Cú ‘lội ngược dòng’ của ngành da giày với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trên 10% năm 2022
Trước sự lo lắng về sụt giảm trong kinh doanh do ảnh hưởng nặng nề dịch bệnh Covid-19, ngành da giày – túi xách đã lội ngược dòng về đích xuất khẩu tăng trưởng 4,6% và dự báo cơ hội phát triển ngành cho năm 2022 sẽ còn.
Mục tiêu của ngành cho năm 2022 là sẽ tăng trưởng 10-15% đạt khoảng 23-25 tỉ đô la.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) đã có nhận định như trên tại hội nghị “Tổng kết ngành da giày năm 2021 và xây dựng kế hoạch năm 2022”, diễn ra tối 21-1.
Ngành da giày túi xách tăng trưởng 4,8% năm 2021. Ảnh Lê Hoàng
|
Theo ông Thuấn, trong năm 2021 vừa qua dù gặp nhiều khó khăn do sự bùng phát của đợt dịch lần thứ 4 song kết thúc năm chỉ số sản xuất công nghiệp ngành da giày – túi xách vẫn tăng 5,2% so với cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tăng 4,6%, đạt 20,78 tỉ đô la Mỹ.
Mức tăng mạnh nhất tại thị trường Bắc Mỹ (19,6%), tiếp đến là châu Âu (10,8%) và châu Đại Dương (8,9%).
Theo người đứng đầu Lefaso, đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh 80% các nhà máy sản xuất da giày tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang,… vốn là những địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp lớn và chiếm gần 70% sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu của ngành phải đóng cửa suốt thời gian dài do dịch bệnh bùng phát trong quí 3.
Tại các doanh nghiệp còn hoạt động, sản xuất cũng bị suy giảm do người lao động phải làm việc giãn cách, đồng thời phát sinh nhiều chi phí do đứt gẫy chuỗi cung nguyên phụ liệu, chi phí phòng chống Covid-19 (xét nghiệm, tiêm chủng, lo ăn, ở 3 tại chỗ cho người lao động). Các doanh nghiệp da giày bị thiệt hại lớn do phải ngừng/giảm sản xuất, bị khách hàng hủy đơn hàng xuất khẩu, trong khi vẫn phải chịu các chi phí duy trì nhà máy, trả lương cho người lao động.
Hiện dù dịch bệnh vẫn còn phức tạp, thị trường chưa thể phục hồi như trước dịch song cơ hội cho doanh nghiệp da giày Việt xuất khẩu tăng trong năm 2022 là vẫn có.
Theo ông Thuấn, ngành công nghiệp thời trang vẫn là một trong những nhóm hàng có nhu cầu tất yếu của người tiêu dùng trên thế giới. Thêm vào đó, các đối thủ xuất khẩu cạnh tranh với Việt Nam như Myanmar, Ấn Độ… vẫn đang chịu ảnh hưởng dịch nên sẽ chưa thể phục hồi được trong thời gian sớm nhất.
Liên quan đến kế hoạch của ngành da giày – túi xách trong năm 2022, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Lefaso, cho biết căn cứ tình hình kinh tế thế giới và diễn biến, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, cũng như kết quả ký kết các đơn hàng của các doanh nghiệp năm 2022, dự kiến năm 2022 tăng trưởng toàn ngành da giày – túi xách sẽ đạt khoảng 23-25 tỉ đô la, tăng 10-15% so với năm 2021.
Những dự báo này của Lefaso được cho là có cơ sở vì rất nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng đến hết quí 1-2022, thậm chí có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 8 tới.
Ngành da giày túi xách tăng trưởng 4,8% năm 2021. Ảnh Lê Hoàng
|
Tuy vậy theo Lefaso, để đạt được mục tiêu nói trên, doanh nghiệp phải nâng cao sức cạnh tranh, nhanh chóng chuyển đổi tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất. Đó là chưa kể hiện nay doanh nghiệp trong ngành đang gặp một số vướng mắc liên quan đến Nghị định 18/2021/NĐ-CP về Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Đây là Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2016/NĐ-CP.
Cụ thể, theo Nghị định 18, nguyên liệu nhập sản xuất xuất khẩu cũng được miễn thuế nhập khẩu khi doanh nghiệp nhập khẩu có thuê gia công lại. Tuy nhiên, việc miễn thuế nhập khẩu chỉ được cho phép nếu người nhập khẩu chỉ thuê gia công lại một phần lượng nguyên liệu nhập khẩu hoặc một/một số công đoạn đoạn sản xuất, đồng thời phải tuân thủ các thủ tục hải quan liên quan.
Về vấn đề này, theo các doanh nghiệp trong ngành là sẽ gây khó cho doanh nghiệp vì rất nhiều doanh nghiệp phải thuê gia công ngoài. Song các xưởng gia công thường ở tỉnh lẻ nên khó có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của ngành hải quan.
Trước lo lắng của doanh nghiệp, lãnh đạo Lefaso cho biết Hiệp hội nói chung và cá nhân ông sẽ sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục giấy tờ, chuyển đổi số trong sản xuất… để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Trong năm nay, Lefaso sẽ tham gia các hoạt động tham vấn, góp ý kiến với các cơ quan Nhà nước trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có thể được kiểm soát nhờ phổ biến tiêm chủng vắc xin.
Hiệp hội cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động phổ biến chính sách nhà nước và thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài để phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu da – giày nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và duy trì phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ triển khai các hoạt động tuyên truyền và xây dựng các bộ tài liệu, sổ tay hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận các ưu đãi theo các Hiệp định FTA đã có hiệu lực (CPTPP và EVFTA) và các hiệp định đã ký kết dự kiến có hiệu lực trong năm 2021 (RCEP và UKFTA)…
Lê Hoàng
TBKTSG
|