Thứ Bảy, 11/12/2021 21:00

Thủ tướng ‘đặt hàng’ chuyển đổi số và quyết tâm của Bộ trưởng

Hội nghị chuyển đổi số quốc gia diễn ra cả ngày hôm nay đã kết thúc một cách mạnh mẽ với những đặt hàng và kỳ vọng của Thủ tướng Phạm Minh Chính và quyết tâm của Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Phát biểu bế mạc diễn đàn “Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế” cuối chiều nay 11.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ xúc động khi dự một diễn đàn rất trang trọng với quyết tâm chuyển đổi số quốc gia mạnh mẽ.

Ông cho biết đến dự với một tâm trạng rất vui, các doanh nghiệp (DN), người dân và bộ, ngành đã vào cuộc rất tích cực, tạo ra nhiều sản phẩm thiết thực, làm lợi cho người dân, góp phần rất quan trọng làm cho đất nước ta ngày càng hùng cường, vững mạnh và thịnh vượng.

Thủ tướng ‘đặt hàng’ chuyển đổi số và quyết tâm của Bộ trưởng - ảnh 1

Thủ tướng đặt nhiều đề bài và kỳ vọng vào chuyển đổi số và các doanh nghiệp công nghệ số. Gia Hân

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho hay rất lo lắng “vì tham vọng rất lớn, yêu cầu rất cao, nhưng thời gian lại rất có hạn. Ta giải quyết mâu thuẫn này thế nào để sang năm ta lại ngồi tại đây, đếm được các sản phẩm phải nhiều hơn về số lượng, chất lượng phải cao hơn và người dân phải được lợi hơn. Đây là thách thức rất lớn trong điều kiện hiện nay. Năm 2022 không tốt hơn 2021 thì hội nghị hôm nay hoành tráng đến mấy cũng không vui, không xứng đáng với sự mong mỏi của người dân”.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chuyển đổi số là một yêu cầu khách quan, không thể không làm, nếu chúng ta đứng lại sau thì không thể phát triển được. Đây cũng là xu thế của toàn cầu, vì thế phải đặt trong tổng thể của toàn cầu, có cách tiếp cận toàn cầu.

Tinh thần dân tộc trong chuyển đổi số

“Không thể chạy trước một mình được, rất khó. Phải có sự đoàn kết, hợp tác, học hỏi. Bên cạnh cách tiếp cận toàn cầu, thì chuyển đổi số phải tiếp cận toàn dân, phục vụ cho toàn dân, ảnh hưởng đến sinh hoạt, giải quyết tâm tư, tình cảm, bức xúc của người dân. Người dân và doanh nghiệp phải là chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số. Mọi chính sách phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, tham gia vào quá trình chuyển đổi số tích cực, hiệu quả; hài hoà giữa lợi ích người dân, doanh nghiệp và nhà nước, chia sẻ rủi ro nếu có thất bại”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cũng cho hay rất tán thành một số ý kiến là phải thể hiện tinh thần dân tộc trong chuyển đổi số. “Dân tộc ta có cái hay là càng khó khăn, phức tạp, thách thức càng đoàn kết, phấn đấu đi lên để khẳng định mình. Đó là cơ hội để phát triển. Dân tộc không thể tách rời thời đại và mối quan hệ quốc tế được. Ta xác định tự lực tự cường là chính để vươn lên, nguồn lực bên trong là chiến lược cơ bản lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá”, Thủ tướng chia sẻ.

Nguồn lực bên trong chính là lịch sử lâu dài, thiên nhiên, trí tuệ và sức lực con người Việt Nam, trung tâm là con người. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, nguồn lực tài chính còn ít thì phải tranh thủ nguồn lực bên ngoài. “Vấn đề đầu tiên là tiền đâu. Công nghệ thì ta cũng là nước đang phát triển, trải qua nhiều năm chiến tranh. Khi bị bao vây cấm vận, chúng ta bị dồn xuống đáy giếng và chân tường, ta phải vươn lên và thoát ra. Quản trị phải mang tính toàn cầu, từ ao hồ phải ra biển, không thể loay hoay được”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng tham quan các gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam. Gia Hân

Cụ thể hơn, theo Thủ tướng, phải đặt ra câu hỏi chuyển đổi số phải tham gia vào những vấn đề gì? Chuyển đổi số phải tham gia thúc đẩy phát triển từ chiều rộng đến chiều sâu, tái cơ cấu lại nền kinh tế. Phải tham gia vào phòng chống Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Dẫn lại câu chuyện chống dịch vừa qua, theo Thủ tướng, giai đoạn trước đây khi chưa có vắc xin, chưa hiểu vi rút Delta, thì ta phải dùng các biện pháp hành chính để chống dịch là cách ly. Vũ khí là vắc xin và thuốc đặc trị. Nhưng khan hiếm vắc xin toàn cầu, tiếp cận rất khó khăn, không chỉ ta mà các nước khác cũng thế. Đánh địch phải hiểu địch, nhưng ta không hiểu giặc ở đâu trước các loại vi rút này. Mà cách ly thì mọi hoạt động không còn bình thường, ta không những giãn cách xã hội mà còn giãn cách tăng cường để chống dịch, nên kinh tế quý 3 âm 6,3% tăng trưởng.

Từ đầu tháng 10 đến nay, sau khi tiến hành Nghị quyết 128 vừa chống dịch tốt vừa khôi phục phát triển kinh tế, kết quả thực hiện đã chứng minh chủ trương là đúng, kinh tế vĩ mô đã phục hồi. Thu đủ chi, xuất đủ nhập, lương thực thực phẩm đủ, làm đủ ăn, cân đối đủ điện.

Giúp người dân ấm no, đất nước hùng cường

Thủ tướng nhắc lại nhiều lần, chuyển đổi số phải phục vụ cho chống dịch, chống dịch tốt mới phát triển kinh tế - xã hội được. Đồng thời, phải phục vụ cho chống biến đổi khí hậu; khắc phục được tình trạng cạn kiệt tài nguyên; phục vụ cho học tập, làm việc trực tuyến; khắc phục nguy cơ già hoá dân số. Quan trọng nhất là chuyển đổi số phải phục vụ cho người dân ngày càng ấm no hạnh phúc, đất nước ngày càng hùng cường thịnh vượng.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại diễn đàn. Gia Hân

Ông cũng nêu phương châm đã làm thì không cầu toàn, nhưng cũng không nóng vội. Tuân thủ thể chế, nhưng nếu thể chế vướng mắc, thiếu hụt ở đâu thì ta khắc phục ở đó, không bảo thủ. Về phía nhà nước phải tăng cường quản lý với phát triển các DN công nghệ số, tạo sự thông thoáng cho DN phát triển. Ngoài ra, chuyển đổi số phải tập trung phát triển nguồn nhân lực số, cơ sở dữ liệu; chuyển đổi số trong các lĩnh vực như ngân hàng, đất đai, logistic...

Dù vậy, ông cũng nhắc nhở các DN cần tập trung chú trọng sản phẩm cho tốt. "Ý tưởng thì tốt nhưng khi tôi tham quan các sản phẩm, bấm vào máy thì chưa ra được sản phẩm. DN cần gì thì phải đề xuất, Chính phủ sẽ trả lời, cần cơ chế chính sách gì, nếu thuộc thẩm quyền thì Chính phủ sẽ xử lý, vượt thẩm quyền thì Chính phủ sẽ báo cáo. Lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ giữa nhà nước, người dân và DN. Nếu phá vỡ cấu trúc này thì không còn sự cân bằng”, ông nói.

Lời hứa của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Xúc động khi đáp từ sau bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, sự có mặt của Thủ tướng cả buổi chiều hôm nay tại diễn đàn đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt với tinh thần tự cường tới các doanh nghiệp công nghệ Make in Vietnam. Rất nhiều chia sẻ của Thủ tướng đã nói lên “nỗi đau” của đất nước từ cạn kiệt tài nguyên, già hoá dân số, biến đổi khí hậu, chênh lệch giàu nghèo, đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế... Đó luôn là động lực để người Việt Nam, giới công nghệ giải quyết và thông qua đó làm cho Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

“Thủ tướng hãy tin vào người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam. Năm sau ngày này Thủ tướng đến đây mà không nhìn thấy sự phát triển của lĩnh vực công nghệ số, các sản phẩm do DN công nghệ số Việt Nam làm ra giúp cho người dân hạnh phúc, đất nước phát triển, tôi xin phép từ chức”, Bộ trưởng khẳng định và cho biết, Thủ tướng đã đặt niềm tin, vấn đề hiện nay là hành động, nhanh, mạnh và hiệu quả.

Mở màn phiên thảo luận buổi chiều trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng gửi lời chúc mừng cộng đồng 64.000 DN số vì ngày mai 12.12 là ngày riêng của ngành. Kể từ Diễn đàn DN công nghệ số lần 1 vào năm 2019, các DN điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số được thống nhất dưới một cái tên là DN công nghệ số. Doanh thu của cộng đồng này năm 2021 ước đạt trên 135 tỷ USD.

Bộ trưởng cũng nhắc lại quan điểm: "Make in Vietnam" là giải pháp đưa Việt Nam đi ra thế giới, trở nên hùng cường. "Không Make in Việt Nam thì không thể phát triển, không thể đi ra thế giới, không thể hùng cường, thịnh vượng. "Make in Việt Nam là tự hào Việt Nam", ông Hùng nói.

Ông cũng kêu gọi các DN công nghệ số hãy nhận lấy trách nhiệm phát triển các nền tảng chuyển đổi số quốc gia. Năm 2021, mặc dù đại dịch bùng phát mạnh, doanh thu của các DN số vẫn tăng trưởng gần 10%. Các DN, nền tảng số là tài nguyên, dữ liệu của Việt Nam.

Theo ông, Việt Nam gần như đã sẵn sàng cho sự phát triển số mạnh mẽ. Nhiều DN số năng động. Chỉ cần thêm một cú huých là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hoá các tài sản số, sản phẩm, dịch vụ số và được pháp luật bảo vệ, mở ra không gian đổi mới cho các DN công nghệ số, cho phép họ thử nghiệm trước khi đưa vào quản lý.

Mai Hà

Thanh niên

Các tin tức khác

>   FPT - công ty công nghệ duy nhất trong Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam (11/12/2021)

>   Cựu Chủ tịch TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị đề nghị mức án 10 - 12 năm tù (11/12/2021)

>   Xét xử sai phạm tại SAGRI: Đã hủy hợp đồng chuyển nhượng dự án (11/12/2021)

>   Chính phủ đồng ý khôi phục đường bay quốc tế từ 1/1/2022 (11/12/2021)

>   Bắt tạm giam cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường (10/12/2021)

>   HSG liên tiếp nhận những giải thưởng uy tín vinh danh các doanh nghiệp niêm yết (13/12/2021)

>   Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất tiếp tục gọi tên Masan Group (10/12/2021)

>   Bắt tạm giam cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn (10/12/2021)

>   Giám đốc Arktic: 'Bị cáo toàn làm theo chỉ đạo của vợ chồng anh Nguyễn Đức Chung' (10/12/2021)

>   Tương lai nào cho các doanh nghiệp đầu tư điện gió? (10/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật