Cổ phiếu nào đã tăng giá trong suốt 3 năm vừa qua?
Kết thúc năm 2021, VN-Index tăng trưởng 35%, dừng lại ở mốc 1,498.3 điểm. Nhiều cổ phiếu trên thị trường trong năm cũng ghi nhận mức tăng mạnh, trong đó, một số cổ phiếu đã giữ vững đà tăng trong suốt 3 năm liên tiếp.
Theo dữ liệu từ VietstockFinance, trong giai đoạn từ 2019-2021, thị trường ghi nhận 87 cổ phiếu thuộc sàn HOSE đã tăng trưởng liên tiếp trong cả 3 năm.
Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất khi có đến 22 cổ phiếu thuộc nhóm này, bao gồm một số “ông lớn” trong ngành như VHM, KBC, BCM, PDR,… Xếp sau nhóm bất động sản là nhóm cổ phiếu ngân hàng với 8 cổ phiếu, trong đó, cổ phiếu của 2 ngân hàng quốc doanh là VCB và CTG cũng góp mặt. Ngoài hai ngành chiếm đa số kể trên thì một số ngành như bảo hiểm, chứng khoán, bán lẻ,… cũng có cổ phiếu tăng trưởng liên tục trong 3 năm gần đây.
Chiều ngược lại, trên sàn HOSE chỉ có 3 cổ phiếu giảm điểm liên tiếp trong cả 3 năm, gồm SAB, BVH và VNG.
Cổ phiếu HOSE tăng giá trong tất cả các năm thuộc giai đoạn 2019-2021
Nguồn: VietstockFinance
|
Cổ phiếu HOSE giảm giá trong tất cả các năm thuộc giai đoạn 2019-2021
Nguồn: VietstockFinance
|
Đối với sàn HNX, trong giai đoạn từ 2019-2021, có 26 cổ phiếu đã luôn ghi nhận tăng trưởng, đồng thời không có bất kỳ cổ phiếu nào giảm điểm liên tiếp trong cả 3 năm.
Cổ phiếu HNX tăng giá trong tất cả các năm thuộc giai đoạn 2019-2021
Nguồn: VietstockFinance
|
Nhìn lại quãng đường 10 năm của VN-Index, dù năm 2021 không phải là năm chỉ số tăng trưởng mạnh nhất nhưng lại đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán sau khi chững lại trong năm 2018. Thị trường năm 2022 được nhiều chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục khả quan trong bối cảnh các hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh lần lượt được tháo gỡ.
Thành tích của VN-Index trong giai đoạn 2012-2021
Nguồn: VietstockFinance
|
Theo Báo cáo Chiến lược đầu tư 2022, Công ty chứng khoán (CTCK) VNDirect kỳ vọng VN-Index có thể dao động trong khoảng 1,700-1,750 điểm trong năm 2022, dựa trên các giả định như kỳ vọng P/E của VN-Index vào khoảng 16-16.5 lần vào cuối năm 2022; cùng với đó là dự báo lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp trên HOSE sẽ tăng trưởng 23% so với cùng kỳ và tỷ suất lợi tức cổ phần của VN-Index năm 2022 ở mức 1.4%.
Cẩn trọng hơn, CTCK Rồng Việt (VDSC) dự báo chỉ số có thể sẽ dao động với biên độ lớn từ 1,340-1,730 điểm, dựa trên mức PE dự phóng 2022 là 16.4 lần.
Tuy nhiên, điểm chung là hai CTCK này đều lưu ý nhà đầu tư về một số rủi ro của thị trường như áp lực lạm phát tăng cao có thể khiến Fed tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, điều này có thể dẫn đến dòng vốn ngoại tiếp tục rút ròng khỏi các thị trường mới nổi và cận biên; áp lực lạm phát cao hơn kỳ vọng ở Việt Nam có thể khiến Ngân hàng Nhà nước đảo ngược chính sách nới lỏng tiền tệ; và tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết có thể thấp hơn kỳ vọng.
Về phía CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), CTCK này kỳ vọng dòng vốn từ các nhà đầu tư nội vẫn có sự tăng trưởng nhất định trong năm 2022 nhưng phần nào đó sẽ bớt hào hứng hơn so với năm 2021, bởi mặt bằng giá cổ phiếu ở giai đoạn hiện tại nhìn chung đã được đẩy lên mức cao hơn khá nhiều so với thời điểm đầu năm 2021 và sự phục hồi chung của nền kinh tế cũng mở ra thêm những lựa chọn đầu tư khác cho nguồn vốn nhàn rỗi. Theo đó, VCBS dự báo mức cao nhất trong năm 2022 của chỉ số VN-Index có thể tiến lên đến vùng điểm số 1,580-1,600, tương đương với mức tăng khoảng 6-8% so với mức đỉnh của năm 2021.
Hà Lễ
FILI
|