TP.HCM: 38 doanh nghiệp được yêu cầu cổ phần hóa vẫn chưa công bố giá trị
Thủ tướng yêu cầu trong năm 2020, TP.HCM phải cổ phần hóa 38 doanh nghiệp nhà nước nhưng đến cuối năm vẫn chưa có doanh nghiệp nào công bố giá trị doanh nghiệp.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng vừa yêu cầu các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp độc lập trực thuộc thành phố, UBND 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp có vốn góp nhà nước.
Từ tháng 7.2019, UBND TP.HCM đã ban hành Chỉ thị số 07 yêu cầu đẩy nhanh công tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn tại các DNNN nhưng thời gian qua, công tác này còn nhiều tồn tại và hạn chế, chưa thực hiện đúng tiến độ, lộ trình đề ra theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Chưa chủ động sắp xếp nhà đất
Cụ thể, số lượng DNNN phải thực hiện cổ phần hóa theo yêu cầu của Thủ tướng đến hết năm 2020 là 38 doanh nghiệp, nhưng đến cuối năm 2020 chưa có doanh nghiệp nào được công bố giá trị doanh nghiệp theo đúng mục tiêu đã đề ra.
TP.HCM nhìn nhận việc tham mưu hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực đất đai khi cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm. Ngọc Dương
|
Quá trình triển khai, ban hành kế hoạch cổ phần hóa còn chậm, chưa đảm bảo tính kịp thời; công tác tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn chưa được quan tâm nghiêm túc. Công tác lập, thẩm định và phê duyệt phương án cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của 45 DNNN thuộc thành phố trong giai đoạn 2016 - 2020 chưa được phê duyệt theo thời hạn quy định.
Một số doanh nghiệp tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả thấp, thua lỗ, không tương xứng với nguồn lực nắm giữ, có những dự án đầu tư chưa hiệu quả, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp trong điều hành sản xuất kinh doanh còn chậm và chưa theo kịp với yêu cầu biến động của cơ chế thị trường.
UBND TP.HCM đánh giá công tác tham mưu triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực đất đai khi cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, đặc biệt là hướng dẫn về quy trình, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp.
Điều đáng lo ngại là các doanh nghiệp chưa chủ động phối hợp triển khai sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của nhà nước. Nhiều doanh nghiệp chờ đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Từ đó ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp.
Ngoài ra, một số sở, ngành chức năng chưa chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao, còn tâm lý e ngại, đùn đẩy trách nhiệm, chờ đợi chỉ đạo, chưa chủ động tham mưu, đề xuất xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đây là điều cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong thời gian tới.
Kịp thời phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng
Trước tình hình trên, UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành chức năng và doanh nghiệp khẩn trương triển khai, tham mưu giải quyết các vướng mắc, khó khăn và kiến nghị về công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn tại DNNN và doanh nghiệp có vốn góp nhà nước.
Cụ thể, Sở KH-ĐT tham mưu quy định phân công thực hiện các quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo Nghị định số 10/2019 của Chính phủ.
Sở TN-MT hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá về trình tự, thủ tục lập, thẩm định và trình phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
TP.HCM từng đề xuất với Thủ tướng không cổ phần hóa 4 khách sạn đắc địa do Saigontourist Group quản lý. Sỹ Đông
|
Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiểm soát viên và người đại diện phần vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước rà soát các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, xử lý dứt điểm các khoản đầu tư không hiệu quả, thực hiện sắp xếp các doanh nghiệp thành viên có hoạt động kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ bằng các hình thức chuyển đổi khác theo quy định của pháp luật và đảm bảo lợi ích tối đa của Nhà nước khi cổ phần hóa, thoái vốn.
Các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nghiêm túc thực hiện công tác quyết toán giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng yêu cầu các sở ngành và chính quyền địa phương hướng dẫn, kiểm tra, xây dựng lộ trình và thời gian cụ thể để triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp theo phương án đã được phê duyệt.
Đồng thời, nỗ lực, tích cực, quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ xử lý dứt điểm những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài tại các DNNN, đảm bảo công khai, minh bạch, theo nguyên tắc, cơ chế thị trường và quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra hoạt động của DNNN, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, gây thất thoát tài sản của nhà nước.
Xem xét cho người lao động mua thêm cổ phần ưu đãi
UBND TP.HCM giao Sở TN-MT phối hợp Sở Tài chính tham mưu ban hành đơn giá chính thức công tác vận hành trạm ép rác kín năm 2015 đến năm 2017, để Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích H.Bình Chánh thanh toán, quyết toán nợ tồn đọng kinh phí quản lý vận hành Trạm ép rác kín Lê Minh Xuân và Bình Chánh giai đoạn 2015 - 2016.
Sở LĐ-TB-XH nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét nâng số lượng được mua cổ phần ưu đãi của người lao động khi doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa để duy trì và thu hút người lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm lâu năm gắn bó làm việc lâu dài.
|
Sỹ Đông
Thanh niên
|