Thứ Sáu, 28/01/2022 11:00

Mua bán chui và giao dịch nội gián chứng khoán: Nhiều lỗ hổng pháp lý cần được lấp đầy

Việc một chủ tịch tập đoàn “bán chui” cổ phiếu vừa qua thật ra chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khổng lồ.

* Hủy giao dịch bán chui FLC: Cần nhưng chưa đủ!

* Nước ngoài xử phạt vụ việc 'bán chui' cổ phiếu ra sao?

Lãnh đạo công ty mua bán cổ phiếu – nhiều sự “nhiễu nhương”

Việc lãnh đạo các công ty đại chúng mua bán cổ phiếu luôn mang tính nhạy cảm cao độ vì thường chứa đựng rủi ro về bất cân xứng thông tin và giao dịch nội gián. Bởi lẽ, không ai có thông tin nhanh và đầy đủ về công ty bằng chính những người quản lý nên mọi hành động của họ đều gắn với những hoài nghi về hiện trạng cũng như triển vọng của chính công ty. Chính vì vậy mà vừa qua, thông tin về một chủ tịch tập đoàn bán chui cổ phiếu đã làm dậy sóng dư luận với nhiều lời chỉ trích. Tâm lý tiêu cực phủ trùm thị trường và tiếp tục làm dấy lên những hoài nghi về tính kỷ luật, minh bạch và công bằng của thị trường.

Tuy nhiên, sự kiện này thật ra chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khổng lồ. Nhìn vào số liệu về thanh tra, giám sát thị trường qua các năm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, có thể nhận thấy số vụ việc vi phạm về công bố thông tin khi người nội bộ (cổ đông nội bộ, người có liên quan, cổ đông lớn) giao dịch cổ phiếu dường như là một hiện tượng phổ biến, có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số các vi phạm bị phát hiện.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính thì nhóm vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin khi giao dịch của người nội bộ của các công ty đại chúng chiếm đến 27% tổng số vi phạm năm 2014, tỷ lệ này tăng lên 57% năm 2017 và lên đến 71,4% năm 2019(1). Từ năm 2020 đến nay, dù mức chế tài có tăng lên nhưng tỷ lệ vi phạm cũng không có những thay đổi đáng kể.

Cơ chế xử lý: nhiều không

Qua số liệu thanh tra, giám sát thị trường của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như cách thức xử lý vụ việc bán chui cổ phiếu đình đám vừa qua, dễ dàng nhận thấy sự sốt sắng của các cơ quan quản lý trong việc thực thi kỷ luật thị trường. Các quy định về xử lý vi phạm hành chính, hình sự đối với các vi phạm trên thị trường nói chung và đối với vi phạm về công bố thông tin của người nội bộ nói riêng cũng có nhiều sự sửa đổi, nâng mức chế tài lên nhiều lần. Tuy nhiên, người viết cho rằng cơ chế xử lý hiện tại, đặc biệt là trong vụ việc của ông Trịnh Văn Quyết vừa qua(2) vẫn còn đang ở trong tình trạng “nhiều không”: không đủ cơ sở pháp lý, không công bằng, không có sức răn đe, không có cơ chế bồi thường thiệt hại. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho những vi phạm này trở nên phổ biến, có trường hợp tái phạm nhiều lần.

Trong giai đoạn 2014-2019, vi phạm nghiêm trọng liên quan đến giao dịch chứng khoán bị phát hiện và xử phạt hành chính chủ yếu là vi phạm giao dịch nhằm tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá (35/36 trường hợp) và chỉ có một trường hợp giao dịch nội gián.

Thứ nhất, quyết định của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) về hủy bỏ giao dịch liên quan đến toàn bộ cổ phiếu đã bị bán chui dường như chưa từng có tiền lệ và thiếu tính chắc chắn về cơ sở pháp lý. Mặc dù, điều 21 Quy chế giao dịch chứng khoán hiện hành của HOSE (không phải là văn bản quy phạm pháp luật) có quy định về thẩm quyền công nhận và hủy bỏ giao dịch tuy nhiên người viết khá băn khoăn về tính pháp lý của quy định này.

