Tắc cảng, nghẽn biên: Dòng chảy 47 tỷ USD đối mặt 1 năm chưa từng có
Chưa năm nào như 2021, nông sản xuất khẩu hết tắc nghẽn trên đường ra cảng biển lại ùn ứ ở các cửa khẩu. Song, thế mạnh này của Việt Nam vẫn tạo nên kỳ tích chưa từng có, kim ngạch xuất khẩu đạt tới hơn 47 tỷ USD.
Ùn ứ toàn tập tại các cửa khẩu
Với kim ngạch đạt hơn 47 tỷ USD năm 2021, Việt Nam xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang hầu khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn thứ hai của nông sản Việt Nam xuất khẩu, đứng sau Mỹ.
Thế nhưng, gần 1 tháng nay, các xe chở nông sản xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân lại bị ùn ứn nghiêm trọng tại các cửa khẩu. Nguyên nhân do Trung Quốc siết chặt kiểm soát xuất nhập khẩu để phòng chống Covid-19, trong khi nông sản nước ta vào vụ thu hoạch rộ, là mùa cao điểm xuất khẩu sang thị trường này.
Tại cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị và Chi Ma (Lạng Sơn) còn tồn hơn 4.000 xe hàng. Trong khi các xe chở nông sản tiếp tục đổ dồn lên các cử khẩu tại Lạng Sơn.
Xe chở nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đang bị ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn và Quảng Ninh (ảnh: Phạm Công)
|
Tại các cửa khẩu ở Quảng Ninh cũng đang ùn ứ hơn 1.000 xe container chở hàng chờ xuất khẩu. Đại diện Chi cục Hải quan TP. Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, trong số hơn 1.000 xe container này phần lớn là hàng nông sản gồm: hơn 300 container hoa quả của Việt Nam, khoảng 100 container hoa quả Thái Lan và trên 700 container hàng thủy sản hàng cấp đông.
Điệp khúc “tắc nghẽn” tại cửa khẩu đã diễn ra nhiều năm nay. Khi Trung Quốc thay đổi hoặc siết kiểm dịch lại tắc, mùa cao điểm xuất khẩu cũng tắc. Mỗi lần như vậy, nông sản tại vườn lại rớt giá, chủ hàng không thể “ăn đợi nằm chờ” quá lâu trên cửa khẩu thì đành bỏ hàng ra bán đổ bán tháo.
Những ngày này, khi hàng ngàn xe nông sản tươi đang ùn ứ tại cửa khẩu, cảnh đổ đống nông sản ra ven đường bán giá rẻ lại tái diễn. Trong khi, tại các nhà vườn ở khu vực phía Nam, một số loại nông sản bắt đầu giảm giá mạnh. Điển hình là mít, khi tắc đường sang Trung Quốc, giá loại quả này giảm “chạm đáy”.
Để kịp thời khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có chỉ đạo các bộ ngành, địa phương và chính người nông dân có giải pháo ứng phó với thay đổi của thị trường xuất khẩu nói chung, thị trường Trung Quốc nói riêng, nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động sả xuất, thông quan và xuất khẩu hàng hóa; bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp; đồng thời rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho vụ sản xuất tiếp theo.
Tắc nghẽn tại cảng Bắc - Nam
Chưa khi nào tình trạng nông sản xuất khẩu lại gặp khó như năm nay. Xe chở nông sản không chỉ ùn ứ tại của khẩu mà còn nhiều lần tắc nghẽn ở các cảng miền Bắc và miền Nam.
Tháng 2 năm nay, Covid-19 bất ngờ bùng phát tại Hải Dương cũng là thời điểm vào chính vụ thu hoạch nhiều loại nông sản xuất khẩu của tỉnh này. Các doanh nghiệp cũng đã ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài để đặt lịch tàu biển xuất khẩu hàng hoá.
Tuy nhiên, ngày 16/2/2021, UBND TP. Hải Phòng ban hành Thông báo về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó Hải Phòng yêu cầu “Trong thời gian tỉnh Hải Dương giãn cách xã hội (từ ngày 16/2/2021 đến 3/3/2021), TP dừng tiếp nhận tất cả hàng hóa từ tỉnh Hải Dương về Hải Phòng và yêu cầu lái xe chở hàng đi Hải Dương, khi trở về sẽ bắt buộc cách ly”.
Do hoạt động kiểm soát dịch Covid-19, xe chở hàng xuất khẩu tắc dài trên đường quốc lộ ra cảng Hải Phòng hồi giữa tháng 7 năm nay (ảnh: TL)
|
Với quyết định “ngăn sông cấm chợ” của Hải Phòng đã khiến hơn 40.000 tấn nông sản của tỉnh Hải Dương gặp khó trong xuất khẩu và phải kêu cứu. Giữa tháng 7/2021, làn sóng Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Bắc, tình trạng xe chở hàng về cảng Hải Phòng lại một lần nữa tắc nghẽn. Có thời điểm, tình trạng ùn tắc kéo dài hơn 30km trên QL5A. Hàng nghìn ô tô các loại, đặc biệt là xe container "chôn chân" trên các quốc lộ nhiều giờ liền.
Khi đó, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu Hải Phòng lập luồng xanh của địa phương, đấu nối với luồng xanh quốc gia, tạo mọi điều kiện thuận tiện, nhanh chóng nhất cho doanh nghiệp và lái xe vận chuyển hàng hoá.
Tương tự, do giãn cách xã hội, tại các cảng ở khu vực phía Nam cũng diễn ra tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng. Thậm chí, từ 5/8, cảng Cát Lái (chiếm 40% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu cả nước) còn tạm ngưng tiếp nhận hàng chiếm dung lượng bãi lớn như hàng siêu trường, siêu trọng, hàng dự án, hàng quá khổ, quá tải,...
Ngay sau đó, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã họp trực tuyến với gần 1.500 khách hàng là doanh nghiệp logistics, hãng tàu, cảng trong và ngoài nước, thông tin về tình hình hoạt động cảng cũng như giải đáp nhiều thắc mắc của các doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ tại cảng.
Chính phủ yêu cầu gấp rút gỡ ùn tắc hàng hóa ở cảng Cát Lái để không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hoá.
Đến cuối tháng 8, UBND TP Cần Thơ lại quy định tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa tiêu dùng, xuất nhập khẩu... từ các tỉnh, thành khác đến giao nhận hàng hóa đều phải đăng ký trước, khiến xe chở hàng hóa bị ùn tắc dài trên quốc lộ 1 và điểm tập kết trung chuyển hàng hóa ở bến xe trung tâm TP Cần Thơ.
Ngay lập tức, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương rà soát lại các văn bản đã ban hành. Văn bản nào làm phát sinh thêm chi phí, thời gian, “giấy phép con” phải dừng áp dụng, tạo điều kiện tốt nhất cho lưu thông hàng hóa.
Ông Thể nhấn mạnh, Chính phủ đã chỉ đạo xe nào đã được cấp mã QR chỉ tiền kiểm và hậu kiểm. Trong khi xe vận tải hàng hóa chở đến cho bà con không lưu thông được. "Cần Thơ là đầu mối giao thông mà lại làm khó dễ như vậy ai mà 'ưa được. Địa phương nào 'đẻ' ra quy định trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gây khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa thì phải chịu trách nhiệm".
Trước tình trạng này, Bộ NN-PTNT cũng cử Tổ Công tác vào phía Nam trực tiếp gỡ khó cho bà con nông dân, DN. Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, các tỉnh ĐBSCL có sự liên thông chặt chẽ, chỉ cần tắc ở một chốt sẽ ảnh hưởng tới cả một chuỗi, một ngành. Thế nên, cần có sự linh hoạt để nông sản được thông thương.
Thời điểm này, tại các cảng biển đã không còn tình trạng ách tắc, DN cũng đang tăng tốc sản xuất để trả đơn hàng cuối năm. Song nhìn lại năm 2021, có thể thấy, chưa năm nào hoạt động xuất khẩu nông sản lại khó khăn như vậy. Không chỉ vướng trong thông quan, kẹt cảng, thiếu container rỗng, mà cước vận chuyển cũng tăng dựng đứng. Có tuyến cước đã tăng gấp 5-10 lần so với trước kia.
Hiện, dịch Covid-19 tại khu vực phía Nam khiến các hãng tàu cắt chuyến và giảm chuyến về Việt Nam, gây nguồn cung vận tải thiếu hụt, ảnh hưởng tới các đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ.
T.An
Vietnamnet
|