Bơm 'ô xy' cho doanh nghiệp bằng cải cách thủ tục hành chính
Ngày 26.11, Bộ Xây dựng và Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan.
Tại hội nghị, TS Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, đã công bố báo cáo khảo sát thực tế từ các doanh nghiệp (DN) cả nước.
Khó khăn nhất khi thực hiện thủ tục để có “đất sạch”
Theo báo cáo, DN gặp nhiều khó khăn nhất khi thực hiện các thủ tục liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng với tỷ lệ là 50%. Tiếp đến là thủ tục hành chính (TTHC) liên quan quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị (48%). Đây là 2 loại TTHC gây khó khăn nhất đối với DN. Báo cáo cũng cho rằng cơ quan nhà nước cần tiếp tục đơn giản hóa các nhóm thủ tục liên quan thẩm định, thẩm duyệt, bao gồm thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng; thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm duyệt về PCCC.
Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng chính là gói cứu trợ cho doanh nghiệp ngành và tạo động lực lớn cho nền kinh tế. Lê Quân
|
Theo VCCI, tỷ lệ DN được khảo sát nêu ý kiến gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục 3 nhóm này lần lượt là 43,7%; 42,9% và 41,4%. Đây là những nhóm thủ tục liên quan việc phối hợp giữa các cơ quan liên ngành trong công tác thẩm định, thẩm duyệt của Bộ Xây dựng và Bộ Công an. Bên cạnh đó, thủ tục liên quan quyết định chủ trương đầu tư gây khó khăn có 40,9% DN được khảo sát. DN chỉ ít gặp khó khăn với các TTHC về kết nối cấp thoát nước, cấp điện, với tỷ lệ gặp khó khăn lần lượt là 24,3% và 27,6%.
Đáng chú ý, về thủ tục cấp phép xây dựng, báo cáo của VCCI dẫn thông tin báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết TTHC cấp phép xây dựng ở nước ta có tới 10 bước, liên quan nhiều bộ, ngành, địa phương về đầu tư, đất đai, môi trường, PCCC và cần trung bình là 23,93 ngày mới hoàn thành. Theo đó, một DN điển hình sẽ cần khoảng 3 lượt đến cơ quan nhà nước để hoàn tất xin cấp phép xây dựng trong năm 2020, thậm chí có DN phải cần đến 9 lần qua lại cơ quan cấp giấy phép. Tình trạng này cũng không khá hơn năm 2019.
Từ thực tế khảo sát các DN, VCCI nhìn nhận dư địa cải cách TTHC ở nước ta còn nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường. Cần thiết xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ thuận lợi của việc thực hiện TTHC liên quan đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường ở cấp tỉnh. Từ đó chỉ rõ địa phương nào hỗ trợ DN tốt hơn, hay tạo cơ chế khó khăn hơn khi thực hiện các TTHC liên quan các lĩnh vực kể trên.
Nằm trong tầm tay cơ quan nhà nước
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng dịch Covid-19 gây nhiều tác động xấu, nhưng cũng tạo ra động lực cải cách TTHC, tạo áp lực thay đổi rất lớn để hoàn thiện thể chế, và vấn đề này trong tầm tay của cơ quan nhà nước. Ngành xây dựng đang đóng góp trên 6% GDP, nếu tính cả bất động sản, các công trình hạ tầng, thì lĩnh vực xây dựng đóng góp hơn 20% GDP cả nước, tạo ra hàng triệu việc làm và cũng là ngành kinh tế đầu tàu. Do vậy, cải cách TTHC thành công sẽ mang lại tác động to lớn không chỉ cho một ngành, mà còn tạo động lực bứt phá lớn cho cả nền kinh tế.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Cải cách môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, nhận định cải cách môi trường kinh doanh là giải pháp không tốn kém nhưng mang lại hiệu quả bền vững. WB những năm qua đánh giá thủ tục cấp phép xây dựng của VN có thứ hạng rất cao, đứng 25/190 nền kinh tế. Dù thế, thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng thực tế vẫn rất dài, các DN phải thực hiện 10 bước, trung bình mất khoảng 166 ngày để hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng một công trình. Trong khi đó, tại Singapore, DN cũng thực hiện 9 bước thủ tục, nhưng chỉ mất 35,5 ngày để xong thủ tục.
Bà Thảo cho biết khi làm việc với địa phương, DN về việc sửa đổi quy định pháp luật, năm 2015 - 2016, Bộ Xây dựng đã kịp thời có những điều chỉnh liên quan quy định pháp lý để đảm bảo thuận lợi hơn, phân cấp hơn. Luật Xây dựng năm 2020 đã khắc phục một phần những chồng chéo với lĩnh vực khác. Tuy vậy, việc sửa đổi pháp luật chưa thực sự phân cấp, phân quyền cho địa phương. Việc thực thi trên thực tế khác biệt so với quy định. Bà Thảo cũng đề nghị Bộ Xây dựng cần đẩy mạnh thực hiện thủ tục trong cấp phép đầu tư xây dựng theo hình thức trực tuyến.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng cải cách TTHC thì phải đặt mục tiêu cho thấy kết quả là người dân, DN phải được hưởng lợi. Sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương trong việc cải cách TTHC rất quan trọng, nếu thiếu đồng bộ thì không thể tạo ra gói “cứu trợ” cho DN. Ách tắc một thủ tục thì tắc đến nhiều thủ tục khác. Cần có quy trình thống nhất giữa các cơ quan liên ngành, và cần có một cơ quan đứng ra làm đầu mối về cải cách TTHC trong lĩnh vực xây dựng, phù hợp nhất là Bộ Xây dựng giữ vai trò tiên phong.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng, đề nghị cần tháo gỡ sớm một số vấn đề để giải quyết thông tắc cho các dự án bất động sản. Chẳng hạn như điều chỉnh sớm luật Nhà ở 2014, luật Đầu tư để tháo gỡ cho hơn 400 dự án ở Hà Nội và TP.HCM đang bị ách tắc. Đồng thời chỉnh lại thời hạn bảo hành nhà ở là 24 tháng để thuận tiện cho chủ đầu tư.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đồng tình cho rằng TTHC trong lĩnh vực xây dựng còn nhiều dư địa để rà soát, cắt giảm mạnh. Tâm đắc với ý kiến cắt giảm TTHC, tạo cơ chế thông thoáng cho DN, nhà đầu tư cũng chính là tạo ra gói hỗ trợ có tác dụng sâu, rộng, bền vững, ông Nghị cho biết sẽ đẩy mạnh rà soát lại những điểm bất cập trong các luật Xây dựng, luật Quy hoạch đô thị, luật Kinh doanh bất động sản, luật Nhà ở… trong thời gian tới.
Nhanh chóng chỉnh sửa luật Đất đai, trong đó đặc biệt cần làm rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền trong giải phóng mặt bằng, làm rõ cho người dân hiểu được quyền hạn, trách nhiệm của người thuê đất của nhà nước để tránh được các khiếu kiện phức tạp… Việc xem xét, điều chỉnh tách bạch vấn đề đấu thầu, đấu giá dự án có sử dụng đất cần một chương riêng trong luật Đấu thầu, hoặc tách thành luật riêng cũng cần thiết…
Ông Phan Đức Hiếu
|
Lê Quân
Thanh niên
|