Bởi lẽ suy cho cùng, giao dịch mua bán cổ phiếu qua sở giao dịch là một dạng giao dịch dân sự – một hợp đồng. Việc xử lý giao dịch cần dựa trên căn cứ pháp lý là các quy định pháp luật có liên quan. Trong khi đó, trường hợp này không thuộc những trường hợp hủy bỏ hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Luật Chứng khoán 2019 và các nghị định, thông tư hướng dẫn cũng không đề cập đến quy định này. Đồng thời, việc hủy bỏ giao dịch cũng không phải là một biện pháp xử phạt bổ sung hay khắc phục hậu quả được quy định trong nghị định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

Thứ hai, việc hủy bỏ giao dịch như cách làm vừa qua không tạo nên tính công bằng cho tất cả nhà đầu tư tham gia giao dịch vào ngày diễn ra vi phạm, khi mà chỉ có những ai “may mắn” có lệnh đối ứng với lệnh bán chui mới thoát được cảnh “đu đỉnh”, rất nhiều nhà đầu tư còn lại rơi vào thiệt hại nặng nề. Trong khi tất cả các nhà đầu tư đều trong tâm thế của người ngay tình, thì quyền lợi của những nhà đầu tư còn lại sẽ được giải quyết như thế nào?

Thứ ba, theo điều 33.5 Nghị định 156/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 128/2021/NĐ-CP thì mức phạt với hành vi bán chui cổ phiếu là 3-5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10 tỉ đồng trở lên, nhưng không được cao hơn mức phạt tối đa (1,5 tỉ đồng đối với cá nhân). Việc khống chế mức phạt tối đa đã không đủ sức răn đe đối với những vi phạm có giá trị cao với những khoản lợi nhuận kếch xù. Pháp luật hiện hành cũng không có quy định về việc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp hoặc khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện vi phạm đối với hành vi này.

Thứ tư, thiệt hại của nhà đầu tư sau thời điểm phát hiện hành vi bán chui cổ phiếu là hiện hữu nhưng dường như việc nhà đầu tư yêu cầu bồi thường thiệt hại là thiếu tính khả thi. Bởi lẽ, nghĩa vụ chứng minh thiệt hại sẽ vô cùng khó khăn vì thiếu các quy định về tính toán thiệt hại của nhà đầu tư. Các thiết chế độc lập bảo vệ nhà đầu tư thì vẫn chưa được định danh và thành lập.

Quy định về giao dịch nội gián: có cũng như không

Bên cạnh những trường hợp giao dịch chui bị phát hiện, hiện tượng lãnh đạo các công ty đại chúng mua bán cổ phiếu cũng đang diễn ra khá nhiễu nhương. Thật không khó để có thể tìm thấy những thông tin về lãnh đạo công ty “mua đáy, bán đỉnh” lời hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng. Hay có trường hợp báo cáo, công bố thông tin về ý định mua bán nhưng kết quả giao dịch bằng không với lý do không thể khớp lệnh. Không ít lần, nhà đầu tư cảm thấy như bị đánh úp bởi chính các lãnh đạo mà họ đã từng gửi gắm niềm tin.

Qua đó cho thấy, dù là giao dịch chui hay được tiến hành hợp pháp, công khai thì việc các lãnh đạo công ty tiến hành giao dịch cổ phiếu đều tạo nên những lo ngại từ phía cộng đồng nhà đầu tư và luôn tiềm ẩn những rủi ro về sự không công bằng, đặc biệt là nguy cơ giao dịch nội gián.

