hơn.
"Mục tiêu cốt yếu của gói phục hồi này là chấp nhận bội chi, đi vay để sau thời hạn nhất định thu hồi được chi phí lớn hơn. Vì thế, vấn đề cốt lõi mà đề án cần trả lời là với hơn 346.000 tỉ đồng thì chúng ta sẽ thu được kết quả gì? Với mục tiêu như vậy đề án phải quy định rõ được kết quả nguồn lực đầu vào, hiệu quả đầu ra", bà Mai phân tích, và cho rằng những vấn đề trên chưa được cụ thể hóa trong tờ trình của Chính phủ.
"Cần đưa ra cam kết cụ thể, có thể là sản phẩm hữu hình, vô hình nhưng phải tính toán được", bà Mai nói, và cho rằng nếu không cam kết về kết quả đạt được thì khó có thước đo chính xác đánh giá kết quả thực tế sau này.
Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cũng đề nghị cần có nguyên tắc và tiêu chí cụ thể trong phân bổ nguồn lực, trong đó, tập trung vào những ngành nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh và những ngành nghề có ý nghĩa tăng trưởng quan trọng.
“Chúng ta không chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay để đầu tư cho những mục tiêu chưa thực sự cấp bách”, bà Mai nhấn mạnh.
Tránh đi vay ưu đãi để đầu tư bất động sản, chứng khoán
Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá) cũng nhấn mạnh đây là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với dự kiến gần 350.000 tỉ đồng, và đề nghị cần làm rõ huy động trong nước là bao nhiêu, vay nước ngoài là bao nhiêu.
Theo ông Hải, vay trong nước nên là chính, bởi vay nước ngoài với những điều kiện ràng buộc không hề dễ dàng.
Ông Hải cũng lưu ý cần có cơ chế kiểm soát chặt dòng tiền, tránh tình trạng đi vay lãi suất thấp nhưng lại không đưa vào sản xuất kinh doanh, lại đầu tư vào bất động sản, chứng khoán. "Điều này rất nguy hiểm, làm suy giảm nền kinh tế", ông Hải nêu.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) thì đề nghị áp dụng chính sách chi trực tiếp cho công tác phòng, chống dịch, nên đầu tư y tế cơ sở, tăng thu nhập cho nhân viên y tế nơi tuyến đầu.
Việc miễn giảm thuế, phí cho doanh nghiệp, theo đại biểu Hòa, là phù hợp trong bối cảnh hiện nay, nhưng ông Hòa đề nghị cần quy định cụ thể đối tượng nào, doanh nghiệp nào.
“Chúng ta nên tập trung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có sức lan toả rộng”, ông Hoà nói, đồng thời đề nghị giám sát chặt đối tượng vay vốn, không để xảy ra tình trạng mất vốn vì đối tượng vay không có khả năng chi trả.
“Hỗ trợ lãi suất cần tập trung cho đối tượng có tính lan toả, đặc biệt chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân”, ông Hoà đề nghị.
Lê Hiệp
Thanh niên
|