Karaoke ở TP.HCM 'vỡ trận' trong mùa tiệc tất niên
Lượng khách tăng mạnh dịp cuối năm, nhiều quán karaoke ở TP.HCM kín phòng nguyên tuần nhưng lại gặp khó vì thiếu nhân sự trầm trọng.
"Bên em hết phòng giờ này rồi chị ơi".
"Mình đặt sát giờ quá. Quán chỉ còn phòng trống tối mai thôi ạ, chị thông cảm".
Sau 4 cuộc gọi, Lê Nguyên Hà (27 tuổi, nhân viên văn phòng ở quận Phú Nhuận, TP.HCM) vẫn không thể đặt phòng hát karaoke cho buổi tất niên của công ty cô vào tối đầu tuần.
"Mình không ngờ karaoke đợt này lại đông khách như vậy. Ngay cả ngày trong tuần cũng không còn phòng trống", Hà nói với Zing.
Nhiều quán karaoke ở TP.HCM kín phòng dịp cuối năm. Ảnh: Chí Hùng.
|
Dù vậy, sau buổi liên hoan, Hà cùng đồng nghiệp quyết định chạy xe sang đường Sư Vạn Hạnh (quận 10), nơi tập trung nhiều quán karaoke, mà không đặt phòng trước.
"Chạy đến quán thứ 3 thì nhóm mình mới tìm được phòng trống để vào hát. Không vừa ý lắm với chất lượng phòng ốc, âm thanh nhưng có hát là may rồi", Hà chia sẻ.
Trong mùa tất niên, liên hoan cận Tết, lượng khách đến các quán karaoke ở TP.HCM tăng vọt. Dù khá vất vả vì thiếu nhân viên trầm trọng, nhiều chủ quán cảm thấy vui mừng khi cơ sở kinh doanh lại hoạt động tốt sau một năm ngưng trệ vì dịch bệnh.
Quá tải vì thiếu nhân viên
Chị Phương Thảo, chủ quán karaoke K-T (đường Sư Vạn Hạnh, quận 10) và Làn Sóng Xanh (đường Lê Văn Sỹ, quận 3), cho biết trong khoảng một tuần qua, lượng khách hát karaoke tăng rõ rệt.
Không chỉ cuối tuần, những ngày trong tuần, các quán karaoke của chị Thảo với hơn 80 phòng hát luôn kín chỗ.
"Phần lớn là khách công ty, nhóm khách đi tất niên, liên hoan dịp cuối năm. Nếu khách không đặt trước, chúng tôi không dám nhận vì không thể giữ phòng được. Nhiều hôm đông quá, thực sự như bị 'vỡ trận' vậy", chị Thảo nói với Zing.
Sau khi mở cửa trở lại vào ngày 10/1, quán karaoke thiếu nhân sự, phải đăng tin tuyển người cho nhiều vị trí từ phục vụ cho đến bảo vệ, tạp vụ.
Các quán karaoke liên tục treo bảng tuyển người sau khi mở cửa trở lại. Ảnh: Chí Hùng.
|
Những ngày gần Tết, tình trạng thiếu người càng thêm trầm trọng vì lao động ngoại tỉnh trở về quê.
"Một nhân viên giờ đây phải kiêm đủ việc. Cả chủ và lính đều phải chạy liên tục, tới cuối ngày thì ai cũng phờ phạc. Nhưng may mắn là khách cũng thông cảm không khắt khe như mọi khi. Nhiều hôm quán đông, chờ lâu nên khách còn phụ nhân viên dọn phòng cho nhanh nữa".
Chủ quán karaoke dự đoán khách đông, tình hình kinh doanh khả quan cho đến khoảng ngày 25-26 tháng Chạp.
"Thời gian sau đó có thể chững lại vì mọi người chuẩn bị ăn Tết và về quê. Cũng hy vọng mấy ngày cuối này những nhân viên ở lại làm việc sẽ có thu nhập tốt, điều kiện ăn Tết đầy đủ hơn, chứ nguyên năm rồi dịch bệnh, ngành karaoke đã quá khó khăn rồi".
Chủ quán karaoke dự đoán khách đông, tình hình kinh doanh khả quan cho đến khoảng ngày 25-26 tháng Chạp. Ảnh: Quỳnh Danh.
|
Khách tăng nhưng mức tiêu dùng giảm
Nói với Zing về tình hình kinh doanh dịp cận Tết, bà Đinh Hoàng Thùy Dương, đại diện bộ phận kinh doanh của chuỗi karaoke Icool, cho biết lượng khách của quán tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức tiêu dùng (giá trị trung bình của mỗi hóa đơn) lại có xu hướng giảm.
"Tỷ lệ giờ hát chiếm khoảng 50% doanh thu, còn lại là dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên sau dịch, mọi người có vẻ thích hát hơn nhưng hạn chế gọi đồ ăn, thức uống so với trước đây", bà Dương giải thích.
Khoảng nửa tháng trước Tết, chuỗi karaoke với 18 chi nhánh tại TP.HCM bắt đầu trang trí các cơ sở theo concept Tết Nguyên đán. Nhiều gian phòng được bày trí theo phong cách truyền thống, thu hút khách đến check-in.
Quán karaoke trang trí phòng ốc để thu hút khách trước Tết Nguyên đán. Ảnh: Icool.
|
Theo bà Dương, đây là một trong những cách chuỗi karaoke này làm mới hình ảnh sau đợt mở cửa vào giữa tháng 1.
"Karaoke được hoạt động trở lại, phản ứng của khách hàng rất tốt. Hiện tại, chúng tôi đang hoạt động 100% công suất và sẽ hoạt động xuyên Tết để phục vụ khách trong dịp lễ hội, kèm theo đó là nhiều chương trình khuyến mãi".
Giống những quán karaoke khác trên địa bàn thành phố, chuỗi karaoke này cũng gặp khó vì thiếu nhân viên.
"Thiếu nhất là phục vụ. Mọi năm dịp cận Tết, nhân viên về quê nên cũng xảy ra tình trạng thiếu hụt. Tuy nhiên, do được hoạt động xuyên suốt, chúng tôi có thời gian chuẩn bị để tuyển mới và đào tạo. Còn năm nay, dịch bệnh nên biến động nhân sự hơn nhiều và cũng không có thời gian để chuẩn bị trước", bà Dương cho hay.
Quán karaoke đông khách nhưng thiếu nhân viên vì phần lớn lao động đã về quê, chưa trở lại. Ảnh: Chí Hùng.
|
Huệ Lâm
Zing.vn
|