Với khoản "vốn mồi" 40.000 tỷ đồng, lượng tín dụng lãi suất ưu đãi chảy ra thị trường có thể lên tới 2 triệu tỷ đồng. Con số rất lớn này đòi hỏi ngành ngân hàng phải có những bước đi vô cùng cẩn trọng, nếu không muốn gặp quá nhiều hệ luỵ về sau...
Ngày 11/1/2022, Quốc hội đã chính thức thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với 424/426 đại biểu tán thành. Theo đó, ngành ngân hàng sẽ tham gia vào 2 cấu phần chính.
Thứ nhất, thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, Chính phủ sẽ thực hiện hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng cho một số ngành, lực vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua.
Thứ hai, thực hiện các biện pháp liên quan đến chính sách tiền tệ như giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn; tiếp tục giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1% trong 2 năm 2022 và 2021; tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
Xét riêng tại cấu phần đầu tiên, tức gói hỗ trợ lãi suất. Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, mức hỗ trợ 2% xác định trên cơ sở mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay bình quân trên thị trường (mức chênh lệch hiện tại khoảng 4%).
Do đó, mức hỗ trợ 2% được cơ quan này đánh giá là phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước, tránh được tình trạng trục lợi chính sách.
Thêm vào đó, với kiến nghị thực hiện bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó tiếp cận, đáp ứng điều kiện vay vốn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội đã có nhiều nội dung hỗ trợ dòng tiền như giảm, giãn, hoàn thuế, phí, tiền thuê đất…
Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ cải các thủ tục cho vay, thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận vốn, nên nội dung kiến nghị trên không được bổ sung.
Nhìn nhận về gói hỗ trợ lãi suất, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại về mức độ rủi ro với thị trường. Bởi lẽ, với 40.000 tỷ đồng “vốn mồi”, trong 2 năm, lượng tín dụng ưu đãi chảy ra thị trường có thể lên tới 2 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế thời điểm hiện tại. Đây là một con số rất lớn trong khi ngành ngân hàng vốn dĩ đang chịu rất nhiều áp lực.
Ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cho rằng, dù hướng tới phục hồi hay phát triển kinh tế thì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng vẫn là nền tảng, là thành trì bất khả xâm phạm của đất nước.
"Chúng ta không thể bỏ qua thực tế là áp lực lạm phát đang lớn. Áp lực nợ xấu cũng gia tăng. Trong suốt thời gian 2 năm qua, chúng ta có nhiều chính sách để hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm chính sách tiền tệ. Bây giờ, dư địa chính sách chúng ta không còn nhiều, đặc biệt là dư địa trong chính sách ngân hàng", ông Lộc nói.
Cũng theo ông Lộc, các biện pháp hỗ trợ đã cơ cấu lại nợ, giúp doanh nghiệp không nhảy nhóm để có thể tiếp cận gói tín dụng trong quá trình phục hồi, đồng nghĩa các doanh nghiệp được vay dưới chuẩn. “Khi vay dưới chuẩn, rủi ro về tín dụng, rủi ro về nợ xấu đang tăng lên”, ông Lộc nhấn mạnh.
Còn ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam đánh giá, gói hỗ trợ quan trọng nhất là khả năng hấp thụ vốn, không thể để bài học năm 2009 tái hiện bằng việc nhìn dòng tiền rẻ chạy vào các thị trường tài sản, gây bong bóng chứng khoán, bất động sản.
Đồng thời, ông Du đưa ra quan điểm, gói tín dụng hỗ trợ cần thực hiện nhanh, bứt tốc nhưng không vì thế mà cho doanh nghiệp “yếu” vay, nếu không thì nợ xấu sẽ tăng nhanh.
“Chúng ta phải làm sao để dùng nguồn lực có hiệu quả cho xã hội chứ không mang tính "từ thiện". Nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp phải đặt sự hiệu quả lên hàng đầu”, ông Du chia sẻ.
Trước loạt lo lắng về gói hỗ trợ lãi suất, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, lãi suất hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhưng tiền cho vay là tiền huy động của các tổ chức tín dụng, từ người dân cho vay. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết làm sao để tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, có nguồn cung tín dụng, đáp ứng được nhu cầu của gói này.
Ngoài ra, nhà điều hành chính sách tiền tệ cũng sẽ phối hợp với bộ, ngành liên quan để tập trung đối tượng, trọng tâm trọng điểm, khắc phục hạn chế của các gói hỗ trợ trước.
Tại một hội nghị gần đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: “Chính phủ, Quốc hội giao cho ngành ngân hàng triển khai gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp. Đáng chú ý, 4 ngân hàng thương mại nhà nước đóng vai trò chủ chốt. Chính phủ sẽ có nghị quyết để triển khai gói cho vay hỗ trợ lãi suất và Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo thông tư hướng dẫn chi tiết”.