Thứ Bảy, 22/01/2022 22:00

Được chào mời nồng nhiệt nhưng du khách Việt có tự tin đi du lịch?

Nhiều điểm đến, doanh nghiệp đang tung ra các chương trình quảng cáo, khuyến mại để thu hút du khách quay lại. Việc này đã cho lượng khách bắt đầu tăng trưởng một số nơi.

Tuy nhiên, tình hình chung của cả thị trường vẫn chưa khả quan. Theo kết quả nghiên cứu thị trường mới nhất, chỉ số tự tin để đi du lịch trở lại của du khách Việt là thấp, dưới mức trung bình.

Khách du lịch tại Cần Giờ. Ảnh: Đào Loan

Mới đây, Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn và Quản lý Điểm đến Outbox (The Outbox Company) đã phát hành Báo cáo về Mức độ sẵn sàng du lịch của du khách Việt, đưa ra chỉ số về mức độ sẵn sàng du lịch (Sentiment Index) để đánh giá sự tự tin đi du lịch của khách hàng.

Chỉ số này được đo đếm bằng cách khảo sát độc lập để đánh phản ứng hành vi và kết hợp với các mô hình chuyên môn để chấm điểm. Công ty đã đo mức độ sẵn sàng của du khách trong hai giai đoạn, gồm thời điểm TPHCM mở cửa trở lại sau đợt giãn cách xã hội kéo dài và vào đầu tháng 11-2021, khi cuộc sống đã trở lại bình thường được thời gian.

Kết quả cho thấy, nếu như ở giai đoạn 1, du khách có với mức độ sẵn sàng cao, cho rằng Tết sẽ là thời điểm tốt để có thể đi du lịch trở lại thì ở giai đoạn 2, mức độ sẵn sàng giảm xuống. Du khách có xu hướng trì hoãn chuyến đi đến sau Tết, khoảng từ tháng 3 đến tháng 6-2022.

Ở giai đoạn 1, khi mức độ hào hứng đi du lịch trở lại cao hơn, du khách chủ động và rất cởi mở tiếp nhận các thông tin du lịch, thông tin quảng bá về sản phẩm của điểm đến và doanh nghiệp du lịch. Đến giai đoạn 2, du khách giảm bớt sự hứng thú trong việc tiếp nhận các thông tin du lịch.

“Chúng tôi đo theo những cột mốc lớn ảnh hưởng đến quyết định đi du lịch của khách hàng. Chỉ số đo được là 46 điểm, cho thấy du khách chưa tự tin, chưa sẵn sàng đi du lịch”, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc The Outbox Company nói.

Trả lời KTSG Online về việc tại sao công ty lại đo chỉ số tự tin đi du lịch thay vì khảo sát hành vi, xu hướng du lịch như trước đây, ông Phước cho biết, do thị trường đang bị tác động nghiêm trọng bởi Covid-19.

Theo đó, khi thị trường bình thường, các đơn vị khảo sát thường khảo sát về xu hướng tiêu dùng để biết khách hàng thích gì nhằm thực hiện chiến lược bán hàng phù hợp.

Tuy nhiên, với thị trường bị tác động bởi những sự kiện lớn, ảnh hưởng đến tâm lý của khách hàng như dịch Covid-19 lần thì chỉ số tự tin là cơ sở đầu tiên để xem khách đã muốn đi du lịch và tiêu dùng trở lại chưa, khi nào đi và đâu là những rào cản để tính toán thời điểm quay lại phù hợp.

“Dưới góc độ là đơn vị nghiên cứu thị trường, tôi cho rằng ở hiện tại, việc xác định được mức độ sẵn sàng đi du lịch trở lại là điều đầu tiên phải làm. Sau đó mới là xác định hành vi du lịch, tiêu dùng nhằm đưa ra các chiến dịch truyền thông”, ông Phước nói.

Khách du lịch tại Cần Giờ. Ảnh: Đào Loan

Về những khuyến nghị để góp phần tăng chỉ số tự tin nhằm thúc đẩy du khách đi du lịch trở lại, ông cho rằng khuyến nghị đến từ nguyên nhân khiến chỉ số này thấp.

Khảo sát của The Outbox Company cho thấy, sự tự tin giảm trong giai đoạn 2 vì người dân vẫn lo ngại dịch bệnh còn tiếp diễn phức tạp, các quy định đi lại không thống nhất giữa các địa phương và chính sách chống dịch chưa thông thoáng làm ảnh hưởng đến đời sống.

Theo ông, để nâng cao chỉ số tự tin, ít nhất là ở mức trung bình, các cơ quan quản lý điểm đến nên thực hiện chính sách chống dịch đem lại sự thoải mái, thuận tiện hơn cho du khách.

“Khó có thể làm chỉ số tự tin tăng lên nếu địa phương vẫn có các quy định phòng dịch khác nhau hay buộc người dân về quê ăn Tết phải xét nghiệm, thậm chí là cách ly như những ngày gần đây”, ông Phước nói.

Thêm vào đó, trong đợt khảo sát thứ hai, du khách còn cho biết nỗi lo lắng về tài chính là rào cản trong việc đi du lịch. Đây cũng là dữ liệu để doanh nghiệp, điểm đến có chính sách giá thích hợp.

Dự kiến, sau khi kết thúc đợt di chuyển lớn vào dịp Tết Nguyên Đán, công ty này sẽ tiếp tục khảo sát về chỉ số tự tin đi du lịch của du khách Việt.

Mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cũng công bố khảo sát du lịch cho thấy, có đến 87% du khách được hỏi cho biết lo ngại lớn nhất là khi đi du lịch sẽ bị cách ly ở nơi đến hoặc khi quay về nhà.

Đây là rào cản lớn cho quá trình hồi phục du lịch sau tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.

Đào Loan

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Cú ‘lội ngược dòng’ của ngành da giày với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trên 10% năm 2022 (22/01/2022)

>   Ngành vật liệu xây dựng, tôn thép sẽ hưởng lợi từ gói đầu tư công? (22/01/2022)

>   Vụ thổi giá kit test COVID-19: Bắt giam Giám đốc CDC Bắc Giang (22/01/2022)

>   Hành trình hướng tới 10 tỷ USD của nhà bán lẻ hiệu quả nhất Việt Nam (21/01/2022)

>   Dè dặt xuất khẩu vì cước container cao ngất (21/01/2022)

>   Điều tra, xác minh 7 công ty liên quan Công ty Việt Á (21/01/2022)

>   Luật cần đi vào “ngóc ngách” của thực tế (21/01/2022)

>   TPHCM: Khách đặt tua tăng mạnh (21/01/2022)

>   Khởi tố, bắt giam Chủ tịch Công ty Công viên cây xanh Hà Nội (20/01/2022)

>   Công ty Việt Á nhập kit test Covid-19 từ Trung Quốc với giá 21.560 đồng/chiếc (20/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật