Thứ Năm, 23/12/2021 11:36

Ùn tắc nông sản biên giới: Thị trường Trung Quốc đã không còn dễ tính?

Chuyên gia cho rằng đã đến lúc chúng ta cần đi thẳng vào thị trường nội địa của Trung Quốc, bằng đường hàng không, đường biển chứ không chỉ đi qua đường bộ.

Trước thực tế hơn 5.000 xe container hàng hoá chủ yếu là nông sản tắc nghẽn tại biên giới phía Bắc chờ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bagico, với kinh nghiệm từng giao thương với các thương lái Trung Quốc, bà cho rằng Trung Quốc họ cũng không hề thích việc nhập khẩu theo đường tiểu ngạch như hiện nay.

Hơn 5.000 xe container hàng hoá chủ yếu là nông sản tắc nghẽn tại biên giới phía Bắc chờ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: NNVN

Nguy cơ đã được cảnh báo

“Họ mong muốn cách làm chuyên nghiệp hơn từ phía chúng ta nên không thể đổ lỗi hoàn toàn phía nước bạn”, Chủ tịch Cty Bagico nhấn mạnh.

Không chỉ ùn tắc hàng nông sản biên giới Trung Quốc do các quy định về phòng chống dịch Covid-19. Trước đó, những tiêu chuẩn siết chặt của hàng hoá nhập khẩu vào thị trường này đều đã được đưa ra, cảnh báo "sở thích" của thị trường này đã thay đổi. Trong đó, đáng lưu ý, từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc chính thức áp dụng Lệnh 248 (Quy định Đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm) và Lệnh 249 (Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu).

Theo đó, toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc và cơ quan này cũng yêu cầu các mặt hàng thực phẩm, trong đó có nông sản, nhập khẩu vào nước này sẽ phải đáp ứng quy định mới về đăng ký, kiểm tra và dán nhãn.

Cuối tháng 10 vừa qua, các quan chức ngoại giao từ nhiều nền kinh tế, trong đó có Mỹ, Anh, Nhật Bản, Australia, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sỹ đã gửi thư cho Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Nghê Nhạc Phong bày tỏ quan ngại và phản đối quy định này.

Họ yêu cầu Trung Quốc trì hoãn áp dụng biện pháp trên trong ít nhất 18 tháng để tránh gây thêm gián đoạn cho chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang rất căng thẳng do tác động của đại dịch Covid-19. Các nhà ngoại giao này cho rằng Trung Quốc không đưa ra những hướng dẫn rõ ràng về cách thực hiện quy định mới.

Họ lo ngại nguy cơ hàng hóa bị ùn ứ, đình trệ vào phút chót, làm trầm trọng hơn tình trạng tắc nghẽn nguồn cung hàng hóa toàn cầu. Và quả thực những lo ngại này đã thành thực tiễn ùn tắc nghiêm trọng hiện nay. Đặc biệt, các quy định lại càng thêm phiền phức khi kèm theo các điều kiện mới của chính sách “zero COVID” của Trung Quốc.

Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc chính thức áp dụng Lệnh 248 Quy định Đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm và Lệnh 249 Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu.

Đến lúc cần "vào thẳng"

Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu thực phẩm lớn thứ sáu trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng, các quy định trên là nỗ lực nhằm giám sát tốt hơn lượng lớn thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc, đồng thời đặt trách nhiệm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhà sản xuất, thay vì cơ quan quản lý nước này.

Trung Quốc đã cố gắng áp dụng các quy định kiểm soát thực phẩm nhập khẩu này từ nhiều năm qua. Do đó, TS Đặng Kim Sơn, chuyên gia nông nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn khẳng định, đã đến lúc chúng ta cần đi thẳng vào thị trường nội địa của Trung Quốc, bằng đường hàng không, đường biển chứ không chỉ đi qua trung gian, đường bộ như thế này nữa.

"Trước đây thường chỉ xảy ra ùn tắc với thanh long, dưa hấu, hoặc chuối, nhưng giờ thì tất cả các mặt hàng đều không qua được biên giới. Thị trường Trung Quốc đã thực sự thay đổi, họ không chỉ đưa ra lý do chống dịch COVID mà đã cấm nhập khẩu tiểu ngạch. Họ không còn là thị trường dễ tính như trước nữa, cho thấy chúng ta cần nâng cao năng lực chuỗi kết nối tiêu thụ nông sản", TS Đặng Kim Sơn phân tích.

TS Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, từ vấn đề này, chúng ta phải điều chỉnh lại quan hệ thương mại với Trung Quốc, thay đổi tư duy win-win, tức là cùng có lợi.

"Hiện, Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều về chính sách tiêu thụ nông sản, không chỉ xuất khẩu tiểu ngạch, mà còn xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu qua đường biển… Chúng ta cần nhận diện rõ vấn đề này và thay đổi, nếu không thay đổi thì tình trạng nông sản ùn ứ sẽ còn tiếp diễn", ông Tiến cảnh báo

Thy Hằng

Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Các tin tức khác

>   Chính phủ không chấp nhận nhập 37 toa tàu đã qua sử dụng (23/12/2021)

>   Hiệu quả ảo từ những con số ảo (23/12/2021)

>   Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung kháng cáo kêu oan (23/12/2021)

>   Chính phủ yêu cầu khẩn trương khôi phục lại các chuyến bay thương mại quốc tế (23/12/2021)

>   Thủ tướng yêu cầu điều tra và xử lý nghiêm vụ án 'thổi giá' kít xét nghiệm tại Công ty Việt Á (23/12/2021)

>   Năm 2022 sẽ kết nối cơ sở dữ liệu dân cư, doanh nghiệp và tài nguyên (23/12/2021)

>   Gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải thủy tuyến Việt Nam-Campuchia (22/12/2021)

>   Thế Giới Di Động linh hoạt mở rộng ngành kinh doanh, mới nhất là bắt tay F88 (22/12/2021)

>   Một tuần nữa mở bay quốc tế mà giờ này chưa có đủ hướng dẫn (22/12/2021)

>   Đơn hàng nhiều, doanh nghiệp dệt may vừa mừng vừa lo (22/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật