Một nửa Singapore
Các thước đo cơ bản cho thấy, Bình Dương là địa phương thành công nhất Việt Nam về thu hút đầu tư và phát triển kinh tế trong thời kỳ đổi mới của Việt Nam. Bình Dương đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự thành công trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, thành công này cũng chỉ bằng “một nửa Singapore”, trong khi các nước đi trước đã có thể tạo ra “nhiều Singapore” với khoảng thời gian và bối cảnh tương tự.
Quốc lộ 13 (đại lộ Bình Dương) – tuyến đường huyết mạch của Bình Dương. Ảnh: H.P
|
Ấn tượng Bình Dương
“Chúng tôi rất cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam đã giúp chúng tôi đạt được tham vọng xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của mình. Kế hoạch đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng sản xuất năng lượng tái tạo và phương pháp hợp tác để làm việc với các công ty nước ngoài đang tìm cách đầu tư chất lượng cao, là một trong những yếu tố khiến chúng tôi quyết định xây dựng ở đây”.
Đó là phát biểu của Tổng giám đốc Vận hành của LEGO (hãng sản xuất đồ chơi số 1 thế giới, xếp hạng 14 trong danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới của Fortune) khi họ quyết định đầu tư nhà máy hơn 1 tỉ đô la Mỹ theo công nghệ tiên tiến nhất thế giới tại Bình Dương vào năm 2021.
Dự án của LEGO là minh chứng cho thấy Trung tâm công nghiệp Bình Dương đã đáp ứng các yêu cầu khắt khe bậc nhất thế giới.
Không chỉ thế, ở thời điểm đánh dấu 25 năm tái lập một số tỉnh (năm 2022) và gần bốn thập niên đổi mới, dựa vào các thước đo cơ bản, có thể khẳng định Bình Dương là địa phương thành công nhất Việt Nam về thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.
Thứ nhất, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của Bình Dương xếp vị trí số 1 của cả nước. Đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất đo lường sự phát triển.
Cơ chế đặc thù nên trao cho các ý tưởng mang tính chiến lược và đột phá như: trung tâm tài chính cho TPHCM, đô thị trung tâm 4.0 (khu thương mại tự do kiểu mới) cho Hải Phòng, thành phố trực thuộc trung ương 4.0 cho Bình Dương.
|
Thứ hai, là nơi đất lành chim đậu. Sức hút của một địa phương được đo bằng lựa chọn sinh sống của người dân. Từ năm 1997 đến nay, dân số của tỉnh đã tăng gần 300% hay hơn 2 triệu người đã chọn Bình Dương làm nơi cư ngụ. Tốc độ tăng trưởng dân số của Bình Dương trong 25 năm qua lên đến 5,6%/năm, cao hơn hẳn 62 địa phương còn lại.
Thứ ba, là nơi lựa chọn của các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Cho dù dân số chỉ bằng chưa đến 30% TPHCM và 33% Hà Nội, nhưng lũy kế vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hút được đến hết năm 2021 đã hơn 37 tỉ đô la Mỹ, bằng 75% TPHCM và cao hơn Hà Nội. Số doanh nghiệp đăng ký hoạt động đến hết năm 2021 là gần 50.000, chỉ thấp hơn TPHCM và Hà Nội.
Thứ tư, là trung tâm sản xuất công nghiệp tinh vi và hiện đại bậc nhất Việt Nam với nhiều doanh nghiệp thành công, có năng lực cạnh tranh cao. Bình Dương là số ít các địa phương có nhiều nhà máy hay cơ sở sản xuất “tỉ đô” với công nghệ hiện đại. LEGO cũng chỉ là một trong số đó. Đặc biệt, Bình Dương có các doanh nghiệp rất thành công ở cả ba loại hình (nhà nước, ngoài nhà nước và FDI). Đây là nhân tố rất giống Singapore.
Sau hơn ba thập niên đổi mới, “Phố Đông” hay “đặc khu kinh tế” thành công của Việt Nam không phải là Thủ Thiêm như được kỳ vọng mà là Bình Dương.
Sự thành công của Bình Dương xuất phát từ cách làm sáng tạo và riêng có của mình. Trong đó, sự chung lưng đấu cật giữa chính quyền và các doanh nghiệp đóng vai trò then chốt. Từ lúc khởi đầu, chính quyền đã cùng các doanh nghiệp bàn tính về những cách thức xây dựng các cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư. Dự án BOT đường quốc lộ 13 vào thập niên 1990 là một ví dụ điển hình. Điều này vẫn đang được duy trì rất tốt tại Bình Dương hiện nay.
Xét về điều kiện và cơ chế đặc thù, so với các địa phương khác, Bình Dương có thể nói thuộc nhóm bất lợi nhất. Các thành phố trực thuộc trung ương có các nghị quyết của Bộ Chính trị với các cơ chế cao hơn. Các địa phương khó khăn, chậm phát triển có thể nhận được các cơ chế hay chính sách khuyến khích riêng. Bình Dương rất yếu thế trong việc xin được cơ chế đặc thù vì suy cho cùng, chẳng có lý do nào cả – không được chọn là địa phương động lực, cũng không khó khăn.
Chính quyền đã đồng hành cùng các doanh nghiệp để tạo ra “đặc khu kinh tế” Bình Dương. Môi trường kinh doanh thuận lợi với các hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực được đáp ứng. Bình Dương thuộc số ít các địa phương ở Việt Nam có thể khai thác tốt các giá trị từ đất để đầu tư hạ tầng và phát triển bằng việc xây dựng các khu công nghiệp và đô thị đồng bộ và quy mô. Kết quả Bình Dương xếp hạng nhất về chỉ số cơ sở hạ tầng trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Việt Nam đã có thể làm tốt hơn
So với thế giới, những thành công trong phát triển kinh tế của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay là rất ấn tượng. Tuy nhiên, so với chu kỳ 3-4 thập kỷ vàng son của các nước/vùng lãnh thổ trong khu vực, thì Việt Nam còn có thể làm tốt hơn rất nhiều. Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan với dân số từ vài chục triệu người trở lên đã có những giai đoạn tăng trưởng và phát triển rất ấn tượng. Và Trung Quốc là một so sánh cận cảnh hơn để cho thấy Việt Nam đã có thể làm tốt hơn.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, vào năm 1990, GDP bình quân người tính theo ngang bằng sức mua với giá cố định năm 2017 của Trung Quốc và Việt Nam lần lượt là 1.424 đô la và 1.673 đô la; và hai con số này vào năm 2020 lần lượt là 16.316 đô la và 8.200 đô la. Như vậy từ cao hơn gần 20% vào năm 1990, sau ba thập niên, Việt Nam chỉ còn bằng một nửa Trung Quốc.
Thành công của Trung Quốc xuất phát từ quyết định mở cửa và cải cách kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 1978 dưới sự lãnh đạo của ông Đặng Tiểu Bình.
Vào lúc bấy giờ, ông Đặng đã rất ấn tượng về mô hình Singapore. Trong một chuyến thăm để học hỏi kinh nghiệm, ông Đặng đã nói với ông Lý Quang Diệu rằng, để có thể thành công, Trung Quốc phải làm được rất nhiều Singapore. Kết quả, sau hơn bốn thập niên, Trung Quốc đã tạo ra được rất nhiều Singapore.
Trái lại, sự thành công của Bình Dương là rất ấn tượng, nhưng cũng chỉ bằng một phần nhỏ của Singapore (tạm gọi là một nửa về quy mô dân số), trong khi thu nhập và trình độ phát triển vẫn còn rất xa). Hơn thế, sự thành công của các địa phương có điều kiện tốt hơn như TPHCM và Hà Nội còn khiêm tốn hơn.
Đầu thập niên 1990, ông Lý Quang Diệu đã tư vấn cho chúng ta. Ông đã nhận xét rất thẳng rằng, vào năm 1975, TPHCM tương đương với Bangkok (Thái Lan), nhưng đến nay (1992), đã tụt hậu hai thập kỷ.
Điều đáng quan tâm là giờ đây (năm 2022), khoảng cách về phát triển giữa TPHCM và Bangkok vẫn chưa thể rút ngắn. Năm 2019, dân số và GDP và GDP/người tính theo sức mua tương đương của Bangkok lần lượt là 8,9 triệu, 574 tỉ đô la và 55.000 đô la; các con số tương ứng của TPHCM lần lượt là 9 triệu người, 190 tỉ đô la và 21.000 đô la. Nếu trong hai thập niên tới, GDP/người của Bangkok chỉ tăng 3%/năm thì TPHCM phải tăng đến 8%/năm (mức rất cao) mới có thể đuổi kịp. Thêm vào đó, khoảng cách về các hạ tầng thiết yếu như sân bay quốc tế, hệ thống tàu điện ngầm, hệ thống đường cao tốc… cũng trên dưới hai thập kỷ.
Những gì mà TPHCM và Hà Nội, hai địa phương có điều kiện và nền tảng tốt nhất Việt Nam làm được trong hơn ba thập niên qua là rất bình thường. Do vậy, khoảng cách giữa hai đô thị dẫn đầu của Việt Nam với các đô thị trong khu vực vẫn còn rất lớn.
Công thức cho sự thành công
Có một công thức chung ở những nơi đã thành công như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Trung Quốc. Các dự án chiến lược được lựa chọn và chỉ đạo trực tiếp từ lãnh đạo quốc gia với sự tham gia tích cực của các lãnh đạo địa phương hay doanh nghiệp; và chính quyền trung ương chủ động tạo ra các chính sách để các địa phương có thể phát huy, cùng thi đua hay cạnh tranh vươn lên.
Trái lại, Việt Nam không theo cách làm nêu trên mà các sáng kiến hay ý tưởng thường để các địa phương tự xoay sở trong những chiếc áo cơ chế chật cứng. Trong suốt thời kỳ đổi mới, các dự án hay chương trình thành công mang dấu ấn rõ nét của lãnh đạo quốc gia như Đường dây 500 KV là rất hiếm. Do vậy, các kết quả thường chỉ ở một mức độ vừa phải và cái áo cơ chế ngày càng bất cập mà Bình Dương là một điển hình.
Thêm vào đó, việc cho các cơ chế đặc thù cho từng địa phương theo kiểu “cơi nới” không phải là một cách thức hay. Nó là cơ chế xin cho với nhiều hệ lụy. Các cơ chế phải được triển khai và áp dụng ngay chứ không nên cho rồi các địa phương về nghiên cứu mãi chẳng ra như một số loại thuế và phí cho TPHCM theo Nghị quyết 54 của Quốc hội và gần đây là các địa phương khác.
Để có thể trở thành nước phát triển vào năm 2045, Việt Nam cần có các chính sách mang tầm chiến lược để những địa phương đi đầu có thể thành công như Singapore và các địa phương đi sau có được sự thành công như Bình Dương hiện nay trong hơn hai thập niên tới. Cơ chế đặc thù nên trao cho các ý tưởng mang tính chiến lược và đột phá như: trung tâm tài chính cho TPHCM, đô thị trung tâm 4.0 (khu thương mại tự do kiểu mới) cho Hải Phòng, thành phố trực thuộc trung ương 4.0 cho Bình Dương.
Ta đã không tận dụng tốt các cơ hội trong ba thập kỷ qua, nếu không chỉnh sửa cách làm, ba thập kỷ nữa sẽ trôi đi rất nhanh.
Huỳnh Thế Du
TBKTSG
|