Trung Quốc lo xuất khẩu chững lại khi nước ngoài giảm kích thích kinh tế
Một quan chức thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo làn sóng rút lại gói kích thích nhanh chóng ở một số quốc gia có thể kéo giảm xuất khẩu của Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo hôm 25/01 ở Bắc Kinh, ông Li Xingqian, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết triển vọng thương mại quốc tế trong năm nay trở nên u ám vì nhu cầu có thể suy giảm. Điều này là do đà phục hồi kinh tế toàn cầu có thể mất xung lực trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan mạnh, lao động thiếu hụt, các chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn và lạm phát tăng cao.
“Các rủi ro hệ thống trên toàn cầu đang gia tăng do đà phục hồi kinh tế không đồng đều”, ông nói. “Việc một số nước rút lại các chính sách kích thích kinh tế quá nhanh có thể kéo giảm nhu cầu, gây biến động giá cả hàng hóa và từ đó, ảnh hưởng đến ngành công nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc”.
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng gần 30% trong năm 2021, đồng thời lập kỷ lục mới giữa lúc nhu cầu toàn cầu tăng mạnh. Các nhà máy ở Trung Quốc đã phải vận hành hết tốc lực để đáp ứng nhu cầu đó. Điều này còn do hoạt động sản xuất ở các nước khác bị gián đoạn vì dịch bệnh.
Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu được dự báo sẽ chậm lại trong năm nay vì mức nền cao của năm 2021 và khả năng suy giảm nhu cầu về các thiết bị công nghệ và y tế khi các nước khác trở về mẫu hình tiêu dùng bình thường.
Vị quan chức thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc cũng lo ngại xuất khẩu bị đe dọa bởi các nước phát triển đang thúc đẩy các tập đoàn của họ đưa dây chuyền sản xuất về nước, chi phí nguyên liệu tăng, các tuyến đường vận chuyển hàng hóa bị tắc nghẽn và tình trạng thiếu hụt các linh kiện quan trọng như chip bán dẫn.
“Việc các nền kinh tế phát triển tìm cách đưa các ngành sản xuất trở về nước nhà đang phân chia thị trường và giảm hiệu quả của việc phân bổ nguồn lực toàn cầu”, ông cho biết. Các nhà xuất khẩu nhỏ của Trung Quốc đang chịu sức ép vì chi phí tăng mạnh hơn và lợi nhuận đứng im dù doanh thu tăng, ông nói thêm.
Dù vậy, Chính phủ Trung Quốc vẫn tự tin tăng trưởng thương mại của năm 2022 vẫn được giữ trong phạm vi “hợp lý” nhờ mở rộng sang các thị trường mới. Ngoài ra, việc tăng tín dụng cho các nhà xuất khẩu cũng sẽ củng cố khả năng đối phó với rủi ro ngoại hối của các công ty, ông Li cho biết.
Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc cũng cảnh báo tác động của việc nâng lãi suất quá mạnh và quá nhanh. Ông nói rằng các biện pháp này có thể đe dọa ổn định tài chính toàn cầu.
"Nếu các nền kinh tế lớn hãm phanh hoặc đảo chiều chính sách tiền tệ quá nhanh, hậu quả sẽ nghiêm trọng", ông nói, "Điều này sẽ gây ra thách thức với ổn định tài chính và kinh tế toàn cầu. Các nước đang phát triển sẽ phải nhận gánh nặng này".
Tháng trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu rằng có thể tăng lãi suất ba đợt vào năm 2022, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố sẽ chấm dứt chương trình mua trái phiếu để kích thích kinh tế vào tháng 3 tới. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất vào tháng trước. Các ngân hàng trung ương ở Đông Âu và Mỹ Latinh cũng đã mạnh tay tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát.
Trong khi đó, Trung Quốc – nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng dương năm 2020 – lại đi theo hướng hoàn toàn khác biệt. Nước này đang tăng trưởng chậm lại và phải đối phó với nhiều thách thức về duy trì đà tăng trong bối cảnh vẫn phải áp dụng chính sách zero Covid.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) vì thế đang phải nới lỏng chính sách. Hôm 17/01, PBoC hạ lãi suất cho vay trung hạn lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020. Tháng trước, họ cũng hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất cho vay cơ bản.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|