Khi bé gái 8 tuổi bị đánh cắp “tài sản gia đình”!
Ngày 01/01/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ cháu gái 8 tuổi N.T.V.A bị bạo hành tử vong lên Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM tiếp tục điều tra xử lý.
Trước đó, sau 2 ngày khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam 2 tháng đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1996, quê Gia Lai) về hành vi “Hành hạ trẻ em”, khuya 30/12 cơ quan cảnh sát điều tra đã thực hiện lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Kim Trung Thái (SN 1985, ngụ quận 1) để điều tra dấu hiệu đồng phạm, giúp sức trong vụ con gái Thái bị bạo hành dẫn tới tử vong.
Cái chết thương tâm của bé gái 8 tuổi bởi đòn roi và sự vô cảm độc ác, tàn nhẫn của chính người cha ruột và tình nhân của y đã làm dư luận đau xót, bàng hoàng, phẫn nộ. Đằng sau những bức ảnh “sống ảo” trên mạng xã hội được Trang ngụy tạo, giả dối là cả địa ngục trần trụi, đơn độc của cô bé V.A. Không ai khác, chính người lớn, chính kẻ đã điền vào tờ khai sinh ra đời em hai tiếng “cha ruột” là tòng phạm cũng là thủ phạm trong thói ích kỷ, tàn bạo, vô đạo. Y và tình nhân của y đích thị là những kẻ cướp sát nhân một cuộc đời trẻ thơ vô tội.
Bởi, nếu xem gia đình, tình thân cật ruột là một “tài sản” đặc biệt thì xung quanh cái chết thương tâm của bé V.A, Thái -Trang không khác gì những kẻ cướp. Khi “vốn liếng” làm nên gia sản thiêng liêng ấy chính là tình yêu thương vô điều kiện của đấng sinh thành; là sự chăm sóc, vỗ về, bảo vệ và tin cậy trọn đời dành cho núm ruột của mình. Cái giá trị thật ấy - vốn được thể hiện qua suy nghĩ, lời nói, cử chỉ, cung cách sống của người làm cha làm mẹ mà hình thành, tích tụ và phát triển lên dần khối “tài sản” sẽ được ký thác lên chính đứa con mình.
Bé V.A không may khi đã trải qua một tuổi thơ không có mái ấm gia đình trọn vẹn. Cuộc hôn nhân gãy đổ ấy lại hằn lên trên người lớn trong cuộc những oán trách, hành xử cay nghiệt. Nó đã “thâm lạm”, thậm chí “ăn” mạnh vào “vốn” căn bản của gia đình nhỏ: sau cuộc chia tay là thái độ thù nghịch của người chồng dành cho vợ cũ, là hành vi cấm đoán vợ cũ gặp con gái…
Thay vì phải bù đắp, “đầu tư” lại từ đầu cho con gái bằng tình thương, sự ân cần và trách nhiệm chăm lo, bảo vệ con trong vòng tay của một người cha; thì Thái lại thản nhiên phó mặc con gái của mình cho nhân tình, cho người giúp việc. Chút tình thương của người ngoài - nhân viên giúp việc - chỉ một lần cho bé V.A được gặp mẹ, Thái đã đuổi việc người này. Từ đó, một mình cô bé 8 tuổi đơn độc ngay trong chính ngôi nhà của mình, bên cạnh người cha ruột của mình.
Thay vì yêu thương cả giọt máu của người chồng sắp cưới, mở lòng với một trái tim và hành xử nhân ái dành cho đứa trẻ 8 tuổi thì Trang đã ra đòn thù với bé V.A. Y thị đã đánh cắp không gian sống, quyền được thụ hưởng, bảo bọc, nuôi nấng trong yêu thương, an toàn của một đứa trẻ.
Thông tin từ cơ quan chức năng, từ 14h đến 18h ngày 22/12, Trang ra sức hành hạ, tra tấn bé V.A cho đến khi nhập viện, tử vong. Thái, khi chứng kiến sự việc nghiêm trọng đã chủ đích xóa dữ liệu camera ghi hình để nhằm che đậy tội lỗi của người tình. Với hành vi đánh đập liên tục, kéo dài như vậy, đối tượng Trang không thể “vô tình” hay “nóng giận tức thời”. Đó là cố ý hành hạ người khác, lại là trẻ em, không có khả năng chống trả, tự vệ. Thái, không còn cả chút xót thương dành cho con gái ruột lại bầy hùa theo ả nhân tình, tìm cách xóa vết tội lỗi.
Hành vi của những kẻ thủ ác sẽ bị trả giá bởi pháp luật. Nhưng đây là bài học cho những người lớn -chủ nhân của “khối tài sản” gia đình. Nếu đã tạo dựng được, hãy tìm cách chăm sóc, bảo vệ những giá trị đã được tích lũy. Bằng không, hãy sắp xếp, trả lại từng giá trị -con người trong cuộc về đúng nơi nó được hình thành, nuôi dưỡng để không hao hụt, mất đi cái giá trị tối thiểu mà nó cần được hưởng, chưa nói đến là… mất mạng.
Bởi, hơn ai hết, người mẹ ruột của V.A cũng là nạn nhân của thói ích kỷ, cay nghiệt, tàn bạo từ người chồng cũ. Cần ở người mẹ ấy một dự liệu: một kẻ như Thái, cùng lối sống bản năng ngang nhiên trước đó của y sẽ không thể là người cha đầy đủ trách nhiệm, tạo dựng và bảo vệ một môi trường sống lành mạnh, an toàn cho con gái.
Trong câu chuyện tình cảm, có khi cần phải nhìn thấu những góc khuất ngoài phân chia theo pháp luật để tìm cách bảo vệ, không xảy ra những thảm cảnh đau lòng. Bởi, mất đi tài sản vật chất thì có thể làm lại. Còn đổ vỡ một “tài sản gia đình”, những đứa trẻ không phải là hàng hóa, sản phẩm. Con cái là “di sản” của người làm cha làm mẹ mà họ đã và sẽ “đầu tư” trọn đời, vĩnh viễn. “Giá trị thặng dư” lớn nhất chính là hạnh phúc, bình an của con.
Quốc Học
FILI
|