Hết thời… Libor!
Những ai từng đi vay trên thị trường quốc tế có lẽ đã nghe nói đến lãi suất Libor. Chẳng hạn hồi tháng 10-2021 một ngân hàng trong nước cho biết họ vừa huy động một khoản vay hợp vốn, trong đó lãi suất khoản vay bằng Libor cộng biên độ 1,35%… Thế nhưng bắt đầu từ năm 2022, thế giới tài chính sẽ không dùng Libor nữa trừ một số trường hợp.
Các định chế tài chính thế giới đã quyết định từ nay sẽ không dùng Libor làm lãi suất tham chiếu nữa trong bất kỳ các hợp đồng phái sinh, hợp đồng cho vay hay chào lãi suất thẻ tín dụng. Tuy nhiên các hợp đồng cũ bằng đô la Mỹ trong đó có điều khoản dựa vào Libor làm lãi suất tham chiếu, mà theo báo Financial Times, có giá trị lên đến 230.000 tỉ đô la Mỹ, vẫn sẽ áp dụng như cũ cho đến giữa năm 2023.
Các định chế tài chính thế giới đã quyết định từ nay sẽ không dùng Libor làm lãi suất tham chiếu nữa trong bất kỳ các hợp đồng phái sinh, hợp đồng cho vay hay chào lãi suất thẻ tín dụng. Ảnh minh họa: smartfinance
|
Libor viết tắt cụm từ London Inter-Bank Offered Rate, là mức bình quân lãi suất cho vay liên ngân hàng do một số ngân hàng lớn ở Anh tính toán, tổng hợp và công bố hàng ngày vào lúc 11:55 sáng tại London. Libor được sử dụng rộng rãi trong suốt mấy chục năm qua cho các khoản vay từ ngắn hạn qua đêm cho đến các kỳ hạn dài hơn, áp dụng cho năm loại ngoại tệ: đô-la Mỹ, bảng Anh, euro, franc Thụy Sĩ và yên Nhật.
Về nguyên tắc, các ngân hàng phải nộp mức lãi suất họ trả hay dự định trả cho các khoản vay với ngân hàng khác vì thế tổng hợp các mức lãi suất này lại, người ta sẽ có bức tranh tổng thể về sức khỏe của hệ thống tài chính. Nếu mức lãi thấp, tức các ngân hàng tin tưởng vào tình hình tài chính còn họ đưa ra mức lãi cao chứng tỏ họ đang lo ngại cho sức khỏe của nền kinh tế.
Thế nhưng, một số ngân hàng lại nâng hay hạ lãi suất báo cáo không phải vì nhận định khách quan mà vì để hưởng lợi từ các thương vụ liên quan, chẳng hạn họ hạ lãi suất chỉ để cho thấy phi vụ này phi vụ kia có mức dộ tin cậy tín dụng cao hơn thực tế. Năm 2012, nhiều vụ dàn xếp để khỏi bị truy tố hình sự của ngân hàng Barclays tiết lộ những thao túng lãi suất Libor như thế – gọi là vụ xì-căng-đan Libor, làm rúng động thị trường tài chính.
Mặc dù sau năm 2012 việc giám sát Libor được chuyển sang cho cơ quan quản lý tài chính Anh quốc kèm theo nhiều biện pháp kiểm soát sự thao túng, lãi suất Libor mất dần ý nghĩa vì quy mô nhóm mẫu để tính toán Libor đã giảm dần, không những số lượng ngân hàng tham gia giảm mà các ngân hàng còn lại cũng không báo cáo thường xuyên mức lãi Libor của họ. Libor ngày càng dựa nhiều hơn vào nhận định của các chuyên gia dựa trên dữ liệu thị trường chứ không dựa trên các giao dịch có thật nữa. Năm 2017, số phận Libor đã được quyết định sẽ chấm dứt nhưng thế giới cần đến 5 năm để chuẩn bị.
Đầu năm 2021, Cơ quan Quản lý Tài chính Vương quốc Anh quyết định, kể từ năm 2022 sẽ ngưng công bố 35 mức lãi suất Libor trên 5 ngoại tệ. Cụ thể, sau ngày cuối năm 2021, sẽ không còn Libor cho tất cả các đồng euro, bảng Anh, franc Thụy Sĩ và yên Nhật. Với đồng đô la Mỹ, Libor kỳ hạn 1 tuần và 2 tháng cũng chấm dứt vào thời điểm đó. Nhưng Libor cho đô la Mỹ kỳ hạn qua đêm, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng vẫn được tồn tại và chỉ chấm dứt sau ngày 30-6-2023.
Trước đây các bên đi vay quen với lãi suất tham chiếu Libor vì nhìn vào hợp đồng họ có thể dự báo mức lãi suất phải trả cho các khoản vay. Các lãi suất tham chiếu khác không có tính dự báo như Libor; chẳng hạn, khi các cơ quan quản lý muốn các bên sử dụng lãi suất cho vay qua đêm, giới tài chính cho rằng như thế là đã loại trừ yếu tố rủi ro tích hợp trong lãi suất vì lãi suất qua đêm là lãi suất đã thực hiện chứ không phải sẽ thực hiện.
Hiện nay Anh sẽ dùng lãi suất tham chiếu thay thế Libor là lãi suất Sonia (lãi suất cho vay qua đêm của Anh) còn Mỹ sẽ sử dụng lãi suất Sofr (lãi suất qua đêm được bảo đảm bằng trái phiếu kho bạc Mỹ). Nhật Bản sẽ dùng TONA là lãi suất bình quân qua đêm Tokyo.
Nguyễn Vũ
TBKTSG
|