Năm mới bàn chuyện cũ mà không cũ
Có lẽ không ít người từng bị ám ảnh bởi tin nhắn “Con chết vì không thở được. Con xin lỗi mẹ, mẹ ơi” của cô gái tử nạn trên chuyến xe container định mệnh chở 39 người sang Anh cách đây hơn hai năm không bao giờ nghĩ rằng sẽ sớm có một ngày phải chứng kiến hàng loạt cái chết tương tự “vì không thở được” của các bệnh nhân trong các đợt dịch Covid-19 bùng phát hai năm qua, đặc biệt là cao điểm trong năm 2021.
Ngành y tế được đánh giá là điểm sáng về thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế. Trong ảnh: Tiêm vaccine đợt 5 tại TPHCM. Ảnh: LÊ VŨ
|
Khi nỗi đau chạm đến
Đã có 32.394 người tử vong tại Việt Nam tính từ khi dịch Covid-19 bùng phát cho đến ngày 31-12-2021, trong tổng số hơn 1,73 triệu ca nhiễm, chiếm tỷ lệ gần 1,9%.
Có lẽ chưa có dịch bệnh nào làm biến chuyển cấu trúc xã hội mạnh mẽ như dịch Covid-19 trong hai năm qua, không chỉ thay đổi từ cách giao tiếp, tương tác, học tập, làm việc…, mà không ít tục lệ, truyền thống lâu đời cũng dần thay đổi để thích nghi. Những người nhiễm bệnh phút cuối không thể nhìn mặt người thân và ra đi trong cô đơn, không được tổ chức tang lễ, hoặc nếu có cũng chỉ là những tang lễ vắng vẻ, đìu hiu, tổ chức vội vã; ông bà, cha mẹ, con cái bị chia cách suốt thời gian dài vì giãn cách xã hội; nguy cơ người thân, bạn bè, đồng nghiệp mất vì Covid đã không còn là điều xa vời hay chỉ là chuyện của người khác,…
Xem phim tài liệu Ranh giới của VTV phát vào tháng 9-2021, chứng kiến những giây phút bệnh nhân giành giật từng hơi thở để sống sót mới thấy ám ảnh, sửng sốt đến thế nào. Những người phụ nữ đang mang thai lỡ nhiễm bệnh đôi khi phải đứng giữa những chọn lựa đầy cay đắng. Không ít người ngày đi cách ly lặng lẽ còn chưa kịp từ biệt người thân, đến lúc trả về gia đình chỉ còn là những bình tro cốt lạnh lẽo. Và cũng chưa bao giờ việc được tự do hít thở khí trời hay vẫn giữ được hơi thở bình thường, lại có thể mang đến một niềm hạnh phúc lớn lao đến thế đối với mỗi người.
Qua dịch bệnh lần này một lần nữa càng giúp chúng ta nhận ra rằng hệ thống y tế của một quốc gia là quan trọng đến thế nào. Chỉ có nền y học phát triển, cơ sở vật chất được đầu tư đúng cách, hiện đại, chính sách chống dịch hợp lý, nguồn nhân lực y tế dồi dào, chuyên nghiệp, mới có thể giúp đất nước ứng phó, chống chọi hiệu quả các cuộc khủng hoảng y tế và những thảm họa dịch bệnh đang ngày càng thường xuyên hơn.
Nhìn vào lịch sử hàng ngàn năm qua, không khó để nhận thấy rằng sẽ còn những dịch bệnh tương tự trong tương lai mà có thể gây ra những cái chết hàng loạt. Cái chết đen (bệnh dịch hạch) vào thế kỷ 14 đã cướp đi 200 triệu mạng sống chỉ trong vòng bốn năm. Dịch tả đã giết chết 10 triệu người trong thế kỷ 19. Các dịch cúm cũng lấy đi hàng chục triệu mạng người, mà nổi tiếng nhất là cúm Tây Ban Nha vào năm 1918 đã lây nhiễm một phần ba dân số thế giới và giết 50 triệu người chỉ trong vòng sáu tháng kể từ khi xuất hiện.
Trong tác phẩm “Lược sử loài người”, tác giả Yuval Noah Harari cho biết số lượng người chết do chiến tranh chẳng là gì so với tai ương dịch bệnh. Ngày nay, dù y tế đã phát triển rất mạnh mẽ với các loại vaccine mới liên tục ra đời, nhưng những virus gây bệnh dường như cũng tiến hóa nhanh hơn khi môi trường biến đổi. Đáng nói là bên cạnh những dịch bệnh có nguồn gốc từ thiên nhiên, động vật hoang dã, không loại trừ khả năng có những virus đến từ những sơ suất thoát ra từ các phòng thí nghiệm, hay thậm chí là cố tình làm lây lan vì mục đích chiến tranh sinh học.
Y tế là trụ cột mũi nhọn
Chính vì vậy, tập trung nghiên cứu y học và phát triển y tế không chỉ nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, gia tăng các phúc lợi xã hội, mà còn nên được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng phục vụ cho mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng, kinh tế trong thời đại ngày nay. Rõ ràng sức khỏe toàn dân là quan trọng nhất, dân có khỏe thì nước mới mạnh, thân thể cường tráng sẽ giúp tâm sáng trí thông, năng suất làm việc cao đóng góp vào phát triển kinh tế. Đáng mừng là trong các chiến lược phát triển quốc gia, cũng như các gói kích thích kinh tế sắp triển khai, y tế đang là một trong những lĩnh vực được quan tâm đầu tư.
Việt Nam mới đây cũng đã được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là điểm sáng về thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế. Có lẽ đây cũng sẽ là tiền đề và động lực để nước ta tiếp tục đầu tư cho ngành y tế trong những năm tới. Bên cạnh đó, việc cắt bỏ những ung nhọt trong ngành cốt lõi ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển quốc gia này trong thời gian gần đây là cần thiết, mà việc điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, sai phạm đấu thầu, cấu kết trục lợi tại các bệnh viện, cơ sở y tế, nạn thuốc giả, kém chất lượng,… gây thiệt hại ngân sách nhà nước, làm tổn hại lợi ích bệnh nhân thời gian qua, là đáng được hoan nghênh.
Ngoài việc đẩy mạnh vốn đầu tư từ nguồn ngân sách, thiết nghĩ Chính phủ nên có thêm các chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư nước ngoài rót vào lĩnh vực y tế, nhằm tận dụng được kinh nghiệm, trình độ, mô hình quản lý, cung ứng dịch vụ của các tổ chức nước ngoài, cũng như tiếp tục tập trung huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội ưu tiên phát triển lĩnh vực này. Trước thách thức dân số già hóa trong những năm tới, các nguy cơ dịch bệnh ngày càng khó lường, nhiều loại virus xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, việc đầu tư nghiên cứu y học, phát triển và nâng cấp các dịch vụ, cơ sở y tế, chính sách tiêm chủng… có lẽ nên triển khai gấp rút hơn bao giờ hết.
Đáng lưu ý là với lợi thế về vị trí địa lý, đường bờ biển dài, nhiều thắng cảnh thiên nhiên, Việt Nam cũng có thể phát triển ngành du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, chữa bệnh, theo đó phát triển y tế cũng nên xem là nhiệm vụ quan trọng nhất trong giai đoạn kế tiếp để đáp ứng mục tiêu này. Thay vì thu hút đầu tư nước ngoài với những dự án gây ô nhiễm, hay thu hút du lịch kèm theo các dịch vụ gây nhiều tranh cãi như các khu đèn đỏ, casino…, sao không tập trung phát triển các dịch vụ du lịch kết hợp chữa bệnh – ngành công nghiệp không khói mang lại lợi ích kinh tế cao?
Cần nhớ rằng mỗi năm người Việt chi hàng tỉ đô la Mỹ để ra nước ngoài khám chữa bệnh. Nếu nền y tế nước nhà phát triển và giữ chân được người giàu Việt Nam ở lại điều trị trong nước, sẽ giúp giữ lại được nguồn lực tài chính cho quốc gia. Ngoài ra, nếu Việt Nam trở thành một điểm đến hẫp dẫn về du lịch y tế, cũng sẽ giúp thu được nguồn ngoại tệ rất lớn, khi những khách hàng kết hợp du lịch chữa bệnh thường đã có tuổi, về hưu và có tài sản tích lũy khá lớn sau nhiều năm làm việc.
Việc Chính phủ xác định ngành y tế là trọng tâm đầu tư cho giai đoạn tới, với kế hoạch đẩy mạnh phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại tuy là điều cần thiết, nhưng không thể bỏ qua việc cải thiện chính sách phúc lợi cho lực lượng y tế. Mặt bằng thu nhập chung của lực lượng y bác sĩ hiện nay thấp, trong khi đây là ngành nghề đòi hỏi năng lực cũng như khả năng chịu áp lực công việc cao, vì vậy nếu không có sự cải tiến, nâng cao thu nhập thì không những khó thu hút được người tài mà còn dễ dẫn đến những phát sinh tiêu cực, làm tổn hại y đức và ảnh hưởng đến niềm tin xã hội dành cho ngành nghề cao quý này.
Cũng cần nâng cao nhận thức người dân, xác lập tâm thế ngăn ngừa, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Cần có những giải pháp tăng cường truyền thông về phong cách, lối sống phù hợp, khỏe mạnh trong bối cảnh cuộc sống hiện đại quá nhiều áp lực như hiện nay; mạnh tay đánh thuế cao các mặt hàng tiêu dùng có hại cho sức khỏe như rượu, bia, thuốc lá; kiểm soát chất lượng thực phẩm nghiêm ngặt kèm chế tài nghiêm khắc; đẩy mạnh nền nông nghiệp hữu cơ… Để làm được những điều này, có lẽ nền tảng quan trọng nhất vẫn là giáo dục.
Giáo dục là nền móng vững chắc
Nếu xem y tế như là trụ cột mũi nhọn và cốt lõi bên cạnh các rường cột khác như quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa,… để dựng nên ngôi nhà “quốc gia phát triển”, thì giáo dục chính là nền móng của ngôi nhà đó nên cần phải được xây dựng thật vững chắc, kiên cố và có chiều sâu.
Dù ngân sách nhà nước đầu tư cho y tế và giáo dục đã được tăng cường và đưa hai lĩnh vực này vào tốp 5 nhóm được chi nhiều nhất trong những năm gần đây, nhưng dường như hiệu quả vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Đây có lẽ là chuyện cũ và đã được nói đến nhiều trong suốt những năm qua nhưng không thể không nhắc lại. Quá khứ đã cho thấy, để kéo lùi sự phát triển của một đất nước không cách gì hiệu quả hơn chính là làm trì trệ nền giáo dục của đất nước đó. Những chương trình cải cách tốn kém nhưng thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn mà chỉ sa vào sự vụ, giải quyết vấn đề ngắn hạn, thay đổi nội dung giảng dạy nhưng vẫn không đảm bảo tính ứng dụng thực tiễn, trong khi đó yếu tố con người là quan trọng nhất nhưng lại thiếu đầu tư.
Thay vì chi tiêu hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm để cải cách bằng cách thay đổi sách giáo khoa liên tục, gây tốn kém và lãng phí, các chương trình hỗ trợ, thay đổi chẳng đâu vào đâu, nên dùng chi phí đó để đầu tư cho yếu tố cốt lõi nhất là nguồn nhân lực. Cụ thể cần sớm có các chính sách tăng thu nhập cho giáo viên, lực lượng chính yếu có trách nhiệm đào tạo ra nhân tài, lực lượng lao động cho tất cả các ngành nghề khác. Được xem là nghề cao quý và quan trọng nhưng mặt bằng thu nhập thuộc nhóm thấp khi so sánh với các ngành nghề khác, rõ ràng khó có thể thu hút người tài và đảm bảo chất lượng giảng dạy.
Thực tế những năm qua cho thấy không ít thầy cô không thể bám trụ được với nghề vì lương quá thấp, nên đã nhảy sang các ngành nghề khác. Nếu xu hướng này diễn ra ồ ạt thì lực lượng đào tạo sẽ ngày càng thiếu hụt và ảnh hưởng lên các mục tiêu phát triển giáo dục trong tương lai.
Ngoài tiếp tục nâng tỷ trọng ngân sách đầu tư cho giáo dục, tương tự ngành y tế, các cơ quan quản lý cũng cần có các chính sách ưu đãi thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực giáo dục, thực thi hiệu quả các chính sách trao đổi giáo dục, thu hút lực lượng đào tạo từ các quốc gia phát triển, cũng như xã hội hóa nguồn vốn đầu tư và kêu gọi khu vực tư nhân trong nước tham gia tích cực hơn.
Việc một số tập đoàn lớn trong nước bắt đầu quan tâm đầu tư vào giáo dục những năm gần đây là tín hiệu lạc quan, từ việc xây dựng hệ thống đào tạo, thành lập các trường đại học phi lợi nhuận, cho đến các chương trình tặng sách nâng cao dân trí.
Tương tự y tế, giáo dục cũng là một trong những lĩnh vực mà người Việt chi ra hàng tỉ đô la Mỹ mỗi năm cho con cái ra nước ngoài du học. Rõ ràng nếu nền giáo dục nội địa phát triển, các trường đại học trong nước có thể nâng chuẩn đào tạo tiệm cận so với các trường quốc tế, hoặc liên kết đào tạo với các trường quốc tế hàng đầu thậm chí là thu hút các trường này mở cơ sở ngay tại Việt Nam, sẽ giúp chúng ta không chỉ giữ lại được nguồn ngoại tệ trong nước mà còn tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt hơn góp phần thúc đẩy sự phát triển.
Các nội dung, chương trình giảng dạy cũng phải đảm bảo có tính thực tiễn hơn. Đơn cử như môn lịch sử, thay vì chăm chăm dạy về những sự kiện vô hồn, các con số thống kê khô khan trong các trận đánh, hãy giúp học sinh nhận ra được các chiến lược, chiến thuật rút ra được từ những chiến thắng, thất bại, nghệ thuật chính trị, quân sự và có thể áp dụng vào cuộc sống bình thường, công việc như thế nào; khơi gợi cảm xúc, sự đồng cảm với những số phận con người trong chiến tranh; các ngã rẽ lịch sử đã dẫn đến những hệ quả gì cho đến hôm nay.
Hay như môn giáo dục thể chất cần phải đào tạo thực chất hơn, khơi gợi niềm hứng thú, say mê đối với các môn thể dục thể thao, thay vì hình thức dạy cho có như hàng chục năm qua. Nếu cơ sở vật chất thiếu thốn thì cần phải đầu tư mạnh tay hơn, ưu tiên quỹ đất để xây dựng bệnh viện, trường học thay vì tập trung cho thương mại, kinh doanh hay chỉ quy hoạch dành riêng phát triển các dự án bất động sản. Ngoài ra, cần phải sớm đưa các nội dung về khoa học ứng dụng, kinh tế, tài chính, đầu tư, quản trị con người vào các cấp học sớm hơn.
Điều quan trọng hơn nữa là phải làm trong sạch, xóa bỏ những ung nhọt vốn đang làm trì trệ sự phát triển của ngành này. Phải lấy lại được niềm tin cho ngành giáo dục, lập lại kỷ cương trong ngành nói chung và các trường học nói riêng, đề cao nhân cách của các thầy cô giáo và dành sự tôn trọng tuyệt đối như trước đây, khi mà một số vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng lớn đến hình ảnh những người thầy cô chân chính.
“Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh” là quan điểm nổi tiếng của nhà hoạt động Phan Châu Trinh huyền thoại, trong đó có thể thấy khai dân trí được đặt lên hàng đầu. Còn trong tác phẩm Bàn về văn minh của nhà tư tưởng và cải cách hàng đầu của Nhật Bản thời Minh Trị duy tân là Fukuyawa Yukichi, khi phân biệt giữa đạo đức và tri thức, ông đưa ra quan điểm “đạo đức có thể đột nhiên tốt lên, đột nhiên xấu đi nhưng trí tuệ một khi đã nắm bắt được sẽ không mất đi”.
Cũng theo ông, đức hạnh không tiến bộ nhưng trí tuệ luôn phát triển qua các thời đại. Trí tuệ quan trọng hơn vì người có tri thức, trí tuệ tất sẽ biết khôn ngoan, có khả năng phân biệt đúng sai rõ ràng và từ đó biết rèn luyện để có được đức hạnh. Và có lẽ tất thảy chúng ta không thể không đồng ý rằng chính giáo dục là con đường cơ bản và quan trọng hàng đầu giúp mang lại tri thức hay trí tuệ cho mỗi người, nhất là ở giai đoạn đầu đời.
Hồ Lê
TBKTSG
|