3 đề án quan trọng sẽ được trình trong năm 2022
“Trong năm 2022, Ban Kinh tế Trung ương sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương 3 đề án quan trọng”- Thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 (ngày 13/1/2022 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức).
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Văn Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; các đồng chí đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương. Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng các bộ ban kinh tế T.Ư tham dự.
Thực hiện những nhiệm vụ quan trọng
Năm 2021, Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thành 03 đề án trình Bộ Chính trị: Thứ nhất, Đề án “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Thứ hai là Đề án "Tổng kết thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020".
Trung du và miền núi Bắc bộ là vùng lõi nghèo của cả nước, vì vậy, yêu cầu ngoài việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW thì việc tham mưu ban hành Nghị quyết mới phải thể hiện được các chủ trương, đường lối, quan điểm, mục tiêu mới, nhất là phải có những chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ trong tình hình mới. Sau một thời gian quyết liệt triển khai, đến nay Bộ Chính trị đã thông qua và nhất trí ban hành Nghị quyết mới vào đầu năm 2022.
Đề án thứ ba đó là “Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Sau hơn 4 tháng triển khai quyết liệt trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với Tỉnh ủy Khánh Hòa, các ban, bộ, ngành tiến hành tổng kết Kết luận số 53-KL/TW, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Đặc biệt, với yêu cầu bức thiết của các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương về việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Ban Kinh tế Trung ương được giao là cơ quan Thường trực xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" (Nghị quyết 19-NQ/TW).
Trên cơ sở đó tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về chính sách, pháp luật đất đai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, bộ phận quan trọng nhất của lãnh thổ quốc gia gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của cả dân tộc; là không gian sinh tồn, sinh sống của các cộng đồng dân cư gắn liền với từng gia đình, mọi người dân; là nguồn lực to lớn để phát triển đất nước, tư liệu sản xuất đặc biệt tham gia vào tất cả các lĩnh vực hoạt động phát triển kinh tế, đời sống xã hội.
3 Đề án trình BCH T.Ư trong năm 2022
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, năm 2021, Ban có một khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm rất cao để thực hiện và hoàn thành có chất lượng các đề án.
Trưởng Ban Kinh tế T.Ư cũng cho rằng, các nội dung công tác xây dựng Đảng được triển khai nghiêm túc, toàn diện. Các hoạt động đoàn thể được quan tâm triển khai. Tham mưu thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế bằng những hình thức phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại cơ quan, đơn vị được chủ động triển khai.
Cụ thể, ông Trần Tuấn Anh nêu rõ, năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Đồng chí đề nghị Ban Kinh tế Trung ương cần phải tiếp tục nỗ lực để cùng cả hệ thống chính trị cụ thể hóa các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra; tăng cường công tác tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế thế giới, khu vực nói chung và nước ta nói riêng được dự báo sẽ còn có những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, riêng trong năm 2022, Ban Kinh tế Trung ương sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương 03 đề án quan trọng như: (1) Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại" (trình Hội nghị Trung ương 5- tháng 5/2022); (2) Đề án "Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" (trình Hội nghị Trung ương 5 - tháng 5/2022); (3) Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (trình Hội nghị Trung ương 6 - tháng 10/2022).
Minh Anh
Tiền phong
|