Thứ Năm, 23/12/2021 09:17

Trung Quốc sẽ nới lỏng kiểm soát với ngành địa ốc?

Sau một năm thắt chặt kiểm soát lĩnh vực bất động sản, chính quyền Trung Quốc đang phát đi những tín hiệu nới lỏng đối với ngành công nghiệp này.

Theo Bloomberg, chính quyền tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc) vừa kêu gọi "nỗ lực hết mình" để thúc đẩy tăng trưởng của ngành bất động sản. Nhưng không lâu sau đó, tuyên bố đã lặng lẽ biến mất khỏi tài khoản WeChat và trang web của chính quyền tỉnh.

Các động thái bất thường của tỉnh Hắc Long Giang làm dấy lên những câu hỏi mới đối với tương lai của ngành công nghiệp bất động sản Trung Quốc.

Sau tuyên bố, một chỉ số theo dõi các cổ phiếu bất động sản niêm yết tại Thượng Hải đã tăng 3,8% trong phiên giao dịch hôm 21/12. Nhưng sau khi tuyên bố bị xóa bỏ, chỉ số này lao dốc 1% trong phiên giao dịch hôm 22/12.

Ngành công nghiệp địa ốc ảnh 1

"Ba lằn ranh đỏ" - những giới hạn được đưa ra nhằm tránh việc vay nợ quá mức của các tập đoàn bất động sản - đã khiến ngành công nghiệp bất động sản Trung Quốc lao đao. Ảnh: Reuters.

Tín hiệu nới lỏng?

"Rất khó để phán đoán xem đây có phải tín hiệu nới lỏng đối với lĩnh vực bất động sản hay không. Nhưng có một điều chắc chắn là Bắc Kinh sẽ không để cuộc khủng hoảng bất động sản bùng nổ", ông Castor Pang - Trưởng bộ phận nghiên cứu của Core Pacific-Yamaichi International Hong Kong Ltd. - bình luận.

"Trong khi đó, các nhà đầu tư đang phản ứng thái quá với bất cứ tin tức mới nào", ông nói thêm.

Bắc Kinh cũng đang nới lỏng các chính sách để thúc đẩy nền kinh tế giảm tốc tăng trưởng. Hôm 20/12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn lần đầu tiên sau 20 tháng.

Cụ thể, PBoC đã giảm lãi suất cơ bản đối với khoản vay một năm (còn gọi là LPR) từ 3,85% xuống 3,8%. Động thái này có thể tiếp nhiệt cho nền kinh tế vốn đang đối mặt nhiều thách thức.

Rất khó để phán đoán xem đây có phải tín hiệu nới lỏng đối với lĩnh vực bất động sản hay không. Nhưng có một điều chắc chắn là Bắc Kinh sẽ không để cuộc khủng hoảng bất động sản bùng nổ.

Ông Castor Pang, Trưởng bộ phận nghiên cứu của Core Pacific-Yamaichi International Hong Kong Ltd.

Các quan chức Bắc Kinh cho biết PBoC đang cố gắng giảm bớt áp lực cho vay tại ngân hàng thương mại và tăng thanh khoản trong bối cảnh giá nhà giảm.

Người mua đang ngày càng cảnh giác với cuộc khủng hoảng thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản.

"Điều này có thể giúp kéo dài thời gian trả nợ của các tập đoàn bất động sản, mua thời gian để xử lý 'bong bóng nhà đất'", nhà kinh tế Andy Xie tại Thượng Hải bình luận.

Các nhà kinh tế tại Everbright Securities cho biết động thái này có thể giúp duy trì "sự ổn định tín dụng", cũng như tăng trưởng kinh tế nói chung.

Bất động sản và các lĩnh vực liên quan như xây dựng chiếm ít nhất 25% GDP của Trung Quốc, theo Moody’s. Các tập đoàn địa ốc gặp ngày càng nhiều khó khăn trong việc xoay xở khoản nợ bằng đồng USD.

PBoC cũng đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với hầu hết ngân hàng kể từ ngày 15/12. Điều này giải phóng khoảng 1.200 tỷ NDT (tương đương 188 tỷ USD) cho các khoản vay kinh doanh và hộ gia đình.

Quyết định được đưa ra cùng ngày Bộ Chính trị Trung Quốc phát đi tín hiệu rằng nước này có thể có những động thái tích cực nhằm bảo vệ nền kinh tế vào năm 2022.

Khó mạnh tay nới lỏng

Trong một báo cáo mới đây, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - cơ quan cố vấn hàng đầu của chính phủ - dự báo tăng trưởng sẽ chậm lại từ 8% trong năm nay xuống còn 5,3% vào năm 2022.

Hồi đầu tháng, Tân Hoa Xã cho biết Trung Quốc sẽ "hỗ trợ thị trường nhà ở thương mại để đáp ứng nhu cầu nhà ở hợp lý của người mua".

Tuy nhiên, các quan chức chính phủ Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh: "Nhà để ở, không phải đầu cơ". Điều này cho thấy Bắc Kinh sẽ không mạnh tay nới lỏng những biện pháp kiểm soát đối với lĩnh vực bất động sản.

"Đó là một tín hiệu chính sách mạnh mẽ", ông Yan Yuejin - Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Trung Quốc E-house - bình luận về lời kêu gọi của chính quyền tỉnh Hắc Long Giang, trước khi tuyên bố bị xóa.

Ngành công nghiệp địa ốc ảnh 2

Bất động sản và các lĩnh vực liên quan như xây dựng chiếm ít nhất 25% GDP của Trung Quốc. Các tập đoàn địa ốc gặp ngày càng nhiều khó khăn trong việc xoay xở khoản nợ bằng đồng USD. Ảnh: CNN.

Theo ông Jiang Liangqing - Giám đốc điều hành của Zhuhai Greenbamboo Private Fund Management, các chính quyền tỉnh và địa phương của Trung Quốc có khả năng tiếp tục nới lỏng hạn chế ngay cả khi kín tiếng về những thay đổi này.

"Tôi không ngạc nhiên về việc tuyên bố bị gỡ xuống. Tuy nhiên, điều này không thay đổi thực tế là Hắc Long Giang sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản", ông nhận định.

"Các tỉnh khác đã và đang làm theo, ngay cả khi họ kín tiếng về điều này hơn", ông nói thêm.

Thảo Phương

ZING

Các tin tức khác

>   Mỹ phê chuẩn thuốc Covid-19, các cửa hàng giới hạn mua bộ test nhanh (23/12/2021)

>   Lạm phát tại Cuba tăng hơn 70% do COVID-19 và cấm vận của Mỹ (22/12/2021)

>   2021: Năm khó chồng khó của kinh tế thế giới (22/12/2021)

>   Có Tổng thống mới, Chile liệu có phê chuẩn CPTPP? (21/12/2021)

>   Kinh tế Trung Quốc giảm tốc gây thêm trở ngại cho kinh tế toàn cầu (21/12/2021)

>   Hãng dược Nhật tuyên bố thuốc viên trị Covid-19 hiệu quả với Omicron (21/12/2021)

>   CDC Mỹ: 73% ca mới tại Mỹ nhiễm biến chủng Omicron (21/12/2021)

>   'Mây đen' bao phủ kinh tế toàn cầu (21/12/2021)

>   Omicron có triệu chứng như cảm lạnh, nhưng giới khoa học cảnh báo thận trọng (20/12/2021)

>   Mỹ Latinh là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ lạm phát (20/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật