Thứ Sáu, 03/12/2021 08:11

TP.HCM sẽ chuyển đổi công năng hàng ngàn héc ta đất lúa

Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM vừa có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về việc trình HĐND TP thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân tại 9 quận, huyện, với tổng diện tích 901,2 ha, nhằm phục vụ việc đô thị hóa, phát triển kinh tế TP.

Ồ ạt xin chuyển đổi đất nông nghiệp

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết sẽ có 43 dự án cần thu hồi đất, 21 dự án cần thu hồi đất và có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (trong đó có 3 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa), 6 dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10 ha, 1 dự án chuyển mục đích đất rừng phòng hộ dưới 20 ha (tại H.Cần Giờ), 32 dự án cần điều chỉnh diện tích thu hồi đất và điều chỉnh diện tích chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng. Tổng cộng có khoảng 901,20 ha đất trồng lúa trên địa bàn TP có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất. Trong đó Q.Bình Tân có 19,84 ha, H.Nhà Bè 60,77 ha, H.Hóc Môn 395,80 ha, H.Cần Giờ 60,82 ha, H.Củ Chi 78,13 ha, H.Bình Chánh 128,36 ha và TP.Thủ Đức có 142,19 ha.

TP.HCM sẽ chuyển đổi công năng hàng ngàn héc ta đất lúa - ảnh 1

Nhiều ý kiến cho rằng TP chỉ nên giữ lại một ít đất nông nghiệp. KHẢ HÒA

Trước đó, từ năm 2016 - 2020, đã có 26.246 ha đất nông nghiệp của TP.HCM được chuyển sang đất phi nông nghiệp; 1.363 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở và xu hướng này vẫn đang tiếp tục. Trong năm 2021, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP, cũng đã ký quyết định phê duyệt cho H.Bình Chánh được chuyển tổng cộng gần 1.350 ha từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (trong đó có đất ở).

Đến nay, H.Bình Chánh chỉ còn giữ lại 6.000 ha đất nông nghiệp và dự kiến đến năm 2025 chỉ còn giữ lại 350 ha đất chuyên trồng lúa tại xã Tân Nhựt để đảm bảo an ninh lương thực. H.Nhà Bè có lượng đất nông nghiệp khá lớn trên địa bàn với khoảng 4.600 ha, chiếm 40% diện tích của cả huyện.

Trong thời gian tới, huyện này sẽ chỉ giữ lại 300 ha để làm nông nghiệp công nghệ cao. Chuyển đổi đất nông nghiệp được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong chương trình phát triển lên quận của huyện này trong 5 năm tới.

Không chỉ Nhà Bè hay Bình Chánh, các quận huyện khác như Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ hay Q.9 cũ cũng hướng đến chuyển đổi đất đai sang phục vụ cho ngành dịch vụ, công nghiệp. Mục đích của việc “ồ ạt” chuyển đất nông nghiệp lên đất phi nông nghiệp nhằm chủ trương tạo điều kiện tốt cho huyện trong việc giải quyết nhà ở cho nhân dân, vì ở các địa phương này nhu cầu về nhà ở của người dân rất lớn.

Chỉ nên giữ lại một ít đất nông nghiệp

Một lãnh đạo của Phòng Quản lý đất đai (Sở TN-MT) cho biết diện tích đất nông nghiệp của TP vẫn còn nhiều, nhưng do đặc thù của TP là tốc độ đô thị hóa nhanh chóng nên bị chia cắt, manh mún. Điều này lại là trở ngại lớn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gây tâm lý ngại đầu tư cho sản xuất nông nghiệp do đất đai không ổn định.

Thực tế, phần lớn quỹ đất nông nghiệp tại TP.Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi đã nhiều năm không thể canh tác bởi tác động của đô thị hóa, ô nhiễm nguồn nước. Trong khi đó, việc xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp đô thị công nghệ cao (nhà lưới, nhà màng, nhà kho, chuồng trại...) cũng gặp nhiều khó khăn do vướng các quy định. Hiện TP mới cho thí điểm xây dựng các công trình tạm trên đất nông nghiệp nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp tại huyện Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè.

Theo thống kê, đến năm 2020, TP.HCM có 88.005 ha đất nông nghiệp, chiếm 42,1% diện tích đất toàn TP, tập trung tại các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè và Q.9 cũ. Nhiều ý kiến cho rằng TP.HCM là đầu tàu về kinh tế, du lịch, dịch vụ, nhưng vẫn giữ gần 50% đất nông nghiệp là một con số quá lớn trong khi nông nghiệp chỉ đóng góp vào GRDP của TP là 0,8%. Trong khi đất cho công nghiệp, dịch vụ dù diện tích chỉ khoảng 8%, nhưng đóng góp đến 99% GRDP. Chính vì vậy cần xem xét cho chuyển thêm diện tích đất nông nghiệp sang các loại đất phi nông nghiệp để giúp cho sự phát triển kinh tế TP. Khi chuyển đổi TP sẽ tiến hành đấu giá quỹ đất này và thu về hàng triệu tỉ đồng, tạo thêm vốn để thực hiện các đề án như chỉnh trang đô thị, di dời nhà ở ven kênh, cải tạo chung cư cũ…

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tính toán, 1 ha đất nông nghiệp được chuyển đổi sẽ tạo ra giá trị ước khoảng 55 tỉ đồng/năm, giá trị tăng lên hàng trăm lần. Không những thế, việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất dịch vụ, đất ở cũng giúp tránh tình trạng xây dựng trái phép tràn lan thời gian qua ở các khu vực quận huyện vùng ven. Điển hình như ở H.Bình Chánh sở dĩ xây dựng không phép tràn lan, người dân vẫn ồ ạt mua bán nhà đất giấy tay bởi diện tích đất ở quá ít, trong khi dân số rất đông. Dự kiến, sau chuyển đổi đất nông nghiệp, chỉ tiêu dân số các khu vực này sẽ tăng lên hàng trăm nghìn cư dân, mật độ xây dựng cũng sẽ tăng lên 35 - 40% so với hiện nay.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho rằng TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, cũng là nơi có tốc độ đô thị hóa cao và nhu cầu về phát triển nhà ở, đất cho dịch vụ, công nghiệp tăng cao. Chính vì vậy, việc có thật nhiều đất để phục vụ nhu cầu xây dựng hạ tầng, nhà ở, du lịch, dịch vụ… là điều cần thiết.

Trong quy hoạch sắp tới, đối với một đô thị đang phát triển như TP.HCM vẫn cần giữ lại một mật độ nhất định đất nông nghiệp để tạo những không gian mở như cây xanh, mặt nước, công viên; dùng vào mục đích phát triển nông nghiệp dưới dạng nông nghiệp công nghệ cao, tạo yếu tố môi trường, sinh thái, phát triển nông nghiệp phụ trợ cho đời sống tại đô thị hiện nay.

GS Đặng Hùng Võ

Đình Sơn

Thanh niên

Các tin tức khác

>   TP.HCM có hơn 900ha đất trồng lúa cần chuyển mục đích sử dụng (30/11/2021)

>   'Ma trận' thủ tục hành chính trong xây dựng đang đẩy giá nhà đất tăng cao (29/11/2021)

>   Bơm 'ô xy' cho doanh nghiệp bằng cải cách thủ tục hành chính (27/11/2021)

>   Đề xuất không tăng hệ số điều chỉnh giá đất ở TP.HCM trong năm 2022 (26/11/2021)

>   Thanh tra Bộ TN-MT sẽ thanh tra đột xuất các vấn đề gì năm 2022? (25/11/2021)

>   Bộ Xây dựng thanh tra diện rộng quỹ đất xây NƠXH, phí bảo trì chung cư (24/11/2021)

>   UBND TP.HCM chỉ đạo sớm giải quyết cấp sổ đỏ cho người dân (22/11/2021)

>   Đẩy mạnh cấp sổ đỏ cho người dân (19/11/2021)

>   TPHCM kiến nghị cho phép chậm nộp, giãn nộp tiền sử dụng đất (18/11/2021)

>   Nếu gỡ ách tắc thủ tục, sẽ kéo giảm giá nhà (16/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật