NHTW Thổ Nhĩ Kỳ giảm lãi suất bất chấp lạm phát và đà lao dốc của đồng Lira
Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã “cúi mình” trước những áp lực chính trị và hạ lãi suất, mặc dù lạm phát đang tăng vọt và cuộc khủng hoảng tiền tệ ngày càng leo thang.
Ngày 16/12, NHTW đã hạ lãi suất chuẩn từ 15% xuống 14%, lần giảm lãi suất thứ 4 kể từ tháng 9/2021.
Chính Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã yêu cầu NHTW thực hiện các đợt giảm lãi suất trước đó. Điều này đã châm ngòi cho đà lao dốc của đồng Lira. Đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất 40% giá trị so với USD kể từ tháng 9/2021, trở thành một trong những khoản đầu tư tệ nhất trên thế giới.
Diễn biến của đồng Lira
|
Đồng Lira sụt thêm 3.6% trong ngày 16/12, vượt ngưỡng 15 Lira đổi 1 USD lần đầu tiên trong lịch sử. Giữa cuộc khủng hoảng tiền tệ này, người dân Thổ Nhĩ Kỳ nghèo hơn, họ đổ ra đường để biểu tình phản đối.
Giới đầu tư và người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã bán tháo đồng Lira trong những ngày gần đây vì kỳ vọng NHTW sẽ giảm lãi suất thêm. NHTW đã giảm lãi suất chuẩn xuống 14%, từ mức 19% vào đầu tháng 9/2021.
Các chuyên gia kinh tế và giới đầu tư kỳ vọng khả năng giảm lãi suất trong thời gian tới sẽ khiến đồng Lira lao dốc thêm. Với một đồng tiền ngày càng mất giá, sức mua của người dân Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng giảm và điều này có thể dẫn tới sự giảm tốc kinh tế hoặc thậm chí là suy thoái, các chuyên gia kinh tế cho biết.
“Thị trường như đang ‘hét lên’ rằng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không nên làm thế nữa”, Selim Sazak, nhà nghiên cứu tại Đại học Bilkent, cho hay.
Chính sách tiền tệ "chẳng giống ai"
Đóng vai trò chính trong những rắc rối tại Thổ Nhĩ Kỳ là nhiều năm thực hiện chính sách kinh tế bất thường của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Khác với các chuyên gia kinh tế thông thường, ông Erdogan tranh luận rằng lãi suất tăng sẽ thúc đẩy lạm phát và ngược lại. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì đã diễn ra ở các nền kinh tế trên thế giới.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan
|
Ngoài ra, động thái từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đi ngược với hầu hết các nền kinh tế thị trường mới nổi khác. Những quốc gia như Nga, Mexico và Brazil đã nâng lãi suất để chống lạm phát và ngăn chặn đà tăng của USD – vốn là yếu tố khiến nợ bằng USD trở nên đắt đỏ hơn.
* Đi ngược với Fed và BoE, NHTW châu Âu dự báo không nâng lãi suất trong năm 2022
* Fed mạnh tay giảm tốc độ mua trái phiếu, dự báo nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022
Vị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải gần như toàn bộ các quan chức kinh tế phản đối với quan điểm của ông và cũng cho thấy ông không dễ gì đổi ý.
“Chúng tôi không nhận thấy các nhà hoạch định chính sách muốn thay đổi định hướng chính sách, cố gắng giành lại niềm tin từ phía nhà đầu tư”, William Jackson, Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách thị trường mới nổi tại Capital Economics, cho hay.
Các số liệu thống kê từ Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy lạm phát nước này trong tháng 11/2021 vọt lên 21.3%, cao hơn 6 điểm phần trăm so với mục tiêu của NHTW. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế hoài nghi về tính chính xác của số liệu này.
Tổ chức nghiên cứu lạm phát độc lập ENAGrup ước tính rằng lạm phát tháng 11/2021 của Thổ Nhĩ Kỳ là hơn 58%.
“Chẳng ai biết được điều gì đang diễn ra trong khoảng thời gian giữa việc thu thập dữ liệu và trình bày dữ liệu”, Veysel Ulusoy, Chuyên gia kinh tế và người đứng đầu của ENAGrup, cho hay. “Dữ liệu này không đại diện cho cảm nhận của xã hội”.
Khi đồng Lira giảm mạnh trong năm 2020, NHTW Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn chặn đà giảm của đồng nội tệ bằng cách đi vay ngoại tệ từ các ngân hàng và các tổ chức khác, đồng thời bán lượng ngoại tệ này ra thị trường để mua Lira.
Điều này làm giảm dự trữ ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ và hiện NHTW ước tính lượng nợ của Thổ Nhĩ Kỳ giờ đã cao hơn tài sản. Ngoài ra, việc NHTW không còn quá nhiều “đạn dược” để ngăn chặn đà giảm cũng khiến đồng Lira giảm nhanh hơn và mạnh hơn so với các lần lao dốc trước đó.
Vũ Hạo (Theo WSJ)
FILI
|