Hành vi giao dịch nội gián là hành vi sử dụng, tiết lộ thông tin nội bộ, chưa công khai để mua bán chứng khoán nhằm mục đích vụ lợi cho bản thân hoặc người khác. Hành vi này được ghi nhận vào pháp luật Việt Nam khá sớm và có đầy đủ các chế tài từ hành chính đến hình sự.

Tuy vậy, hầu như rất hiếm có trường hợp nào bị phát hiện và bị xử lý. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2014-2019, vi phạm nghiêm trọng liên quan đến giao dịch chứng khoán bị phát hiện và xử phạt hành chính chủ yếu là vi phạm giao dịch nhằm tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá (35/36 trường hợp) và chỉ có một trường hợp giao dịch nội gián.

Trong khi đó, nhìn vào thực tế thị trường chứng khoán Việt Nam, dễ dàng nhận thấy tình trạng nhiễu loạn thông tin. Đầu tư theo tin đồn dần trở thành một “trường phái” đầu tư với khẩu hiệu như “tin ra là bán”. Những thông tin về tình hình tài chính, kế hoạch, dự án, lợi nhuận, lãnh đạo… chưa được công bố chính thức nhưng lại được truyền khắp các diễn đàn dưới dạng “tin đồn”. Điều đáng nói là không ít tin đồn hoàn toàn trùng khớp với tin được công bố. Rõ ràng, tình trạng bất cân xứng về thông tin đang rất phổ biến và trầm trọng. Ý thức về bảo mật thông tin dường như chưa hình thành và rất nhiều người vẫn thản nhiên sử dụng lợi thế người nội bộ để thực hiện các giao dịch có lợi cho mình nhờ cơ hội nắm bắt thông tin nội bộ.

Vì lẽ đó, việc tập trung xây dựng hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế giám sát, phát hiện hay xử lý hành vi giao dịch nội gián của người nội bộ, đặc biệt là các lãnh đạo công ty là cấp thiết. Người viết rất đồng tình với đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020, rằng các quy định của pháp luật Việt Nam về giao dịch nội gián còn mang tính trừu tượng(3).

Chúng ta thiếu các quy định để làm rõ trường hợp nào thì được coi là thông tin nội bộ, phạm vi xác định người nội bộ vẫn còn khá hẹp và thiếu cơ chế thực thi quy định này. Có lẽ, mọi việc nên bắt đầu từ việc quy định về cơ chế thực hiện và giám sát việc thực hiện giao dịch của lãnh đạo các công ty. Nếu tiếp tục vận hành cơ chế yêu cầu báo cáo thông tin dự kiến giao dịch trước ba ngày so với ngày giao dịch và công bố thông tin sau giao dịch thì các quy định về giao dịch nội gián sẽ còn tiếp tục số phận “có cũng như không”.

Lưu Minh Sang

TBKTSG

Các tin tức khác

>   DAH: Giải trình biến động lợi nhuận HN quý 4,2020 so với cùng kỳ năm trước (28/01/2022)

>   TPS: Thông báo Quyết định của UBCKNN về việc xử phạt vi phạm hành chính (28/01/2022)

>   Nhịp đập Thị trường 28/01: Dệt may dậy sóng ngày cuối năm (28/01/2022)

>   FUEVFVND: Thông báo về danh mục chứng khoán cơ cấu hoán đổi ngày 28/01/2022 (28/01/2022)

>   FUESSV50: Thông báo về danh mục chứng khoán cơ cấu hoán đổi ngày 28/01/2022 (28/01/2022)

>   E1VFVN30: Thông báo về danh mục chứng khoán cơ cấu hoán đổi ngày 28/01/2022 (28/01/2022)

>   VEC: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế (27/01/2022)

>   28/01: Đọc gì trước giờ giao dịch phiên cuối cùng năm Tân sửu 2021 (28/01/2022)

>   HEC: Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế năm 2020 (27/01/2022)

>   VICS: Thông báo ngày ĐKCC để thực hiện quyền tham dự ĐHCĐ thường niên năm 2022 (27/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật