2021: Năm khó chồng khó của kinh tế thế giới
Sau 1 năm đầy mất mát trước đại dịch Covid-19, thế giới mang một kỳ vọng mới cho năm 2021: Vắc-xin Covid-19 được đẩy nhanh và nền kinh tế bắt đầu hồi phục. Có lẽ, chúng ta sẽ bước vào một thế giới mới tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế lại khác, những gì xảy ra là sự gián đoạn liên hồi, môi trường bất định và một cảm giác mong manh dường như trông giống một bình thường mới.
Thảm họa hậu bầu cử Mỹ
Ngày 6/1, hàng ngàn người ủng hộ cựu Tổng thống Trump biểu tình tại khu vực gần tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Washington D.C trong lúc Quốc hội họp kiểm phiếu đại cử tri.
Giữa lúc việc kiểm phiếu đang diễn ra, nhiều người biểu tình vượt qua hàng rào an ninh bên ngoài và tràn vào trong tòa nhà Quốc hội, gây ra cảnh bạo lực được cho là chưa từng thấy.
Lãnh đạo nhiều nước đã bày tỏ "sốc" trước cảnh người biểu tình bạo lực tràn vào tòa nhà. Cảnh sát tại tòa Quốc hội Mỹ buộc phải sử dụng súng và hơi cay để đối phó.
Biến chủng mới gieo sầu cho thế giới
Với mức độ lây lan nhanh hơn khoảng 50% so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu, biến chủng Delta chỉ mất vài tháng để lan rộng ra khắp thế giới.
Ngay cả những quốc gia từng thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh như Việt Nam cũng “thất bại” trước sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta. Hiện nay, phần lớn quốc gia đều đã kiểm soát được sự lây lan của biến chủng Delta với việc đẩy nhanh tiêm vắc-xin Covid-19 và thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Dù vậy, thế giới vẫn chưa thể dứt nỗi ám ảnh về Covid-19 khi biến chủng mới Omicron xuất hiện. Một điểm tích cực là kết quả nghiên cứu phòng thí nghiệm của Pfizer cho thấy mũi vắc-xin thứ 3 của hãng cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ trước biến thể Omicron. Bên cạnh đó, Pfizer cũng công bố kết quả thử nghiệm thuốc trị Covid-19 có hiệu quả gần 90% trong ngăn ngừa rủi ro cao người nhập viện và tử vong.
Tàu Evergreen mắc kẹt tại kênh đào Suez
Ever Given, một trong những tàu container lớn nhất thế giới với tổng trọng tải hơn 200,000 tấn, bịt kín kênh đào Suez khi di chuyển từ Biển Đỏ tới Địa Trung Hải. 25 thủy thủ đoàn không bị thương, thân tàu và hàng hóa không bị hư hại và không có rò rỉ dầu sau sự cố, nhưng mọi hoạt động di chuyển qua kênh đào phải dừng suốt 6 ngày qua.
Con tàu đã chặn con đường vận chuyển mà hơn 10% thương mại hàng hải toàn cầu đi qua, phần lớn là dầu và ngũ cốc. Kênh đào Suez, mở cửa vào năm 1869 và nhiều lần được mở rộng kể từ đó, là lối đi tắt quan trọng giữa châu Á và châu Âu, giúp các tàu bè không phải di chuyển vòng quanh châu Phi.
Sự cố tại kênh đào Suez càng làm trầm trọng tình trạng tắc nghẽn vận tải biển và đẩy giá cước vận tải container tăng vọt từ tháng 3/2021 giữa lúc nhu cầu bùng nổ.
Cơn sốt giá hàng hóa
Từ các nhà sản xuất nệm, hãng sản xuất ô tô cho đến nhà sản xuất giấy nhôm, tất cả đều đẩy mạnh tích trữ nguyên vật liệu nhiều hơn mức họ cần giữa lúc nhu cầu bùng nổ và kinh tế khởi sắc.
Tình trạng thiếu hụt, tắc nghẽn giao thông vận tải và giá cả tăng vọt đang gần đạt mức cao nhất trong lịch sử gần đây.
Từ đồng, quặng sắt và thép cho tới bắp ngô, cà phê, lúa mì và đậu nành, cũng như gỗ xẻ, chất bán dẫn, nhựa và bìa cứng, tất cả đều chứng kiến giá tăng vọt.
Kỷ nguyên lạm phát và thắt chặt tiền tệ
Ngày càng nhiều nhà quan sát cảnh báo lạm phát sắp tăng nhanh chóng. Mối đe dọa này đã làm rung chuyển các thủ đô, ngân hàng trung ương, nhà máy và siêu thị trên khắp thế giới.
Đà tăng kéo dài của lạm phát đang gây bất ngờ cho các lãnh đạo Ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới theo cách mà họ chưa từng nghĩ tới mới đây vài tháng. Bối cảnh đã thay đổi và lập trường chính sách tiền tệ cũng rẽ sang hướng khác: Thắt chặt tiền tệ.
Chỉ số giá tiêu dùng của các nước tính tới tháng 11/2021
Các vị thần bảo hộ chính sách tiền tệ cảm thấy lo ngại giai đoạn tiền rẻ có lẽ đã kéo dài quá mức – một yếu tố châm ngòi cho sự bùng nổ của lạm phát, cho vay quá mức và thậm chí gây bất ổn về tài chính ngay khi thế giới vùng dậy từ đại dịch Covid-19. Ngay cả Chủ tịch Fed Jerome Powell – người ủng hộ nhiệt thành nhất cho quan điểm lạm phát chỉ là tạm thời – gần đây cũng đã rút lại cụm từ “tạm thời” và cho rằng lạm phát đang là mối đe dọa với nền kinh tế Mỹ.
Trong bối cảnh đó, Fed đã đẩy nhanh quá trình cắt giảm chương trình mua tài sản, đồng thời dự báo nâng lãi suất 3 lần. Trong khi đó, nhiều NHTW khác như Anh, Na Uy, Nga đã tiến hành nâng lãi suất trở lại.
Archegos: Vụ call margin lớn nhất trong lịch sử
Archegos – quỹ quản lý tài sản gia đình (family office) dưới sự kiểm soát của Bill Hwang – bị call margin hồi cuối tháng 3/2021 vì đầu tư tập trung vào một vài cổ phiếu và sử dụng đòn bẩy quá cao. Đỉnh điểm, Archegos sở hữu lượng vốn hơn 20 tỷ USD, nhưng tổng vị thế lại vượt hơn 100 tỷ USD.
Sự sụp đổ đột ngột của Archegos Capital Management là một trong những cú sụp ngoạn mục nhất trong lịch sử tài chính hiện đại. Khối tài sản 20 tỷ USD của nhà sáng lập Archegos, Bill Hwang, cũng bốc hơi nhanh chóng sau khi các khoản đầu tư bao gồm ViacomCBS và Discovery lao dốc và châm ngòi cho vụ call margin lớn nhất từ trước đến nay.
Sự trỗi dậy của đám đông “hung hãn” Reddit
Đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến sự nổi dậy của các nhà đầu tư cá nhân, trong đó tập hợp chủ yếu tại WallStreetBets - một trang con thuộc website tập hợp thông tin Reddit. Họ trở thành "đội quân Reddit", "đám đông hung hãn trên Reddit"... theo cách gọi của giới truyền thông.
Cơn sốt từ “đám đông hung hãn này” lan rộng và thậm chí vượt ra khỏi phạm vi của Phố Wall, làm trồi sụt thị trường chứng khoán từ Amsterdam cho tới Sydney khi binh đoàn nhỏ lẻ đổ xô vào những cổ phiếu mà dòng tiền nhỏ lẻ có thể hướng tới.
Đội quân nhà đầu tư cá nhân này đề ra hai mục tiêu chính: Đẩy giá cổ phiếu lên cao để tìm kiếm lợi nhuận cho mình, và cùng với đó, buộc các quỹ lớn phải từ bỏ trạng thái đặt cược vào sự mất giá của những công ty đang gặp khó khăn như GameStop, AMC, Macy's…
“Bom nợ” Evergrande
Sau nhiều năm vay nợ để tạo đà tăng trưởng, giờ đây Evergrande phải gục ngã trước chiến dịch kiểm soát nợ của Bắc Kinh, thậm chí họ đang đứng trước bờ vực sụp đổ. Với khoản nợ lên tới 300 tỷ USD, Evergrande đang là tập đoàn bất động sản nặng nợ nhất trên thế giới.
Doanh số bán nhà giảm sốc, chứng khoán liên quan tới Evergrande lao dốc và hàng loạt cuộc biểu tình nhà cung ứng, nhà đầu tư nhỏ lẻ và người mua nhà. Đây là một vài hệ lụy mà Evergrande phải gánh chịu trong cuộc khủng hoảng thanh khoản hiện tại.
Trong tình cảnh đó, Evergrande dùng bất động sản để trả nợ, đẩy nhanh bán tài sản và thậm chí nhà sáng lập Evergrande – ông Hứa Gia Ấn còn phải tự bỏ “tiền túi” để trả bớt nợ cho Tập đoàn. Lượng thanh khoản thu về từ bán tài sản đã 3 lần giúp Evergrande thanh toán nợ trái phiếu kịp thời khi giai đoạn ân hạn kết thúc. Tuy nhiên, ở lần thứ 4, dường như họ đã cạn kiệt thanh khoản. Ngày 09/12, Fitch Ratings dán nhãn “vỡ nợ giới hạn” đối với Evergrande sau khi hãng này lỡ hẹn trả lãi 2 lô trái phiếu. Kế đó, hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global cũng tuyên bố Evergrande bị “vỡ nợ có chọn lọc”.
Facebook đổi tên thành Meta
Facebook đã chính thức đổi tên công ty thành Meta vào ngày 28/10, nhằm tách mình ra khỏi doanh nghiệp truyền thông xã hội đang chìm trong khủng hoảng và tự thay đổi thành nhà sáng tạo hướng tới tương lai của một thế giới kỹ thuật số mới, được gọi là metaverse.
Tên gọi mới phản ánh rõ tham vọng phát triển từ mạng xã hội đơn thuần sang một công ty vũ trụ ảo của CEO Mark Zuckerberg. "Thương hiệu của chúng tôi được liên kết chặt chẽ với một sản phẩm, đến nỗi nó không thể đại diện cho tất cả những gì chúng tôi làm hôm nay, chứ chưa nói đến tương lai", Mark Zuckerberg phát biểu tại sự kiện Facebook Connect diễn ra trực tuyến rạng sáng nay. "Từ bây giờ, chúng tôi sẽ được biết đến đầu tiên như một vũ trụ ảo metaverse, không chỉ còn là Facebook".
Elon Musk: Người giàu nhất thế giới và là “Nhân vật của năm 2021”
2021 là một năm bùng nổ đối với Elon Musk khi ông bước lên ngôi vị giàu nhất thế giới với tài sản có lúc chạm mốc 300 tỷ USD (một phần là nhờ đà tăng của cổ phiếu Tesla). Với SpaceX, ông đã thực hiện chuyến bay đầu tiên đưa khách vào không gian để du lịch vũ trụ.
Ngày 14/12, Tạp chí Time vinh danh Elon Musk – CEO Tesla và SpaceX – là “nhân vật của năm”.
“Người giàu nhất thế giới không sở hữu nhà và gần đây đã bán tháo tài sản của mình. Ông phóng vệ tinh vào quỹ đạo và tận dụng năng lượng mặt trời; ông lái chiếc xe do chính mình tạo ra, không sử dụng xăng và gần như không cần người lái. Chỉ với một cái búng tay của ông ấy, thị trường chứng khoán tăng vọt hoặc lao dốc. Một đội quân của những tín đồ luôn theo dõi từng lời nói của ông”, Tạp chí Time đánh giá.
Ngoài Tesla và SpaceX, Elon Musk còn là nhà sáng lập của một số công ty khác như Neuralink (phát triển chip để cấy vào não người nhằm thực hiện "những điều phi thường), Boring Company (công ty xây dựng những hệ thống đường ngầm để xử lý ùn tắc giao thông) hay SolarCity (công ty năng lượng mặt trời)…
Vũ Hạo
FILI
|