Mùa mua sắm cuối năm liệu có còn nhộn nhịp?
Cuối năm luôn được xem là mùa mua sắm. Tuy nhiên, với diễn biến dịch Covid-19 như hiện nay, không khí mua sắm trong dịp cuối năm sẽ ít nhiều có sự thay đổi so với mọi năm.
Tâm lý tiêu dùng vẫn còn e dè
Tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm nguồn hàng, ổn định dịp cuối năm”, dưới góc độ là cơ quan quản lý thị trường, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TP.HCM đánh giá thị trường tiêu dùng cuối năm 2021 sẽ không sôi động bằng năm 2020 và các năm trước.
Là một tiểu thương, anh Bình, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh đồ trang trí, nhận thấy lượng khách vào thời điểm cuối năm nay đã giảm hơn một nửa so với năm trước. Vì vậy, cửa hàng anh đã phải thu hẹp thời gian hoạt động, thay vì hoạt động trong khung giờ 7h-24h như mọi năm thì nay cửa hàng anh chỉ còn hoạt động từ 7h-19h.
Khách hàng đến trực tiếp cửa hàng để mua đồ trang trí giảm đáng kể so với mọi năm. Ảnh: Thượng Ngọc
|
Tại một trung tâm thương mại, anh Phú, quản lý một nhà hàng BBQ, cho biết lượng khách đến trung tâm thương mại cũng như nhà hàng của anh trong dịp cận lễ, Tết đã giảm mạnh so với mọi năm do lo ngại về nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Thói quen khách hàng cũng thay đổi khi rất ít khách vào dùng bữa sau 20h, trong khi thời gian trước dịch, sau 20h nhà hàng anh vẫn có khách bình thường.
Khách hàng có xu hướng đi ăn sớm hơn và rất ít khách vào dùng bữa sau 20h, trong khi thời gian trước dịch, sau 20h vẫn có khách bình thường. Ảnh: Thượng Ngọc
|
Đứng dưới góc độ người tiêu dùng, anh Phú thừa nhận rằng anh cũng không có nhiều nhu cầu mua sắm, chi tiêu trong các đợt lễ tới do thu nhập bị ảnh hưởng nặng nề sau thời gian giãn cách xã hội. Bên cạnh yếu tố thu nhập, anh cho rằng việc mua sắm đối với bản thân bây giờ cũng không quá quan trọng vì lo ngại dịch bệnh nên anh cũng ít khi ra đường khi không cần thiết.
Chị Sang, một công chức Nhà nước, cho biết “do may mắn công việc không bị ảnh hưởng nhiều vì dịch nên thu nhập trong năm 2021 vẫn tương đối ổn định. Tuy nhiên, trong thời buổi dịch bệnh phức tạp, tôi vẫn giảm chi tiêu cho việc mua sắm trong dịp lễ, Tết, chỉ bằng 70% so với năm trước”.
Không khí mua sắm cuối năm sẽ không còn nhộn nhịp?
Dù nhận định thị trường tiêu dùng cuối năm sẽ giảm nhiệt so với các năm trước nhưng ông Vũ vẫn cho rằng thị trường vẫn sẽ ghi nhận những tín hiệu tích cực do người dân có xu hướng ở lại Thành phố trong dịp Tết do khó khăn trong việc đi lại.
Trong bối cảnh việc mua hàng trực tiếp tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, kênh mua sắm trực tuyến trở thành lựa chọn khá dĩ của nhiều người tiêu dùng hiện nay, giúp thúc đẩy “làm ấm” không khí tiêu dùng cận Tết.
Chị Ái, một nhân viên văn phòng, cho biết kênh mua sắm trực tuyến là kênh mua sắm ưa thích của chị do không phải mất thời gian di chuyển, các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử cũng thường có mẫu mã đa dạng hơn tại các cửa hàng thông thường.
Nhằm kích cầu tiêu dùng, nhiều cửa hàng trực tuyến đã tung ra các chương trình khuyến mãi nhân dịp cuối năm. Với một người không có ý định chi tiêu nhiều như anh Phú, anh cũng cho biết sẽ sẵn sàng chi tiền nếu sản phẩm anh quan tâm có mức khuyến mãi hấp dẫn.
Ảnh minh họa
|
Các doanh nghiệp chuẩn bị gì cho đợt tiêu dùng cuối năm?
Nhằm chuẩn bị cho dịp Tết sắp tới, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết Sở Công thương TP.HCM đã làm việc cùng các doanh nghiệp bình ổn về việc dự trữ hàng hóa, đảm bảo giá bình ổn trước, trong và sau Tết. Theo đó, các doanh nghiệp đã chuẩn bị 7,111 tỷ đồng để giúp giữ giá các mặt hàng 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết, mức chi bình ổn bình quân từ 30%-40% giá trị một mặt hàng.
Là một trong những doanh nghiệp bình ổn, bà Phạm Thị Huân – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân - một công ty chuyên cung cấp các sản phẩm về trứng, cho biết Công ty của bà hiện tại đã dự trữ được 90% số trứng cho dịp Tết. Bên cạnh đó, bà đã nhập thêm 1 dây chuyền xử lý trứng tự động từ tháng 10 để đề phòng trường hợp thiếu hụt lao động.
Ngoài trứng thì nhu cầu về thịt trong giai đoạn cuối năm cũng sẽ tăng mạnh. Ông Phan Văn Dũng – Phó Tổng Giám đốc CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết Công ty đã chuẩn bị nguồn hàng tươi sống khoảng 2,800 tấn, thực phẩm chế biến khoảng 4,200 tấn, sẵn sàng cho dịp Tết năm nay, lần lượt tăng 4% và 6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng 1,000 tấn thịt heo đông lạnh, Vissan sẽ dự trù cho các trường hợp biến động về nguồn thịt.
Ở các doanh nghiệp nhỏ hơn, anh Trung, quản lý của một doanh nghiệp chuyên cung cấp cây cảnh, cho biết anh đã nhập một số loại cây như cúc mâm xôi, trạng nguyên, kim ngân lượng,… để chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán sắp đến. Anh đánh giá nhu cầu trang trí nhà cửa của người dân trong dịp lễ không giảm nhiều so với mọi năm khi lượng khách đặt hàng thời điểm hiện tại vẫn ổn định.
Vườn cúc mâm xôi chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán của doanh nghiệp anh Trung. Ảnh: Thượng Ngọc
|
Hà Lễ
FILI
|