Thứ Năm, 20/01/2022 09:28

Thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng, ngành mía đường ngày càng bị co hẹp

Diện tích sản xuất mía giảm 45,1% từ hơn 274.000ha trong niên vụ 2016-2017 xuống còn trên 150.000ha hiện nay; số hộ nông dân trồng mía cũng giảm 42,5% từ gần 219.500 hộ xuống còn trên 126.200 hộ.

Người dân thu hoạch mía ở tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)

Từ khi Việt Nam xoá bỏ quy định về hạn ngạch và giảm thuế nhập khẩu đường xuống mức thấp 5% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ ngày 1/1/2020, sản xuất, chế biến mía đường có sự sụt giảm sâu. Điều này cho thấy, ngành mía đường thiếu sự chuẩn bị kỹ càng trước khi mở cửa và đã dẫn tới sự thất thế của ngành mía đường trong nước.

Diện tích sản xuất mía giảm 45,1%, từ 274.340ha niên vụ 2016-2017 xuống còn 150.689ha hiện nay. Năng suất mía cũng giảm 5,1%, từ 64,8 tấn/ha vụ 2016-2017 xuống 61,5 tấn/ha. Cùng với đó, số lượng hộ nông dân trồng mía giảm 42,5%, từ gần 219.500 hộ vụ 2016-2017 xuống còn trên 126.200 hộ.

Theo báo cáo của các nhà máy đường, vụ ép 2020-2021, sản lượng mía nguyên liệu tiêu thụ, đưa vào chế biến chỉ đạt 6.739.417 tấn mía (so với dự kiến đầu vụ là 7.498.060 tấn của các nhà máy đường). Đây là vụ có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất trong 20 vụ gần đây, dẫn đến số lượng nhà máy hoạt động thấp nhất, chỉ còn 25 nhà máy hoạt động.

Trong khi đó, sau khi ngành mía đường Việt Nam chính thức thực hiện cam kết trong Hiệp định ATIGA, lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN bắt đầu tăng lên đột biến. Lượng đường nhập khẩu năm 2020 tăng 338,3%, từ 362.577 tấn năm 2019 lên hơn 1,589 triệu tấn. Cũng bởi, khả năng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu đường sử dụng trong chế biến.

Ông Cao Anh Đương - Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, các con số trên cho thấy ngành mía đường Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng đối với hội nhập.

Theo ông Cao Anh Đương, ngành mía đường vẫn còn thiếu các chính sách, hoặc các chính sách chưa đủ mạnh, chưa hiệu quả nhằm khuyến khích áp dụng cơ giới hóa, cải thiện giống mía và quy trình canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành mía ở những vùng có lợi thế, duy trì và mở rộng diện tích trồng mía, đảm bảo nguồn cung cho chế biến đường.

Thiếu quy hoạch/định hướng gắn kết vùng trồng mía nguyên liệu với phát triển hệ thống nhà máy chế biến đường. Hay việc chưa kiểm soát tốt tình trạng nhập lậu và gian lận thương mại xuyên biên giới các sản phẩm đường. Đặc biệt là thiếu định hướng phát triển nguồn mía nguyên liệu chất lượng cao.

Các chính sách quản lý ngành mía đường của Nhà nước còn mang tính tình thế, nhiều bất cập, rời rạc và thiếu đồng bộ, chưa tạo được sự cân bằng đối với các quốc gia láng giềng. Hiện còn thiếu chính sách về tỷ lệ chia sẻ lợi ích giữa nông dân và nhà máy cũng như chính sách kiểm soát giá mía, đường và sự minh bạch trong phân tích xác nhận chữ đường và tỷ lệ tạp chất.

Các địa phương vùng trồng mía nguyên liệu không hoặc chưa quan tâm đến việc xây dựng vùng sản xuất mía đường tập trung, thúc đẩy hình thành hợp tác xã nhằm liên kết với nhà máy chế biến.

Các cơ chế chính sách của địa phương chưa có những ưu tiên nguồn vốn để hỗ trợ phát triển cơ giới hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hoàn thiện tổ chức sản xuất mía và chuỗi sản xuất đường. Mối liên kết cung cấp mía nguyên liệu giữa hộ trồng mía và doanh nghiệp chế biến cũng thiếu vắng vai trò của chính quyền địa phương trong giám sát việc hiệp thương giá mua mía đầu mỗi vụ chế biến.

Sự yếu thế của cây mía còn được ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends chỉ ra, cây mía chỉ có thể cạnh tranh về tiếp cận đất đai với cây ngô ở vùng núi phía Bắc. Còn ở tất cả các vùng khác còn lại, cây mía đều ở thế cạnh tranh yếu hơn các cây trồng khác.

Nếu tình hình thị trường, giá đường, giá mía được cải thiện, thì ngoài vùng núi phía Bắc, cây mía có thể cạnh tranh được với cây ngô, sắn ở vùng miền Trung-Tây Nguyên và cây cao su ở vùng Đông Nam bộ trên cùng loại đất.

Ngoài ra, do giá đường thế giới và trong nước xuống thấp, các nhà máy đường hạ giá mua mía “đột ngột” từ gần 1 triệu đồng/tấn trong niên vụ 2016-2017 xuống chỉ còn trung bình 800.000 đồng/tấn trong niên vụ 2018-2019. Kết quả là từ niên vụ 2019-2020 nông dân giảm mạnh đầu tư, chăm sóc, khiến năng suất mía sụt giảm mạnh, kéo theo hiệu quả sản xuất đường giảm theo.

Để ngành mía đường nâng cao sức cạnh tranh, hướng tới sự phát triển bền vững, theo ông Cao Anh Đương cho rằng, với ngành mang tính chất đặc thù như ngành mía đường, việc xây dựng liên kết chuỗi không chỉ đơn giản là nhà máy và hộ dân trồng mía mà còn đòi hỏi vai trò quan trọng của Nhà nước. Cần đảm bảo lợi ích của người dân ở mức từ 60-70%. Mô hình về tỷ lệ phân chia này đã thành công tại các quốc gia như Thái Lan, Philippines và Indonesia.

Sản xuất, chế biến mía đường có sự sụt giảm sâu từ khi Việt Nam xoá bỏ quy định về hạn ngạch và giảm thuế nhập khẩu đường xuống mức thấp 5% theo ATIGA, từ đầu năm 2020. (Ảnh: Nguyễn Thị Vân/TTXVN)

Việc nâng cao sức cạnh tranh cho khâu sản xuất cần đảm bảo tăng năng suất và chất lượng mía. Điều này đòi hỏi các cơ chế chính sách mới tập trung vào khâu giống, kỹ thuật canh tác, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh và công nghệ trong khâu trồng trọt và chăm sóc.

Nâng cao cạnh tranh trong khâu chế biến đòi hỏi các hoạt động cạnh tranh của các nhà máy và hệ thống thương lái lành mạnh và minh bạch hơn. Chính quyền địa phương có thể đưa ra các quy định với sự tham vấn đầy đủ của các bên liên quan trong các hoạt động thu mua chế biến.

Với tình trạng đường nhập lậu vẫn diễn ra phổ biến, quy mô lớn, ông Cao Anh Đương cho rằng, các cơ chế kiểm tra giám sát cả ở cấp trung ương và địa phương cần quyết liệt hơn, bao gồm cả việc xử phạt nghiêm minh đối với các hình thức vi phạm, kể cả đối với cán bộ quản lý.

Ông Tô Xuân Phúc cho rằng, nếu không tạo được lợi thế cạnh tranh trong tương lai có thể làm cho ngành sản xuất mía đường của Việt Nam khó tồn tại. Nếu điều này xảy ra, Việt Nam sẽ giống như một số nước sẽ phụ thuộc vào đường nhập khẩu.

Để ngành mía đường Việt Nam tồn tại, ngành cần phải có những thay đổi vĩ mô, nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Cây mía có thể được ưu tiên phát triển không phải ở tất cả các vùng mà chỉ nên phát triển ở những nơi mía có lợi thế cạnh tranh với các loại cây trồng khác./.

Bích Hồng

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Gần 55% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có lãi trong năm 2021 (19/01/2022)

>   Ngành nào sẽ được hưởng lợi từ gói 350.000 tỉ đồng phục hồi kinh tế? (19/01/2022)

>   Nhà đầu tư Nhật Bản ở Việt Nam: Chuyển dần sang sản phẩm giá trị gia tăng cao (19/01/2022)

>   Đề xuất công bố mở cửa biên giới với quốc tế từ ngày 1-5 (19/01/2022)

>   Doanh nghiệp TP.HCM phải từ chối nhiều đơn hàng (19/01/2022)

>   Hỗ trợ 36 triệu USD tăng cường năng lực cạnh tranh cho khu vực tư nhân Việt Nam (19/01/2022)

>   Tướng Lê Quốc Hùng: Vụ Công ty Việt Á "rất nhiều đối tượng liên quan" (18/01/2022)

>   Năm 2022 ngành cảng biển và logistics có gì đáng chú ý? (18/01/2022)

>   Một nửa Singapore (18/01/2022)

>   Làm gì để điện gió không… bay đi? (18/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật