NHNN yêu cầu đẩy nhanh cổ phần hóa Agribank
Đây là một trong những mục tiêu được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong chương trình hành động của ngành ngân hàng nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa ban hành Quyết định số 1963/NHNN về Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, mục tiêu của quyết định là thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí triệt để trong mọi lĩnh vực hoạt động của ngành. Từ đó, tạo nguồn lực để thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Bên cạnh mục tiêu trên, cơ quan quản lý tiền tệ cũng hướng tới việc tiết kiệm chi phí nhằm quản lý, sử dụng có hiệu quả ngân sách Nhà nước cho phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tăng trưởng, phòng chống, khắc phục hậu quả của dịch bệnh.
Đẩy nhanh cổ phần hóa Agribank
Đáng chú ý, một trong những nhiệm vụ được NHNN đưa ra để thực hiện quyết định này chính là việc đẩy mạnh hoạt động cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn trong ngành ngân hàng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
“Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)”, quyết định nếu rõ.
Là một trong 4 ngân hàng có quy mô tài sản, dư nợ cho vay và số lượng khách hàng lớn nhất hệ thống, nhưng đến nay, Agribank là nhà băng duy nhất chưa thể cổ phần hóa. Trong khi đó, Vietcombank, VietinBank, BIDV đều đã hoàn tất quá trình này và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán từ lâu.
Thực tế, Agribank đã được cho phép cổ phần hóa từ năm 2007, nhưng đến năm 2008-2009 thì được NHNN đề xuất dừng vì khủng hoảng tài chính.
Năm 2017, ngân hàng này tái khởi động kế hoạch cổ phần hóa. Tuy nhiên, đến nay, Agribank vẫn chưa giải quyết được các vấn đề liên quan định giá tài sản là đất, tài sản gắn liền trên đất thuộc sở hữu của Nhà nước.
Theo báo cáo mới nhất NHNN gửi Quốc hội có đề cập tới tiến độ cổ phần hóa Agribank, đến ngày 31/8, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp đối với 2.094/2.174 cơ sở nhà, đất của Agribank.
Với 80 cơ sở nhà đất chưa được Bộ Tài chính phê duyệt, NHNN đã chỉ đạo, hướng dẫn Agribank rà soát lại để xây dựng, đề xuất phương án sắp xếp theo quy định nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.
Theo báo cáo tài chính mới nhất, tính đến hết tháng 6 năm nay, ngân hàng mẹ Agribank có tổng tài sản đạt trên 1,62 triệu tỷ đồng, tăng 3,46% so với đầu năm. Hai chỉ số tài chính quan trọng nhất, gồm cho vay khách hàng và tiền gửi khách hàng lần lượt đạt trên 1,23 triệu tỷ và trên 1,46 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 1,6% và 4,23% so với đầu năm.
Tính trong nửa đầu năm nay, ngân hàng mẹ Agribank cũng ghi nhận gần 33.600 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 9.464 tỷ, cao hơn 32% và 40% so với cùng kỳ năm 2020.
Điều hành tăng trưởng tín dụng an toàn
Bên cạnh việc đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, tại quyết định mới, NHNN cho biết sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng.
Trong đó, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Trong hoạt động tín dụng, NHNN duy trì quan điểm điều hành tăng trưởng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp.
NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại theo hướng an toàn. Ảnh: Nam Khánh.
|
Bên cạnh đó, triển khai toàn diện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tăng cường thanh tra, giám sát; phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.
Cơ quan quản lý tiền tệ cũng sẽ thực hiện quản lý chặt nguồn vốn và tài chính của các đơn vị trong ngành. Thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch và triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý và sử dụng tài sản và kinh phí hoạt động.
Ngoài ra, NHNN cũng yêu cầu xây dựng và quản lý chặt kế hoạch sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Trong đó, loại bỏ các dự án không cần thiết, kém hiệu quả, đảm bảo thực hiện dự án theo ký kết với nhà tài trợ, phân bổ và giải ngân vốn ODA và nguồn vốn đối ứng theo đúng kế hoạch.
Cùng với đó, tăng cường quản lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Để thực hiện tiết kiệm, chống lãi phí hiệu quả, NHNN yêu cầu các đơn vị thành viên đẩy mạnh thi hành Luật quản lý, sử dụng tài sản công, góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.
Quang Thắng
ZING
|