Hà Nội muốn chi 1.000 tỷ nâng cấp y tế cơ sở để chống dịch
Lãnh đạo Hà Nội cho biết khoản chi sẽ đáp ứng 2 mục tiêu là điều trị ban đầu cho người dân từ tuyến cơ sở và đáp ứng khả năng điều trị số lượng lớn ca bệnh nặng cần giường ICU.
Phát biểu tiếp thu và giải trình về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch bệnh trước HĐND ngày 8/12, ông Hà Minh Hải (Phó chủ tịch UBND Hà Nội) dành thời gian phân tích về các nhóm giải pháp chính thành phố sẽ ưu tiên trong năm 2022.
Gói nâng cấp hệ thống y tế 1.000 tỷ
Về y tế, ông Hà Minh Hải nhấn mạnh trước diễn biến của dịch bệnh cũng như bài học trong công tác phòng, chống dịch năm qua, thực tế đòi hỏi TP cần sớm nâng cấp hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở cả về nhân lực và cơ sở vật chất.
Lãnh đạo UBND Hà Nội cho biết TP sẽ dành nguồn lực cho vaccine, mua sắm thiết bị, công tác điều trị và nhất là đầu tư hệ thống y tế. "UBND TP đã báo cáo với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giờ là HĐND TP về bố trí gói 1.000 tỷ đồng sẵn sàng để đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở", ông Hải nói.
Lãnh đạo TP cho biết việc này sẽ đáp ứng 2 mục tiêu là điều trị ban đầu cho người dân ngay từ tuyến cơ sở và đáp ứng khả năng điều trị số lượng lớn ca bệnh nặng cần giường ICU nếu dịch bệnh bùng phát thời gian tới.
Với trạng thái mới là thích ứng, an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, Hà Nội sẽ tập trung vào giải pháp 5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ. Trong đó, vai trò của mỗi người dân, mỗi gia đình vẫn quan trọng nhất, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của ngành y tế, tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng.
Phó chủ tịch UBND Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Xuân Hải.
|
Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội 7-7,5% trong năm 2022, ông Hà Minh Hải cho rằng đã bám sát chỉ tiêu của Trung ương và tình hình cụ thể của TP. Hà Nội sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và kích cầu đầu tư công.
Về hỗ trợ doanh nghiệp, TP tiếp tục giãn, hoãn, giảm thuế phí, lệ phí kết hợp cho vay ưu đãi, cho vay thông qua công cụ hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp có thêm nguồn lực cho phục hồi và phát triển. Về kích cầu đầu tư công, TP ưu tiên dự án hạ tầng lớn có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Phó chủ tịch Hà Nội nhìn nhận năm 2022 tiềm ẩn rất nhiều khó khăn, thách thức lớn cho mục tiêu đặt ra. Ông nhắc yếu tố khách quan như dịch bệnh bùng phát, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, thiếu hụt chuyên gia và máy móc do không nhập cảnh, thông quan được…
"UBND TP đã nhận diện những vấn đề này, trong năm 2022 sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng, làm việc với từng đơn vị, dự án để tháo gỡ khó khăn; công khai từng dự án, chủ đầu tư và có giải pháp về thi đua khen thưởng trong thực hiện các dự án", Phó chủ tịch UBND TP cho biết.
Áp dụng công nghệ tốt hơn trong chống dịch
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Hoàng Mai) đánh giá công tác chống dịch của TP thời gian qua đã đạt nhiều kết quả. Mục tiêu lớn nhất là duy trì tỷ lệ nhiễm, tử vong ở mức thấp, đồng thời không làm gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất kinh doanh, thì TP đều đạt được.
Song, đại biểu quận Hoàng Mai nhận định đây là thời điểm TP cần chuyển đổi nhanh, thích ứng kịp thời hướng tới hậu Covid-19. Dịch bệnh trong 2 năm qua đã thay đổi rất nhiều thói quen sinh hoạt của người dân, cách vận hành của doanh nghiệp, của xã hội.
"Vì thế, TP cần phải quan tâm đặc biệt đến thực hiện chủ trương của Chính phủ kinh tế số, chuyển đổi số; trong đó, phải quan tâm đến nguồn lực và nhân lực", ông Đức nói.
Đại biểu Nguyễn Lan Hương (huyện Quốc Oai) đánh giá cao chiến lược điều trị F0 thể nhẹ và cách ly F1 tại nhà được TP áp dụng. Nữ đại biểu góp ý TP cần làm tốt hơn công tác truyền thông để không làm lãng phí nguồn lực, hạn chế người dân hiểu nhầm không đáng có làm ảnh hưởng đến công tác chống dịch chung.
Đại biểu Đàm Văn Huân (huyện Gia Lâm) mong TP huy động sự tham gia, vào cuộc tích cực hơn của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong công tác chống dịch cũng như các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Huân cũng đề nghị TP áp dụng triệt để hơn công nghê thông tin trong phòng, chống dịch để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Sáng 8/12, HĐND Hà Nội đã biểu quyết thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách, công tác phòng chống Covid-19 năm 2022. Mục tiêu tổng quát của TP trong năm 2022 là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch; thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Nghị quyết của HĐND TP thông qua 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó GRDP tăng từ 7 đến 7,5% (GRDP bình quân đầu người 139-141 triệu đồng); tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển xã hội 10%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 5%; chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%.
TP cũng phấn đấu giảm số hộ nghèo theo chuẩn mới xuống 20%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo 72,2%; tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch ở đô thị đạt 100%; khu vực nông thôn đạt 85%; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày đạt 100%...
|
Sơn Hà
Zing.vn
|