Giá vàng ngày 14.1.2022: SJC cao hơn thế giới 11,7 triệu đồng/lượng
Thị trường vàng sáng 14.1 ít biến động nhưng giá trong nước vẫn đang ở mức cao hơn thế giới lên đến 11,7 triệu đồng/lượng. Dẫn đến việc mua vàng thời điểm này khá rủi ro.
Vàng miếng SJC sáng 14.1 không thay đổi so với chiều 13.1, Eximbank mua vào với giá 61,05 triệu đồng/lượng và bán ra 61,45 triệu đồng/lượng; Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC có giá mua 61,05 triệu đồng/lượng nhưng bán ra lên 61,7 triệu đồng/lượng…
|
Giá vàng trong nước giữ mức đắt đỏ hơn thế giới. Ngọc Thắng
|
Vàng nhẫn SJC tại công ty SJC có giá 52,5 triệu đồng/lượng, còn chiều bán ra 53,3 triệu đồng/lượng; nữ trang vàng 4 số 9 có giá mua 52,2 triệu đồng/lượng, bán ra 52,9 triệu đồng/lượng. So với giá kim loại quý thế giới, vàng miếng SJC cao hơn 11,7 triệu đồng/lượng, còn nữ trang và nhẫn cao hơn 2,2 - 3,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới sáng 14.1 ít thay đổi so với mức giá chiều qua khi ở 1.822,5 USD/ounce. Trong phiên giao dịch Mỹ (đêm 13.1), giá kim loại quý đã lao dốc từ mức 1.825 USD/ounce xuống 1.810 USD/ounce nhưng sau đó dần hồi phục lên lại mức 1.822 USD/ounce. Giá vàng biến động trước áp lực chốt lời của nhà đầu tư trên thị trường gần đây.
Theo đánh giá của MKS PAMP GROUP, ba động lực hàng đầu của vàng vào năm 2022 là lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và sự biến động của thị trường chứng khoán. Bà Nicky Shiels, người đứng đầu chiến lược kim loại của MKS PAMP GROUP cho rằng dù vàng giảm nhẹ so với năm trước, nhưng giá có khả năng tăng cao hơn từ đây. Có những rủi ro tiêu cực đối với nền kinh tế khi Fed bắt đầu tăng lãi suất và giảm bảng cân đối kế toán trong năm nay. Dự báo mức giá trung bình của vàng trong năm nay là 1.800 USD/ounce. Có hai kịch bản thay thế cho vàng vào năm 2022 là tăng lên 2.000 USD/ounce và giảm xuống 1.400 USD/ounce. Trong đó, kịch bản vàng tăng 2.000 USD/ounce liên quan đến việc Fed không kiểm soát được lạm phát, nhu cầu vật chất gia tăng, thị trường chứng khoán biến động và những rủi ro địa chính trị mới.
Thanh Xuân
Thanh niên
|