Thứ Sáu, 17/12/2021 09:52

Đi ngược với Fed và BoE, NHTW châu Âu dự báo không nâng lãi suất trong năm 2022

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra một định hướng chính sách có phần trái ngược với các NHTW chủ chốt khác như Fed và BoE. Sự khác biệt trong cách tiếp cận giữa các NHTW cho thấy những thách thức của các nhà hoạch định chính sách khi phải cố cân bằng giữa lạm phát và rủi ro mới từ biến chủng Omicron.

* Lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed sẽ tác động thế nào đến Việt Nam?

* Fed mạnh tay giảm tốc độ mua trái phiếu, dự báo nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022

Chủ tịch ECB Christine Lagarde

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) trở thành NHTW chủ chốt đầu tiên trên thế giới nâng lãi suất trở lại. Trong khi đó, ECB cho biết sẽ loại bỏ dần chương trình mua trái phiếu khẩn cấp, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp kích thích khác để hỗ trợ cho đà hồi phục của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Ngày 15/12, các quan chức Fed đưa ra kế hoạch đẩy nhanh quá trình rút lại các gói kích thích và báo hiệu sẽ nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022. Đây là một bước ngoặt về chính sách và thể hiện phần nào những lo ngại của Fed về lạm phát.

“Tôi không nghĩ rằng điều gì đó xảy ra tại Fed cũng sẽ xảy ra tại châu Âu”, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết tại cuộc họp báo ngày 16/12. Mỹ, Anh và các nền kinh tế Eurozone đang ở các giai đoạn khác nhau của chu kỳ kinh tế và nhận được mức hỗ trợ khác nhau từ Chính phủ giữa dịch bệnh, bà cho biết.

Biến chủng Omicron – lần đầu tiên phát hiện ở Nam Phi – hiện đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và càng khiến triển vọng hồi phục của các nền kinh tế thêm phần phức tạp.

Trong ngày 16/12, các quan chức trong Ủy ban Chính sách Tiền tệ của NHTW Anh quyết định nâng lãi suất chính sách từ 0.1% lên 0.25%, cho rằng với đà tăng mạnh từ thị trường lao động, việc NHTW nâng lãi suất giữa bối cảnh lạm phát tăng mạnh là hợp lý.

Động thái của BoE diễn ra mặc dù số ca nhiễm biến chủng Omicron ở Anh đang tăng vọt và buộc Chính phủ phải đưa ra các biện pháp kiểm soát dịch bệnh mới. Ngày 16/12, Anh ghi nhận 78,610 ca nhiễm mới, mức kỷ lục.

Omicron là một mối lo ngại nhưng tác động của chúng tới kinh tế thật sự khó lường. Tuy vậy, sự xuất hiện của Omicron chưa đủ để NHTW trì hoãn nâng lãi suất, phần lớn quan chức tại BoE cho biết.

Người dân đi tiêm vắc-xin Covid-19 tại Anh.

Quyết định của BoE là khá bất ngờ vì các chuyên gia kinh tế và giới đầu tư kỳ vọng NHTW sẽ giữ nguyên lãi suất đến đầu năm 2022 khi mà tác động kinh tế từ Omicron trở nên rõ ràng hơn.

Các thị trường chứng khoán diễn biến trái chiều sau quyết định của các NHTW. S&P 500 giảm 0.5% trong ngày 16/12 sau khi vừa tăng mạnh trong phiên trước đó.

Động thái tại BoE và Fed cho thấy họ lo ngại đà tăng lạm phát nhanh chóng cùng với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp có nguy cơ thổi bùng đà tăng của tiền lương và giá cả, qua đó duy trì áp lực lạm phát trong thời gian dài hơn.

ECB chọn cách tiếp cận thận trọng hơn. Nền kinh tế Eurozone vẫn đang ở dưới mức trước dịch và dường như đã tăng trưởng chậm lại đáng kể, trong khi nền kinh tế Mỹ đã vượt mức đỉnh trước dịch.

“Có vẻ như các ngân hàng trung ương đang bắt đầu tiến trình bình thường hóa chính sách tiền tệ ở những thời điểm khác nhau”, Mark Zandi, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, cho hay. Ông cho rằng sự khác biệt trong thị trường lao động ở mỗi khu vực là lý do dẫn tới các lựa chọn chính sách của họ.

“Thị trường lao động Anh đang liên tục tăng trưởng khả quan”, ông nói. “Trong khi đó, Mỹ đang hơi bị xáo trộn và châu Âu đang xuất hiện tín hiệu đáng ngại”.

ECB cho biết sẽ kết thúc chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 2.1 ngàn tỷ USD vào tháng 3/2022, nhưng lại đẩy mạnh chương trình mua trái phiếu khác trong năm 2022. Xét cả thảy, nhịp độ mua trái phiếu của ECB sẽ giảm xuống mức 40 tỷ Euro/tháng trong tháng 4/2021, từ mức 80 tỷ Euro hiện tại, và sẽ tiếp tục ít nhất cho tới tháng 10/2022.

“Rất khó có khả năng NHTW châu Âu nâng lãi suất trong năm 2022”, bà Lagarde cho biết.

ECB cho biết sẽ dần dần giảm bớt tốc độ mua trái phiếu xuống 30 tỷ Euro từ tháng 7/2021 và 20 tỷ Euro từ tháng 10/2021. Tuy nhiên, để phòng ngừa thêm, ECB cho biết họ có thể nối lại chương trình mua trái phiếu khẩn cấp nếu cần thiết “để chống lại các cú sốc tiêu cực liên quan tới đại dịch Covid-19”.

Với biến chủng Omicron, “chúng ta đang phiêu lưu trong vùng bất định”, bà Lagarde cho biết. Trong bối cảnh đó, bà cho biết sẽ là hợp lý khi dần dần giảm mức mua trái phiếu.

Quyết định để ngỏ việc tiếp tục chương trình mua trái phiếu của ECB gây bất ngờ cho các chuyên viên phân tích vì nó trái ngược với quyết định của Fed.

Tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng đang bóp nghẹt ngành sản xuất to lớn của châu Âu và chính phủ các nước châu Âu gần đây đã tái áp đặt biện pháp giãn cách xã hội để chống lại dịch bệnh. Lợi suất trái phiếu Chính phỏ của khu vực Nam Âu đã tăng kể từ mùa hè, gây áp lực lên các chính quyền nặng nợ như Italy.

Dù vậy, lạm phát ở Eurozone đã tăng mạnh 4.9% trong tháng 11/2021, cao nhất kể từ khi đồng Euro ra đời trong năm 1999 và cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% của ECB. Ở Đức, lạm phát chạm mức 5.2%, một mức gây khó chịu cho một quốc gia vốn từ lâu đã ám ảnh về lạm phát cao.

Hơn 10 NHTW đã nâng lãi suất trong năm nay, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), giữa lúc nền kinh tế toàn cầu tái mở cửa và tháo gỡ các biện pháp chống dịch.

Na Uy cũng nâng lãi suất trong ngày 16/12, mặc dù số ca nhiễm Omicron tăng mạnh. NHTW nước này nâng lãi suất chuẩn từ 0.25% lên 0.5% và cho biết có thể nâng thêm vào tháng 3/2022.

Vũ Hạo (Theo WSJ)

FILI

Các tin tức khác

>   Nghiên cứu: Tốc độ nhân đôi của Omicron nhanh gấp 70 lần Delta (17/12/2021)

>   Tổng thống Biden tăng trần nợ công, Mỹ thoát kịch bản vỡ nợ (17/12/2021)

>   Hy vọng mới về thuốc chữa Covid-19 của Pfizer (17/12/2021)

>   Làn sóng Omicron biến London thành “thị trấn ma” ngay trong mùa Giáng sinh (17/12/2021)

>   "Ác mộng" ngành bán dẫn: Từ khủng hoảng thiếu tới nguy cơ thừa mứa chip (16/12/2021)

>   NHTW Anh nâng lãi suất lần đầu tiên trong đại dịch Covid-19 (16/12/2021)

>   “Omicron là hồi chuông cảnh tỉnh với thế giới: Không thể đóng cửa mãi mãi” (16/12/2021)

>   Núi nợ ngầm đe dọa đẩy Trung Quốc vào ‘bão’ tài chính (16/12/2021)

>   Nhìn lại ngành du lịch toàn cầu sau hai năm đại dịch, triển vọng lạc quan trong 2022 (16/12/2021)

>   Quy mô nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ vượt Mỹ vào năm 2033 (16/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật